TP.HCM: Nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em
Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, dự án hỗ trợ chăm sóc vì sự phát triển toàn diện cho trẻ em trong những năm đầu đời sẽ hướng đến bảo đảm các quyền của trẻ em, truyền thông về thực trạng bạo lực, xâm hại, bóc lột sức lao động trẻ em.
Sáng 22-11, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Tổ chức Planète Enfants et Développemnet tại Việt Nam (PE&D tại Việt Nam) họp công bố triển khai dự án hỗ trợ chăm sóc vì sự phát triển toàn diện cho trẻ em trong những năm đầu đời, tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2023 – 2026.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Quyết định số 1437, phê duyệt đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời, tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025. Trong đó, tại TP.HCM, việc triển khai dự án hỗ trợ chăm sóc trẻ giai đoạn đầu đời nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, giúp trẻ em dưới 6 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội tiếp cận bình đẳng, toàn diện với các dịch vụ hỗ trợ.
Bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết vào giai đoạn 1 (từ năm 2021 – 2023), dự án đạt nhiều thành công khi thực hiện tại hai địa phương đông dân nhập cư và có đông nhóm trẻ gia đình, lớp mầm non tư thục là TP Thủ Đức và quận Tân Phú. Các hoạt động được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tế của đối tượng thụ hưởng. Trong đó, kết nối hỗ trợ cho hơn 400 gia đình với tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng.
Cũng theo bà Mai, trong giai đoạn 2023-2026, các nội dung trọng tâm ưu tiên triển khai tại cơ sở, sẽ tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức khóa tập huấn giảng viên nguồn về chăm sóc vì sự phát triển toàn diện cho trẻ em trong những năm đầu đời; Tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên tại các nhóm trẻ gia đình, lớp mầm non ngoài công lập;…
“Đối tượng chính của dự án hướng tới là trẻ em dưới sáu tuổi và người chăm sóc trẻ thuộc các nhóm có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ, với mục tiêu chung là hướng tới góp phần cùng với thành phố từng bước bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em. Đồng thời, giúp các em có cơ hội tiếp cận một cách bình đẳng, toàn diện với các dịch vụ hỗ trợ theo độ tuổi, từ đó tạo ra cơ hội để các em phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần”- bà Mai chia sẻ.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thông tin ở giai đoạn 2 (2023 - 2026), song song với việc tổ chức các khóa tập huấn giáo viên, người chăm sóc tại các nhóm trẻ gia đình, lớp mầm non ngoài công lập,… dự án sẽ triển khai các hoạt động kết nối, đồng hành hỗ trợ cho các cơ sở, trẻ em và các gia đình thuộc đối tượng của dự án. Đồng thời, truyền thông về thực trạng bạo lực, xâm hại, bóc lột sức lao động và các nguy cơ liên quan đến bắt cóc, buôn bán trẻ em hiện nay.
Bà Julia Levivier, Trưởng đại diện Tổ chức PE&D tại Việt Nam, cho biết, trẻ nhỏ chịu nhiều đau thương, mất mát vì đại dịch COVID-19. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển trong tương lai của trẻ.
Do đó, dự án này không tập trung chính vào hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp, thay vào đó tập trung vào nâng cao năng lực kết nối và phối hợp thông qua phương pháp đồng hành gia đình, giáo viên, cơ sở bảo trợ xã hội.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-nhieu-hoat-dong-ho-tro-cham-soc-tre-em-post762839.html