TP HCM muốn rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vắc-xin Covid-19
Theo Sở Y tế TP HCM, nhiều hướng dẫn cho thấy trong tình huống đặc biệt có thể rút ngắn thời gian tiêm của mũi 2 AstraZeneca xuống 6 tuần
Tại buổi họp báo chiều 16-9 về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết hiện thành phố điều trị 41.297 bệnh nhân. Trong ngày 15-9, thêm 2.507 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số người điều trị khỏi lên 161.007; 160 trường hợp tử vong, nâng tổng số tử vong lên 12.768 người.
Tỉ lệ nhiễm giảm đáng kể
Tại buổi họp báo, lý giải về việc đề xuất Bộ Y tế rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vắc-xin AstraZeneca từ tối thiểu 8 tuần xuống còn 6 tuần, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết thời gian qua, thành phố đã thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn cho thấy trong tình huống đặc biệt có thể rút ngắn thời gian tiêm của mũi 2 AstraZeneca xuống 6 tuần. Thời gian đầu triển khai tiêm vắc-xin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM áp dụng theo cách này cũng rất hiệu quả.
"Đề xuất này với mục đích nhanh chóng phủ mũi 2 cho người dân TP HCM đáp ứng miễn dịch để mau chóng kiểm soát dịch" - bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Giải thích nguyên nhân về việc giãn cách thời gian dài nhưng số ca nhiễm vẫn tăng, bác sĩ Nam cho rằng TP HCM áp dụng thần tốc xét nghiệm, nhiều vùng nguy cơ đã xét nghiệm tới 7-8 vòng, "vùng xanh" hầu hết đã làm 3 vòng, có nơi làm tới 4 vòng. Do xét nghiệm tầm soát diện rộng khiến việc ghi nhận số ca tiếp tục tăng. Dù vậy, những ngày qua, số ca chỉ dao động trong khoảng 4.000 - 6.000/ngày.
Sau khi xét nghiệm, Sở Y tế TP HCM nhận thấy tỉ lệ nhiễm giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1 tỉ lệ dương tính ở "vùng đỏ", "vùng cam" là 3,6% nhưng đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%. Kết quả này cho thấy dù số tuyệt đối lớn nhưng tỉ lệ giảm rất đáng kể.
Theo bác sĩ Nam, thời gian tới, TP HCM vẫn rà soát, làm đi làm lại tối thiểu 2-3 lần xét nghiệm nhằm bóc tách hoàn toàn F0 trong cộng đồng.
Về việc một số địa phương đưa nước chanh sả, xuyên tâm liên và dược liệu vào điều trị F0, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Sở Y tế TP HCM hoan nghênh việc tìm tòi biện pháp điều trị sao cho người bệnh mau chóng hồi phục. Song, cần lưu ý phải áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc chăm sóc người bệnh.
Tiêm không phân biệt thường trú, tạm trú
Cũng tại buổi họp báo, giải thích về tỉ lệ tiêm chủng tại thành phố chưa cao, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết tỉ lệ tiêm chủng chưa cao tại các quận 3, 4 và Bình Tân.
Theo ông Tâm, trong dữ liệu tiêm chủng, dân số của TP HCM được lấy số liệu thống kê từ ngày 30-6, thời điểm này dân cư tại thành phố còn đông đúc. Nhưng sau đó, một lượng lớn dân ngoại tỉnh đã về quê.
"Điều này cho thấy mẫu số trước đây so với bây giờ thực tế không phù hợp. Thành phố đã cơ bản tiêm xong mũi 1 cho những người có thể tiêm trên địa bàn. Con số hiện thời không phản ánh chính xác tình hình tiêm chủng hiện nay" - ông Tâm chia sẻ và cho biết thêm: Ngoài ra, khâu nhập liệu còn chậm trễ tại một số địa phương khiến dữ liệu trên cổng thông tin tiêm chủng chưa chính xác.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết thành phố đã triển khai 10 ngày học tập trực tuyến, qua thống kê có trên 75.000 trường hợp học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn về thiết bị, đường truyền, điều kiện kết nối giữa gia đình và nhà trường. Sau 1 tuần, tổng hợp từ các quận, huyện cho thấy vẫn còn 40.000 trường hợp khó khăn trong chuyện học online.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết từ ngày 17-9, theo kế hoạch, người dân quận 7 được phát phiếu đi chợ 1 lần/tuần, người đi chợ phải bảo đảm tiêm vắc-xin ít nhất 1 mũi, thực hiện 5K và đi trong địa bàn phường. Về ngày đầu tiên shipper được giao hàng liên quận, ông Phương cho biết số lượng đăng ký tăng rất nhiều. Hai ngày nay, các doanh nghiệp đang tập trung hỗ trợ shipper thủ tục đăng ký, rà soát đủ điều kiện, đáp ứng đúng yêu cầu mới được hoạt động.
Cùng ngày, HCDC cho biết cao điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên tại TP HCM đã kết thúc vào ngày 15-9. Các quận, huyện vẫn tiếp tục tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1; tiêm cho người trên 18 tuổi không phân biệt thường trú, tạm trú.
Hà Nội tháo dỡ 39 chốt kiểm soát
Ngày 16-9, đại diện Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan này vừa tháo dỡ 21 chốt kiểm soát loại 1 ("vùng đỏ") sau khi thành phố nới lỏng một số biện pháp giãn cách. Công an TP Hà Nội cũng tháo dỡ 9 chốt loại 2 (cấp quận, huyện quản lý), 9 chốt loại 3 (cấp xã, phường quản lý). Hiện Phòng CSGT chỉ còn kiểm soát tại 23 chốt tại các cửa ngõ lớn ra, vào thành phố.
Trong ngày, Hà Nội ghi nhận 16 ca mắc Covid-19 mới. Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết thành phố đã xét nghiệm được 85% số người theo kế hoạch, việc tiêm vắc-xin đạt 93,18%. Hai phần công việc quan trọng đã được các cấp ngành nỗ lực hoàn thành cơ bản theo kế hoạch; các quận, huyện, thị xã phải rà duyệt lại để xây dựng ngay kế hoạch để tiêm mũi 2 theo thời hạn khuyến cáo của từng loại vắc-xin.
"Thành phố sẽ không phong tỏa quy mô lớn, chỉ thực hiện quy mô hẹp nhất ở các điểm phong tỏa để kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng vẫn tạo điều kiện tối đa bảo đảm hoạt động phục hồi kinh doanh, đời sống nhân dân. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố rà soát, có phương án cụ thể báo cáo vào thứ hai tuần tới để có phương pháp, giải pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả nhất sau ngày 21-9 theo nguyên tắc phòng chống dịch đặt lên hàng đầu, từ đó tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh" - ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Bộ Y tế cho biết ngày 16-9, nước ta ghi nhận 10.489 ca mắc Covid-19; thêm 10.901 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 423.551. Cùng ngày, cả nước ghi nhận 234 ca tử vong.
Không tiêm vắc-xin cho tuổi ngoài hướng dẫn
Ngày 16-9, Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc cho biết gần đây có thông tin một số cơ sở tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi và kết hợp 2 loại vắc-xin không theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện chiến lược tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị sở y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên, không tiêm cho lứa tuổi ngoài hướng dẫn.
Đồng thời, sử dụng kết hợp theo đúng hướng dẫn về tiêm 2 liều vắc-xin. Kiểm tra các cơ sở tiêm chủng, điểm tiêm chủng để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định. Tạm dừng hoặc đình chỉ các hoạt động tiêm chủng nếu vi phạm các quy định chuyên môn, xảy sai sót và xử lý theo quy định.