TP HCM mất khoảng 10 tháng để khám sức khỏe cho gần 1 triệu người cao tuổi
Trong 7 tuần (từ ngày 7/8 – 26/9/2023), có khoảng 17.000 người cao tuổi được khám sức khỏe tại 70 trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP HCM. Dự kiến, thành phố mất khoảng 10 tháng để hoàn tất việc khám sức khỏe cho gần 1 triệu người cao tuổi.
Thông tin trên được cho biết tại Hội nghị sơ kết "Triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023" vừa diễn ra chiều 27/9.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, để chuẩn bị cho mục tiêu khám sức khỏe cho gần 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn thành phố vào năm 2024, Sở Y tế TPHCM đã triển khai một đợt thí điểm khám sức khỏe người cao tuổi tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức với 70 trạm y tế tham gia.
Cũng theo TS.BS.Nguyễn Văn Vĩnh Châu, trước đây mỗi quận, huyện thực hiện khám sức khỏe cho người cao tuổi chưa có sự đồng nhất, theo những cách và thông tư khác nhau. Việc triển khai thí điểm khám sức khỏe này nhằm giúp ngành y tế vận hành thử hệ thống mới, có quy trình đồng nhất về cách khám sức khỏe tại các trạm y tế. Qua đó, thành phố sẽ triển khai khám đồng loạt cho tất cả người cao tuổi để đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị vào năm 2024.
Theo báo cáo, trong 7 tuần (từ ngày 7/8 – 26/9/2023), có hơn 17.000 người cao tuổi được khám sức khỏe theo mô hình mới. Qua đó, bước đầu nhận diện mô hình sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn TPHCM để từ đó có các giải pháp can thiệp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.
Theo đó, người cao tuổi đang sinh sống tại TP HCM mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe đứng đầu là tăng huyết áp (chiếm tỷ lệ 51,30%), kế đến là đái tháo đường (14,60%), hen phế quản và bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính (2,57%), tiền sử ung thư (1,10%), có dấu hiệu trầm cảm (2,85%), có dấu hiệu lo âu (1,98%).
Đặc biệt là, qua khám sức khỏe còn ghi nhận số trường hợp mới được phát hiện tăng huyết áp (7,25%), đường huyết cao cần kiểm tra lại đường huyết lúc đói (14,96%), nghi hen phế quản hoặc bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính (1,11%), nghi ngờ có dấu hiệu ung thư (2,62%).
Qua đợt thí điểm khám sức khỏe này, lần đầu tiên TP HCM có số liệu về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Cụ thể, chương trình đã ghi nhận 16,27% người cao tuổi có dấu hiệu tiền suy yếu, 0,45% người có dấu hiệu suy yếu; 28,88% người có nguy cơ té ngã; 1,60% người phụ thuộc vào các hoạt động sống cơ bản hằng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển); 6,54% người phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ.....).
Theo Sở Y tế TPHCM, qua chương trình này, ngành y tế thành phố bước đầu đạt được một số kết quả như: Thống nhất nội dung khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi tại 22 quận, huyện; thống nhất quy trình khám sức khỏe tại tất cả các trạm y tế; đảm bảo mỗi người cao tuổi trên địa bàn thành phố đều được khám sức khỏe định kỳ 01 lần/ năm; số hóa toàn bộ dữ liệu khám sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, tạo được dữ liệu lớn về sức khỏe ban đầu của người cao tuổi trên địa bàn thành phố, chuẩn bị sẵn sàng liên thông với hồ sơ sức khỏe điện tử; ghi nhận dữ liệu ban đầu về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi tại các địa phương. Ngoài ra, còn thu hút người dân đến khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn;phát hiện, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm theo hướng dẫn Bộ Y tế tại tuyến y tế cơ sở...