TP.HCM: Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các tàu hàng hải quốc tế
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, ngày 10/5 khẳng định: Các cảng hàng hải là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID-19, vì vậy cần phải giám sát, kiểm soát chặt chẽ.
Chiều 10/5, Sở Y tế đã tổ chức họp thảo luận, đánh giá lại nguy cơ cũng như các biện pháp kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các cảng hàng hải.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, Sở Y tế Thành phố luôn quan tâm và xem Cảng hàng hải là một trong các cửa ngõ dịch bệnh có thể xâm nhập vào thành phố.
Sở Y tế đã nhiều lần thực hiện kiểm tra, giám sát các cảng biển như cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước, cảng Sài Gòn cũng như đã tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan trong tổ chức các biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài ra đã chỉ đạo HCDC tổ chức các lớp tập huấn về triển khai các biện pháp phòng hộ cá nhân cho các đơn vị làm việc tại cảng/phao.
Cuộc họp để đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại các cảng hàng hải cũng như lắng nghe các ý kiến từ các bên liên quan trong việc tổ chức các biện pháp phòng chống COVID-19 trong thời gian qua nhằm tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong thời gian tới, đặc biệt là khi hiện nay dịch bệnh có khuy hướng gia tăng trở lại với tốc độ nhanh chóng tại nhiều nước trên thế giới.
Tại cuộc họp, BS.CK2 Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết cảng hàng hải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không khác gì cảng hàng không.
Các chuyến tàu Quốc tế, có cập bến tại các quốc gia khác, khi cập bến tại Việt Nam có thể có các thuyền viên nhiễm Covid-19 chưa được được phát hiện.
Vì thế, nguy cơ lây lan dịch có thể xuất phát từ việc tiếp xúc giữa các thuyền viên này (nếu nhiễm COVID-19 mà không được biết) với người khác mà không được phòng hộ hoặc phòng hộ không đúng cách. Chẳng hạn như tiếp xúc có thể xảy ra giữa thuyền viên với người được phép lên tàu làm việc; hoặc nguy cơ có thể từ thuyền viên tự ý lên bờ trái phép hay có hiện tượng người xuống tàu trái phép, không bị phát hiện.
Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm thì tàu neo đậu ở cảng được xem như là một “đơn vị cách ly”, cần thực hiện nhiều biện pháp để giám sát chặt chẽ người lên, xuống tàu.
Những người không được phép thì không được xuống tàu. Người được cho phép xuống tàu làm nhiệm vụ cần tuân thủ nguyên tắc phòng hộ, khai báo y tế đầy đủ và bắt buộc phải có camera giám sát chặt chẽ nhằm truy vết khi cần thiết.
Ngày 6/5, thành phố đã ghi nhận 3 thuyền viên của tàu MD-SUN dương tính với SARS-CoV-2 (tàu trở về từ Philipines neo đậu tại Phao số 5, Cảng Phước Long, huyện Nhà Bè từ ngày 30/4).
Ngay lập tức, toàn bộ 19 thuyền viên trên tàu đã được cách ly theo quy định và tất cả những người có liên quan được điều tra dịch tễ. Đến ngày 10/5, cơ quan chức năng đã xác định được 74 trường hợp có liên quan đến tàu MD-SUN, tất cả đều được xét nghiệm và có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của thành phố phối hợp với Cảng vụ TP Hồ Chí Minh, Công an Thành phố tiếp tục điều tra, truy vết các trường hợp lên, xuống tàu để không bỏ sót bất cứ trường hợp nào có tiếp xúc với thuyền viên trên tàu.
Ông Ngô Quang Hưng – Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh cho biết để giám sát tốt các trường hợp lên xuống tàu, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động tại cảng. Việc quản lý người lên xuống tàu thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó sự hỗ trợ, gắn kết của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cùng với bộ đội biên phòng là rất cần thiết để kiểm soát được tốt nhất các trường hợp lên xuống tàu. Từ đó ngăn chặn không cho dịch bệnh có xâm nhập ra cộng đồng.
Ông Thắng đề nghị các chủ bến cảng, bến phao, chủ tàu trang bị camera để giám sát người lên xuống tàu, phương tiện cặp mạn tàu. Các bến cảng, bến phao không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn phòng chống dịch phải tạm ngưng nhận các tàu thuyền neo đậu.
Kết luận tại buổi làm việc, BS CK2. Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao những nỗ lực mà các đơn vị quản lý cảng biển đã triển khai trong thời gian qua để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua đường biển. Và đã chưa xảy ra trường hợp nào có lây nhiễm từ các tàu hàng hải dù thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp thuyền viên dương tính với COVID-19.
Tuy nhiên tình hình dịch bệnh hiện nay diễn biến khá phức tạp, chúng ta cần rà soát lại các quy trình, các vấn đề khó khăn trong triển khai phòng chống dịch bệnh để tìm giải pháp khắc phục.
Đối với các giải pháp mà HCDC đã trình bày, các đơn vị liên quan cũng đã có ý kiến trao đổi, chúng ta cần thống nhất triển khai. Các cảng biển, đồn biên phòng rà soát lại hệ thống camera để có thể giám sát, truy xuất khi cần điều tra. Các đơn vị chủ động rà soát lại kế hoạch, phương án xử trí cụ thể với từng tình huống dịch bệnh. Ví dụ như khi có ca nghi ngờ thì truy vết bằng công cụ gì, liên hệ ai, đơn vị nào của địa phương sẽ hỗ trợ…
Đặc biệt, BS Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh đến trách nhiệm quản lý nhà nước của đơn vị Cảng vụ hàng hải; trách nhiệm bảo vệ an ninh biên giới đối với tàu hàng hải quốc tế của lực lượng Bộ đội biên phòng hàng hải; vai trò, trách nhiệm của các các chủ bên cảng, bến phao, của chủ các phương tiện tàu thủy và các đơn vị, doanh nghiệp làm việc tại cảng/phao;
Trách nhiệm của ngành y tế trong việc hướng dẫn các biện pháp chuyên môn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cảng hàng hải. bên cạnh đó còn có vai trò quan trọng của chính quyền và y tế địa phương cũng như ý thức của người tham gia làm việc và thuyền viên trên tàu.