TP.HCM: Nhiều dự án bị kéo dài do vướng giải phóng mặt bằng

Nhiều công trình giao thông ở TP đã và đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Chiều 15-6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP và hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban quản lý dự án), Sở GTVT TP.HCM.

75 dự án bị vướng thủ tục, giải phóng mặt bằng

Báo cáo tại buổi làm việc, Ban quản lý dự án cho biết: Tổng số dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa bố trí vốn giai đoạn 2016-2020 là 42 dự án; giai đoạn 2021-2025 là năm dự án.

Tổng số dự án không đảm bảo thời gian thực hiện là 75 dự án. Trong đó, 67 dự án vướng mắc do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài; tám dự án vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Ban Kinh tế - Ngân sách TP.HCM giám sát kết quả thực hiện pháp luật đầu tư côngtrên địa bàn TP, chiều 15-6. Ảnh: THANH TUYỀN

Ban Kinh tế - Ngân sách TP.HCM giám sát kết quả thực hiện pháp luật đầu tư côngtrên địa bàn TP, chiều 15-6. Ảnh: THANH TUYỀN

Đại diện Ban quản lý dự án cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án giao thông chậm trễ là do công tác GPMB. “Nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí GPMB tăng cao, gây khó khăn trong việc cân đối hoàn vốn và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ” - đại diện Ban quản lý dự án cho hay.

Cùng với đó, nguồn vốn trung hạn vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông TP. Các dự án chuẩn bị đầu tư vẫn chưa được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Một tồn tại khác, các quy định về đầu tư công vẫn còn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Quy định về đất đai, môi trường, xây dựng dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong hướng dẫn triển khai trình tự thủ tục, đặc biệt là trong năm đầu của kỳ trung hạn 2021-2025 và giai đoạn bắt đầu áp dụng Luật Đầu tư công mới.

Phía Sở GTVT TP.HCM cũng lên tiếng về vướng mắc trong công tác GPMB làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình.

Theo Sở GTVT, chi phí cho công tác GPMB chiếm 50% tổng mức đầu tư, mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi, bàn giao mặt bằng để triển khai thi công (thời gian 14-18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài 2-3 năm).

“Điều này dẫn đến phát sinh điều chỉnh tăng chi phí bồi thường GPMB, tăng tổng mức đầu tư các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư” - phía sở cho hay.

Thêm nhiều cầu, đường mới

Sở GTVT thông tin giai đoạn 2016-2020, TP tập trung các nguồn lực để đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái.

Tính đến tháng 4-2020, TP đã làm mới, đưa vào sử dụng 338/272 km đường bộ (đạt tỉ lệ 124%), xây dựng mới 68/76 cây cầu (đạt 89,5%). Tỉ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị hiện đạt 10,26%/12,2%.

Cần quan tâm đến vấn đề tái định cư

Tại buổi giám sát, các đơn vị đã có kiến nghị cụ thể với HĐND TP về một số điểm gỡ nút thắt cho công tác GPMB. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho rằng TP cần tập trung vào công tác tái định cư. Cũng theo ông Bùi Hòa An, công tác GPMB hiện nay có hai điểm nghẽn: Một là về giá, hai là về phương án tái định cư.

Theo ông, việc phê duyệt một phương án bồi thường phải tính toán ba yếu tố: Giá, chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư. Từng có 10 năm làm ở huyện Nhà Bè, ông nói chưa thấy trường hợp người dân chịu lên ở chung cư.

Theo ông An, khi người dân phải thay đổi cuộc sống, kéo theo phải thay đổi sinh kế nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Vì vậy, câu chuyện ổn định cuộc sống của người dân trong diện tái định cư cần được quan tâm nhiều hơn.

Về vốn đầu tư công, phía Ban quản lý dự án kiến nghị HĐND TP tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông; xem xét, bổ sung vốn trung hạn cho các dự án đầu tư mới, các dự án trọng điểm cấp bách để hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021-2025, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông; quan tâm và đầu tư có trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn…

Sở GTVT kiến nghị HĐND TP ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các dự án thuộc Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP đến năm 2030, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho rằng để các dự án giao thông trong thời gian tới được thực hiện theo đúng tiến độ thì Sở GTVT và Ban quản lý dự án cần rà soát các dự án, phân tích coi có sót dự án nào cấp bách chưa đưa vào trung hạn hay không, có dự án nào mang ý nghĩa về kinh tế - xã hội hết sức quan trọng nhưng chưa bố trí hay không.

Ông Hiếu nói TP rất chú tâm đến việc đảm bảo vấn đề an sinh xã hội cho người dân nằm trong diện GPMB, tái định cư.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tp-hcm-nhieu-du-an-bi-keo-dai-do-vuong-giai-phong-mat-bang-post684811.html