TP HCM: Mất sạch tiền chỉ sau một cú 'nhấp chuột'
Công an TP HCM khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi giao dịch qua mạng, tuyệt đối không được nhấp vào đường link lạ do người khác gửi, không gửi mã OTP ngân hàng cho người lạ kể cả người xưng là nhân viên ngân hàng.
Ngày 16-9, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn công nghệ cao và truy tìm Hoàng Thị Hoài (SN 1994, HKTT phường Hải Chính, huyện Hải Hậu, Nam Định)
Bà N.H.B.N (ngụ quận Bình Thạnh) gửi đơn đến công an trình bày sự việc như sau: khoảng 17 giờ ngày 3-6, bà nhận được tin nhắn từ mạng xã hội facebook tên tài khoản "Xu Top" với nội dung muốn thuê căn hộ của bà N., tại chung cư The Manor và đề nghị chuyển khoản cho bà N. 1.000 USD tiền đặt cọc giữ chỗ.
Ngay sau đó, bà nhận được từ email: agent.westernunion@icloud.com, nội dung trong mail có đường link dẫn đến trang web: http:/wu-sendmoney.weebley.com. Bà N., được tài khoản "Xu Top" hướng dẫn vào đường link nói trên để nhận tiền đặt cọc.
Bà N., nhập số tài khoản ngân hàng, tên, địa chỉ và mã OTP để xác nhận. Thực hiện hết các thao tác, bà N., phát hiện trong tài khoản của mình bị trừ 19 triệu đồng.
Nhận được đơn tố cáo của bà N., công an xác minh tài khoản nhận tiền là của Hoàng Thị Hoài nhưng hiện nay Hoài không có mặt tại địa phương.
Cũng bằng thủ đoạn tương tự, trước đây, bà H.T.H. (ngụ quận 7) bị lừa 850 triệu đồng khi đăng tin cho thuê nhà. Sau khi đăng tin cho thuê nhà lên mạng xã hội, bà H. nhận được tin nhắn của Phạm Hồng Mis nói rằng đang ở Mỹ, muốn thuê nhà của bà H.
Qua thỏa thuận, đối tượng đề nghị chuyển khoản cho bà H. 240 USD để đặt cọc thuê nhà, bà H., đồng ý. Sau đó đối tượng yêu cầu bà H. nhập thông tin vào đường link (có địa chỉ smsbankingusd@icloud.com) và làm theo hướng dẫn từ một đường link khác là https:/banking247-quidoingoaite-westernunion.weebly.com.
Sau khi làm theo hướng dẫn, đối tượng thông báo đã chuyển khoản xong cho bà H. Bà H. kiểm tra tài khoản nhưng không nhập được mật khẩu, nghĩ do hệ thống ngân hàng bị trục trặc nên bà cũng không bận tâm. Sáng hôm sau, bà H. biết được bị mất gần 850 triệu đồng.
Liên hệ ngân hàng, bà H. được thông báo đã nhấp vào đường link lạ trên web và đăng nhập thông tin tài khoản iPay của mình (user và password). Từ đó, đối tượng xấu đã đăng nhập vào hệ thống, chiếm quyền quản lý tài khoản và thực hiện giao dịch chuyển khoản. Mã OTP được gửi về số điện thoại của bà H. và bà H. đã gửi thông tin này cho kẻ xấu nên đã bị đánh cắp tiền.
Theo thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự- Công an quận 10 thì mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân không được nhấp vào đường link do người khác gửi, không được đọc hoặc gửi mã OTP cho người khác nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác và sụp bẫy.
"Ngày nay, công nghệ phát triển, các đối tượng phạm tội công nghệ cao đã giăng sẵn những chiếc bẫy do chúng lập ra. Chỉ cần nhấp vào đường link do chúng gửi, trao mã OTP cho người lạ thì lập tức tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ được chuyển sang các đối tượng phạm tội. Người dân cần phải nâng cao cảnh giác, hạn chế giao dịch qua mạng, qua tin nhắn; muốn đặt cọc hoặc giao dịch hợp đồng thì cần gặp mặt, ký kết đàng hoàng", thiếu tá Nguyễn Chí Thanh khuyến cáo.
Bên cạnh đó, theo thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, nếu là người bán hàng online, người thường xuyên giao dịch qua tài khoản ngân hàng thì khi có tiền trong tài khoản nên chuyển tiền sang một tài khoản cố định khác mà không dùng để giao dịch, không sử dụng các dịch vụ trực tuyến như vậy sẽ an toàn hơn, hạn chế kẻ gian dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt tiền.