TP.HCM: Nhiều giải pháp tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng
Quyết liệt trong công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án trong giai đoạn thi hành án là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cục THADS TP. Hồ Chí Minh nhằm nâng cao tỷ lệ thi hành về tiền trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Cùng với việc chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, công tác thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nhận thức được tính thiết yếu của công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Cục Thi hành án dân sự (THADS) Thành phố Hồ Chí Minh đã quán triệt đầy đủ chỉ đạo, yêu cầu của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS đến toàn thể Chấp hành viên và công chức có liên quan. Trong đó, tập trung thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 06/8/2021của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, Cục THADS Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2955/KH-CTHADS ngày 15/12/2021 đề ra nhiệm vụ, giải pháp đảm báo tính khả thi, đồng bộ, phân định rõ nhiệm vụ cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài để công tác thu hồi tiền, tài sản đạt được hiệu quả.
Đối với những việc thi hành án trọng điểm, phức tạp, Lãnh đạo Cục trực tiếp chỉ đạo tổ chức thi hành án, Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án các vụ án kinh tế, tham nhũng có giá trị lớn, phức tạp và trực tiếp theo dõi, chỉ đạo; thành lập tổ Chấp hành viên, gồm những Chấp hành viên có năng lực chuyên môn vững vàng, nhiều kinh nghiệm, nhằm tổ chức hiệu quả việc thi hành nêu trên, tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó Lãnh đạo Cục chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục, các Chi cục, Chấp hành viên chủ động, tích cực phối hợp với các trại giam, trại tạm giam trong quá trình giải quyết việc THADS liên quan đến đương sự là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù để thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, tài sản cho nhà nước trong các vụ án xâm phạm các quy định trong quản lý kinh tế nhằm khắc phục hậu quả do tham nhũng, vi phạm pháp luật gây ra.
Chính vì thế, 6 tháng đầu năm 2023, Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Tổng số việc phải giải quyết 355 việc, ủy thác 2 việc. Tổng số phải thi hành 353 việc (toàn quốc phải thi hành 3682 việc) chiếm 9,6% số việc phải thi hành của toàn quốc, thi hành xong 72 việc đạt tỷ lệ 28,69% trên số có điều kiện thi hành. Tổng số tiền phải giải quyết là gần 73.682 tỷ đồng. Tổng số phải thi hành trên 73.302 tỷ đồng chiếm 77,36% của toàn quốc, thi hành xong gần 17.035 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,68% trên số có điều kiện thi hành, số còn phải thi hành trên 56.267 tỷ đồng.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, Cục THADS thường xuyên chỉ đạo chấp hành viên, tổ chấp hành viên tập trung tổ chức thi hành và hàng tháng đều có báo cáo gửi Tổng cục THADS báo cáo tiến độ tổ chức thi hành về tiền và tài sản theo quy định.
Tổng số vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo tại Thành phố 06 tháng đầu năm 2023 là 35 vụ án: đã thi hành xong 03 vụ án. Vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; vụ Vũ Huy Hoàng, vụ Phan Văn Anh Vũ do Cục THADS TP. Hà Nội ủy thác, đã thực hiện giao 02 tài sản lớn tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, số 8-12 Lê Duẩn và hạch toán giá trị hơn 16.914 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế, xác minh, xử lý tài sản để thu hồi gần 200 tỷ trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Từ những kết quả đã đạt được, có thể thấy rằng, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của công tác phối hợp, do đó, công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được Lãnh đạo Cục đặc biệt quan tâm chú trọng. Các quy chế phối hợp liên ngành với các cơ quan có liên quan như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội do cấp trên ban hành là cơ sở để lãnh đạo Cục xây dựng và thực hiện các quy chế phối hợp.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác phối hợp trong hoạt động THADS đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM, đến nay, Cục đã ký Quy chế phối hợp liên ngành với Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Ngân hàng Nhà nước cùng cấp và các Quy chế phối hợp liên ngành này tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực tiễn, qua đó đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Cùng với sự chủ động của Lãnh đạo Cục THADS TP.HCM trong việc chỉ đạo thi hành đối với công tác thi hành án nói chung và công tác thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, do vây kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng đạt hiệu quả góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TW.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nêu trên, song công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cụ thể như:
Các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương theo dõi, chỉ đạo phần lớn là các vụ án lớn, đặc biệt lớn, số lượng bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhiều nhiều dẫn đến số lượng người phải thi hành án nhiều, số tài sản bị chiếm đoạt lớn, đặc biệt lớn nhưng tài sản tuyên duy trì kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tài sản xác minh được trong giai đoạn thi hành án để đảm bảo thi hành án không nhiều, số tiền thu được sau khi cơ quan thi hành án tiến hành các thủ tục phát mãi tài sản, thu giữ, xử lý các tài khoản bị phong tỏa chưa cao dẫn đến cơ quan thi hành án đã xử lý hết các tài sản của người phải thi hành án nhưng số tiền phải thu hồi còn nhiều. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt chưa cao.
Mặt khác, quá trình Cơ quan thi hành án xử lý phát mãi tài sản trong nhiều trường hợp tài sản chưa được xử lý do gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến tính pháp lý của tài sản, diện tích, hiện trạng thực tế của tài sản tại thời điểm thi hành án sau khi cơ quan thi hành án xác minh trong một số trường hợp không giống diện tích được Cơ quan điều tra kê biên trong giai đoạn điều tra nên Cơ quan thi hành án cần thêm thời gian xác minh tình trạng pháp lý, đo vẽ lại hiện trạng tài sản trước khi tiến hành kê biên tài sản theo quy định. Tiêu biểu như trong vụ Đinh Ngọc Hệ, Trần Phương Bình, Hứa Thị Phấn - dự án Bệnh viện Phú Mỹ.
Cùng với đó, một số vụ việc, cơ quan thi hành án truy tìm, xác minh được tài sản thi hành án của đương sự nhưng sau đó đương sự làm đơn khởi kiện tranh chấp tài sản chung, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi. Tình trạng pháp lý của tài sản chưa đảm bảo. Các Dự án hiện chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về đầu tư và đất đai theo quy định cũng gây khó khăn cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Đối với việc kê biên xử lý tài sản là vốn góp, cổ phần của cá nhân, tổ chức phải thi hành án hiện chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, chưa quy định rõ đơn vị thẩm định giá tài sản của doanh nghiệp, giá trị còn lại của doanh nghiệp và giá trị phần vốn góp của người phải thi hành án.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Cục THADS Thành phố đã đưa ra những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng: Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt, học tập và thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; Tập trung xử lý dứt điểm các tài sản đã được Tòa án kê biên để bảo đảm thi hành án để thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước; thực hiện quyết liệt công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án trong giai đoạn thi hành án, nâng cao tỷ lệ thi hành về tiền trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; Tiếp tục chỉ đạo xác minh tài sản, thu nhập và điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để xử lý, sớm thu hồi cho Ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở kết quả xác minh, thực hiện việc kê biên, xử lý các tài sản đảm bảo thi hành án theo quy định; Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, có khó khăn, vướng mắc không giải quyết được chủ động, tích cực phối hợp liên ngành công an, kiểm sát, tòa án, tài nguyên môi trường… để thống nhất phương án giải quyết, trường hợp không giải quyết được kịp thời báo cáo Tổng cục để xin ý kiến chỉ đạo; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức thi hành án, phát hiện và tháo gỡ hoặc đề nghị tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; Chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về việc việc đăng các tải thông tin liên quan đến đấu giá tài sản theo quy định đồng thời tăng cường kiểm tra hồ sơ thi hành các vụ việc về tham nhũng, kinh tế, nhất là kiểm tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, theo dõi để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án./.
Cẩm Tú