TP. HCM những ngày đầu 'bình thường mới': Người tranh thủ đi cắt tóc, người… quên cách lái xe
4 ngày kể từ khi TP. HCM bắt đầu nới lỏng giãn cách, dần bước vào cuộc sống 'bình thường mới'. Nhiều người dân sống tại TP. HCM chia sẻ, vì đã quá lâu không ra khỏi nhà, cảm giác mới lạ, thích thú khi trở về cuộc sống như trước khiến cho họ đôi lúc thấy khá 'lạ lẫm'.
Tối nôn nao không ngủ được, sáng quên…cách lái xe
Ngay khi TP. HCM ra thông báo từ ngày 1/10 sẽ nới lỏng giãn cách, anh Nguyễn Phước Quý Thành (28 tuổi, nghệ sĩ sáng tạo) chia sẻ, tối 30/9 anh đã mất ngủ vì hồi hộp.
Nhiều người thích thú với cảm giác lạ lẫm khi được ra khỏi nhà sau khoảng thời gian giãn cách quá dài.
Bài liên quan
Doanh nghiệp muốn chính sách bình thường mới được dài hơi
Khẩn trương hoàn thiện kế hoạch khôi phục kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”
Người dân ra đường đi dạo, gặp gỡ bạn bè khi TP. HCM "bình thường mới"
Một số thay đổi trong Chỉ thị chính thức của TP. HCM về 'bình thường mới'
“Sáng dậy ngay lập tức tôi lái xe đi kiếm tiệm cắt tóc liền, tiệm nào cũng đông nên tôi tấp đại vào một tiệm có vẻ hơi ít khách ở quận 11 rồi ngồi đợi. Cắt xong thì chạy qua quận Bình Tân thăm người bạn, rồi đi dạo, xem hàng quán đã bán lại hay chưa, đường sá như thế nào. Lâu rồi không chạy xe, thấy…lạ lẫm lắm, cứ sợ leo lên xe quên cách chạy, sang đường cũng hơi sợ sợ vì lớ ngớ suýt va chạm”, anh Thành cười nói.
Chàng trai 9X cho biết, cuộc sống sinh hoạt hiện tại dễ dàng hơn, việc mua lương thực cũng thoải mái, đa dạng hơn so với lúc giãn cách bị áp lực vì “có gì ăn nấy”. Đường phố không quá đông thêm phần mát mẻ, se lạnh, không khí trong lành khiến cho anh Thành cảm thấy dường như thành phố đang dần “hồi phục” sau giấc ngủ dài.
Anh Quý Thành tranh thủ ngày nới lỏng giãn cách để đi cắt tóc, mua trà sữa.
Cùng tâm trạng với anh Thành, Huệ Mẫn (21 tuổi, ngụ quận Bình Tân) dường như cũng quên…cách lái xe. Mặc dù vẫn phải học online, chưa được đến trường, Huệ Mẫn vẫn cảm thấy thích thú vì có thể ra đường để mua nhu yếu phẩm, đặc biệt là được mua trà sữa ở những nơi mà Mẫn thích.
“Tôi thấy thành phố chưa hoàn toàn trở lại như trước vì hầu hết mọi người vẫn làm việc và học tập online. Người dân lao động tự do chưa thể quay lại làm việc nên cuộc sống chưa ổn định được, đa phần mọi người muốn về quê để giảm sinh hoạt phí. Thế nhưng hiện tại đã thoải mái hơn trước đó nhiều rồi”, Mẫn nói.
Anh Nguyễn Tấn Đạt (nghệ nhân tranh cá, ngụ quận 3) chia sẻ, ngày đầu tiên bước ra đường khi thành phố “mở cửa”, anh cảm thấy vui vì đã lâu mới thấy đường phố nhộn nhịp trở lại và có những năng lượng tích như được bổ sung vào tinh thần.
“Sau 30/9, việc đi lại đôi khi còn lúng túng vì nhiều nơi chưa tháo hết chốt chặn và chợ truyền thống chưa hoạt động lại, việc mua sắm, đi lại còn khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên giai đoạn bình thường mới đã làm cho phần nào tinh thần thoải mái hơn, dễ thở hơn vì có thể đi mua sắm, khám chữa bệnh. Trước đây mình có sở thích hay ra quán cà phê để nhâm nhi và làm việc, giờ cũng đã quen với việc cà phê tại ban công và nhìn ngắm đường xá qua hành lang, cửa sổ”, anh Đạt nói.
“Bình thường mới” nhưng không quên chống dịch
Không chủ quan trước tình hình dịch bệnh, cả anh Quý Thành, Huệ Mẫn và anh Tấn Đạt luôn tự nhắc bản thân chấp hành tốt 5K, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, rèn luyện sức khỏe và tránh đến những nơi đông người, tình hình phức tạp.
“Hiện tại chúng ta chưa chiến thắng dịch bệnh hoàn toàn mà là đang chấp nhận làm quen, sống chung với nó. Thực tế hầu như những người dưới 18 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine, chẳng hạn như em của tôi, tôi rất sợ sẽ lây bệnh cho em nên rất cảnh giác. Tin tức hằng ngày đưa số liệu các ca nhiễm đã giảm dần, nhưng rõ ràng chúng ta cần đề phòng, luôn phải chuẩn bị để bảo vệ bản thân và gia đình”, anh Thành nói.
Anh Đạt chia sẻ, bản thân anh ngày xưa rất ghét khẩu trang nhưng bây giờ khẩu trang, kính bảo hộ, chai xịt khuẩn là vật bất ly thân khi ra đường.
“Tôi hạn chế đứng gần người khác khi ra ngoài. Dù thành phố đã và đang dần mở cửa, tôi hi vọng người dân sẽ luôn giữ khoảng cách 5K, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi cũng mong các cơ quan ban ngành sẽ chăm lo tốt cho an sinh thành phố, có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế và các biện pháp y tế kịp thời cho giai đoạn mới”, anh Đạt nói thêm.