TP.HCM lý giải việc chậm cải tạo chung cư cũ
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết tiến độ cải tạo chung cư cũ chậm so với kế hoạch, chủ yếu do khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư và vướng mắc trong công tác bồi thường, di dời…

Ảnh minh họa.
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội ngày 10/7, ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết thành phố hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó có 16 chung cư cấp D cần di dời khẩn cấp vì nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.
Đến nay, đã có 9 chung cư cấp D hoàn tất di dời với 534 hộ dân, trong đó 7 chung cư đã tháo dỡ. Tuy nhiên, còn khoảng 510 hộ trong tổng số 1.194 hộ dân tại các chung cư cấp D chưa đồng thuận di dời.
Theo ông Vũ Anh Dũng, TP.HCM đã ban hành nhiều cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia cải tạo, như tăng chỉ tiêu kiến trúc và hỗ trợ tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách còn vướng quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và giới hạn diện tích, đặc biệt với những chung cư nhỏ dưới 1.000m², khó đảm bảo tái định cư tại chỗ. Ngoài ra, chỉ một vài hộ dân không đồng thuận cũng có thể khiến dự án bế tắc.
Sở Xây dựng đã trình Ban Chỉ đạo xây dựng đề án cải tạo chung cư cũ, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn tất di dời toàn bộ chung cư xây trước năm 1975 và một phần chung cư xây giai đoạn 1975–1994, đồng thời xử lý các trường hợp chung cư cấp D mới phát sinh. Đến năm 2035, thành phố sẽ hoàn tất sửa chữa, cải tạo các chung cư còn lại nếu kiểm định cho thấy cần thiết.
Cũng tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cảnh báo tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại nhiều chung cư cũ, đặc biệt về hệ thống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy (PCCC) và kết cấu sử dụng. Đáng lo ngại, có chung cư đã hư hỏng đến mức không còn khả năng sử dụng.
Sau vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) khiến 8 người tử vong vào tối 6/7, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra và xem xét vụ việc. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do chập điện từ dây dẫn thiết bị sấy quần áo. Bên cạnh đó, tình trạng cơi nới, che chắn trái phép tại các chung cư cũ cũng là nguyên nhân nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ cháy và gây cản trở công tác cứu hộ, chữa cháy.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là thiếu quỹ bảo trì và nguồn tài chính cố định cho sửa chữa, cải tạo hệ thống PCCC. Nhiều ban quản lý hoặc chủ đầu tư không thể huy động đóng góp từ cư dân vốn là người lao động có thu nhập thấp khiến việc duy tu hạ tầng gần như bị đình trệ.
“Dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn. TP.HCM đang tập trung xử lý triệt để tình trạng này”, Thiếu tướng Hưởng khẳng định.
Sau vụ cháy chung cư Độc Lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Được đã yêu cầu rà soát toàn bộ chung cư cũ trên địa bàn, đặc biệt những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Theo Công an TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã tiến hành hơn 1.488 lượt kiểm tra công tác phòng cháy tại các khu dân cư và chung cư cũ. Qua đó lập 1.408 biên bản vi phạm, xử phạt hành chính hơn 500 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan này cũng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền và huấn luyện người dân để hạn chế rủi ro từ cháy nổ.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-ly-giai-viec-cham-cai-tao-chung-cu-cu.htm