TP.HCM mời, lao động ngoại tỉnh muốn quay lại vẫn gặp khó

Sau hơn 10 ngày trở lại trạng thái 'bình thường mới', hàng chục ngàn người lao động đang muốn quay trở lại TP.HCM tìm việc làm hiện đang gặp nhiều trở ngại.

Đầu tháng 10, ngay khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, hàng chục nghìn người đã ùn ùn kéo về quê ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây để tránh dịch. Tuy nhiên, khi TP.HCM bước vào bình thường mới, bắt đầu khôi phục sản xuất, người lao động đã về quê giờ muốn quay trở lại theo lời mời của TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn.

Vẫn còn nhiều rào cản

Ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT kèm theo hướng dẫn về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Thời gian thí điểm vận tải hành khách từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021, nhưng riêng xe cá nhân di chuyển giữa các tỉnh, thành, dù đã có quy định cụ thể nhưng thực tế việc di chuyển vẫn gặp khó khăn do mỗi địa phương làm một kiểu.

Trước khi TP.HCM trở lại trạng thái "bình thường mới", hàng chục ngàn người lao động đã rời TP.HCM về quê.

Trước khi TP.HCM trở lại trạng thái "bình thường mới", hàng chục ngàn người lao động đã rời TP.HCM về quê.

Anh Trần Ngọc Bình (quê Phú Yên) cho biết, hiện anh đang có nhu cầu quay trở lại TP.HCM làm việc nhưng chưa thể vào ngay. Anh Bình là thợ sửa xe máy, có vợ làm nghề dịch vụ giải trí.

Vào đầu tháng 5, vợ chồng anh Bình cùng 15 người bạn khác đi xe máy từ TP.HCM về Phú Yên. Ban đầu, anh Bình chỉ dự định “tránh dịch” khoảng 1 - 2 tháng, ngờ đâu tình hình thay đổi, khiến anh Bình và nhiều người lao động khác mắc kẹt ở Phú Yên gần 5 tháng qua.

Lúc mới về quê, anh Bình chưa trả phòng trọ. Vậy nên dù mất việc làm, không có thu nhập, anh Bình vẫn phải trả tiền phòng hàng tháng, không được thiếu tháng nào. “May mắn chủ nhà thương tình nên chỉ cho đóng một nửa số tiền trọ. Nếu không đóng tiền thì xem như mất hết đồ đạc còn để ở phòng”, anh Bình kể.

Hình ảnh anh Bình sửa xe máy cho khách khi chưa về quê. (Ảnh: NVCC)

Hình ảnh anh Bình sửa xe máy cho khách khi chưa về quê. (Ảnh: NVCC)

Do dịch bệnh tại TP.HCM đã cơ bản được kiểm soát, thành phố kêu gọi người lao động trở lại làm việc nên anh Bình muốn trở vào TP.HCM, vì tiệm sửa xe nơi anh làm việc đã mở cửa hoạt động. “Mấy hôm nay khách đến sửa xe đông mà không đủ người làm, chủ hối vào dữ lắm nhưng vợ chồng tôi tiến thoái lưỡng nan vì không biết làm sao để vào lại thành phố”, anh Bình nói thêm.

Nói về kế hoạch quay lại TP.HCM, anh Bình thở dài cho hay quãng đường từ Phú Yên vào TP.HCM dài hơn 500km, nếu đi xe máy thì sợ nguy hiểm, hơn nữa lại lo chốt kiểm soát ở từng địa phương chưa thông, khó dễ với người đi xe máy.

“Đến hôm nay, xe khách liên tỉnh vẫn chưa mở. Có người rủ tôi đi ké xe ô tô cá nhân vào Sài Gòn nhưng với điều kiện phải trả hơn 1,2 triệu đồng/người. Nếu đi cùng vợ thì xem như tốn 2,4 triệu đồng. Mấy tháng nay mất việc, làm gì có tiền nhiều như thế để mà đi”, anh Bình nói.

Anh Bình cho biết vợ chồng anh "mắc kẹt" tại Phú Yên đã gần 5 tháng. (Ảnh: NVCC)

Anh Bình cho biết vợ chồng anh "mắc kẹt" tại Phú Yên đã gần 5 tháng. (Ảnh: NVCC)

Không chỉ riêng các tỉnh xa TP.HCM, mà đến những tỉnh gần như Bà Rịa – Vũng Tàu, người dân muốn quay trở lại làm việc cũng còn nhiều vướng mắc.

Anh Trần Quốc Dũng (quê Bà Rịa – Vũng Tàu) cho hay, hiện anh chỉ mới tiêm được 1 mũi vaccine nên còn e dè chưa dám quay trở lại làm việc. Mấy hôm nay thấy các doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên, anh Dũng cũng nôn nao muốn đi làm.

“Khi TP.HCM đã kiểm soát được dịch thì chắc chắn nhu cầu tuyển dụng sẽ rất cao. Bản thân tôi không lo thiếu việc làm. Nhưng giờ chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, nên đi đâu tôi cũng sợ. Gia đình khuyên chờ tiêm đủ liều, thì mới đi làm trở lại. Ngoài ra, thủ tục giấy tờ để di chuyển bằng phương tiện cá nhân lên TP.HCM cũng hơi rườm rà”, anh Dũng cho biết.

“TP.HCM trân trọng mời người dân ở lại làm việc”

Trước đó, tại họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM diễn ra chiều ngày 7/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: “TP.HCM luôn trân trọng và ghi nhận người lao động bởi đã góp phần phát triển thành phố và trân trọng mời người lao động ở lại làm việc”.

Người lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) vừa kết thúc "3 tại chỗ" để quay lại công việc bình thường.

Người lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) vừa kết thúc "3 tại chỗ" để quay lại công việc bình thường.

Theo ông Hải, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, phục vụ sản xuất, kinh doanh ngày càng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Ông Hải cho biết thêm, công tác phòng chống dịch ngày càng đạt nhiều hiệu quả tích cực được thể hiện qua các con số. Cụ thể, từ ngày 1 đến 3/10, có tới 5.279 doanh nghiêp hoạt động trở lại, đến ngày 6/10 tăng lên 9.200 doanh nghiệp.

Về hoạt động của khu chế xuất và khu công nghiệp, trước ngày 1/10, chỉ có khoảng 70.000/288.000 lao động làm việc ở khu chế xuất và khu công nghiệp (chiếm 24,3%); số doanh nghiệp hoạt động là 746/1.412 doanh nghiệp (chiếm 52%). Đến ngày 6/10, đã có 164.000 lao động và 972 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Nhiều công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) bắt đầu thông báo tuyển dụng người lao động, sau khi TP.HCM trở lại trạng thái "bình thường mới".

Nhiều công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) bắt đầu thông báo tuyển dụng người lao động, sau khi TP.HCM trở lại trạng thái "bình thường mới".

Tại Khu công nghệ cao, trước ngày 1/10, chỉ có 25.000/50.000 công nhân làm việc 3 tại chỗ, nhưng đến ngày 6/10, đã có 27.300 công nhân và 88/118 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Trên thực thế, dù TP.HCM đã mở cửa trở lại, bắt đầu bước vào trạng thái “bình thướng mới”, nhưng những quy định đi lại cho người lao động giữa TP.HCM và các tỉnh thành vẫn chưa được thống nhất. Chính điều này cũng trực tiếp gây khó khăn cho người lao động ở các tỉnh quay trở lại TP.HCM làm việc.

Hiện chỉ mới có TP.HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh cho phép người dân sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển qua lại (kèm theo một số điều kiện). Với các địa phương khác nằm cách xa TP.HCM hơn, việc di chuyển này rất nan giải, khó khăn bởi phương tiện công cộng chưa hoạt động.

Hiện tại chỉ mới có TP.HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh cho phép người dân sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển qua lại.

Hiện tại chỉ mới có TP.HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh cho phép người dân sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển qua lại.

Liên quan đến sự việc trên, Sở GTVT TP.HCM vừa tiếp tục trình UBND TP.HCM dự thảo phương án đi lại cho người lao động giữa TP.HCM và các tỉnh liền kề (Tây Ninh, Long An và Bình Dương).

Cụ thể, phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy), người điều khiển phương tiện từ các tỉnh Long An và Tây Ninh yêu cầu phải tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine, ít nhất 14 ngày sau tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).

UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu tương tự với trường hợp cá nhân sử dụng phương tiện ô tô, yêu cầu thêm giấy xác nhận phục vụ lưu thông của người lao động có nội dung địa điểm, cung đường.

KHUẤT NGUYÊN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tp-hcm-moi-lao-dong-ngoai-tinh-muon-quay-lai-van-gap-kho-ar640968.html