TP.HCM những ngày tháng gồng mình chống dịch Covid-19

Covid-19 ở tphcm đang diễn biến rất phức tạp, thành phố quyết định thực hiện tiếp chỉ thị 10 sau khi hết đợt giãn cách ngày 29/6.

Sau 1 tháng giãn cách xã hội tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn diễn biến rất phức tạp. Tổng ca bệnh đã vượt số 3.700. Chính quyền thành phố phải 3 lần nâng mức giãn cách và hiện nay tiếp tục Chỉ thị 10. Nhấn mạnh “Chỉ thị 10 thì không có thời gian”.

Đợt giãn cách thứ nhất: TP.HCM bước vào đợt dịch thứ 4 (từ 27/4) khi phát hiện ca nhiễm là người từ ổ dịch Hà Nam về.

Khoảng gần 1 tháng sau (từ 26/5), dịch Covid-19 bùng phát mạnh với chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp). Quá trình truy vết, ngành y tế liên tục phát hiện nhiều F0 ở 21/22 quận, huyện.

Cuộc họp khẩn sáng 30/5, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong lập tức quyết định, toàn thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15+, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 31/5.

Quận Gò Vấp với gần 700.000 người dân, đứng thứ 2 toàn thành phố, khi nhận lệnh cách ly chỉ có 12 tiếng để chuẩn bị. Dù những ngày đầu còn lúng túng, đặc biệt là việc ùn tắc, tập trung đông người tại các chốt chặn kiểm soát, nhưng nhanh chóng được khắc phục.

Chưa từng có tiền lệ, TP.HCM kích hoạt hệ thống chống dịch tầm cao. Mỗi ngày, nhiều khu dân cư, văn phòng bị phong tỏa, hàng trăm người được đưa đi cách ly, hàng nghìn người được lấy mẫu xét nghiệm để thần tốc truy vết, khoanh vùng.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận, ca dương tính liên quan đến nhóm truyền giáo đã là F5, đi xa tầm truy vết.

Những ngày cuối giãn cách, ngành y tế cho biết, dù số ca bệnh vẫn tăng nhưng đang có dấu hiệu giảm dần, phần lớn phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa. Thành phố kỳ vọng khống chế dịch sau 15 ngày giãn cách.

Tuy nhiên, khi thời gian sắp hết, thành phố lại liên tiếp xuất hiện những chuỗi lây nhiễm từ bệnh viện, phòng khám. Đỉnh điểm là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - "thành trì" cuối cùng bị dịch xâm nhập. Đến nay, chùm ca bệnh này đã có hơn 100 F0, trong đó khoảng 65 người là nhân viên bệnh viện.

Hết 15 ngày, tuy Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) về cơ bản được kiểm soát, nhưng tổng thể tình hình vẫn còn rất phức tạp. Chủ tịch thành phố quyết định giãn cách theo Chỉ thị 15 tiếp 2 tuần nữa; riêng 2 điểm trên cũng chuyển từ 16 xuống thực hiện các biện pháp chống dịch cùng toàn thành phố.

Giãn cách đợt hai: Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng, nhận định, biến chủng virus Delta (Ấn Độ) là sự khác biệt trong đợt dịch mới bùng phát tại TP.HCM.

Thành phố ghi nhận rất nhiều chùm ca nhiễm trong gia đình, tòa nhà chung cư. Thậm chí, 71 nhân viên trong hơn 300 người cùng làm việc chung một môi trường kín có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tỷ lệ đạt gần 1/4.

"Tốc độ lây nhiễm nhanh còn đến từ việc virus được phát tán trong không khí khi tỷ trọng của virus nhẹ hơn, lơ lửng trong không gian rất lâu sau đó mới rơi xuống bề mặt", ông Dũng lý giải.

Từ đó, mỗi ngày thành phố ghi nhận ca nhiễm tăng mạnh, từ vị trí thứ 4, rồi thứ 3 và đến thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang và ngày càng cách xa Bắc Ninh là tỉnh đứng thứ 2 trước đó.

Ngày 17/6, là ngày thứ 18 toàn thành phố thực hiện giãn cách, cũng là ngày đánh dấu ca Covid-19 vượt mốc 1.000. Từ đây, mỗi ngày các ca bệnh đều ghi nhận ở 3 con số. Một số ngày còn vượt 200 ca sau 24h.

Tuần giãn cách thứ ba, thành phố phát hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm mới với hàng trăm ca và chiều hướng diễn biến rất phức tạp, như chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân), xưởng cơ khí Hóc Môn. Virus cũng xâm nhập vào hàng loạt công ty trong khu công nghiệp như: Công ty Hanjoo Trade (KCN Tân Phú Trung, hơn 200 ca); Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn (KCN Tân Tạo, hơn 100 ca);...

HCDC cảnh báo, khi có nhiều ca mắc mới không rõ nguồn lây mỗi ngày, những người ta tiếp xúc hằng ngày đều có thể là F0 hoặc chính chúng ta là F0 lây nhiễm cho người khác.

Bước vào tuần cuối, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khi đó nhìn nhận, toàn thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Chính quyền thành phố quyết định phải nâng mức độ giãn cách, do các chỉ đạo chưa thật sự được thực hiện nghiêm, cần siết lại kỷ cương, tăng cường tốc độ xử lý các ổ dịch.

Chỉ thị 10 của UBND TP được ban hành ngày 19/6. Đây là chỉ thị đặc biệt, căn cứ trên hai Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, nhưng có một số biện pháp mạnh hơn.

Tuy nhiên, những ngày đầu áp dụng, nhiều nơi vẫn rất lơi lỏng. Các chợ tự phát, chợ truyền thống, chợ đầu mối tập trung cả trăm, nghìn người, không giãn cách. Chính từ đây mà các ổ dịch bùng phát khiến việc kiểm soát đến nay vẫn gặp khó khăn.

Ngày 23/6, số ca nhiễm của thành phố chính thức vượt mốc 2.000, chỉ 6 ngày sau khi vượt mốc 1.000.

Đáng lưu ý, có ngày số ca dương tính tăng đến 667 trường hợp trong 24h (từ 6h ngày 24 đến 6h ngày 25/6), chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa và có 14 ca do tầm soát phát hiện tại các bệnh viện...

Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho biết, có tới 68% bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị không có triệu chứng.

Càng về cuối thời điểm hết giãn cách, thành phố càng tăng chuỗi lây nhiễm ở khu dân cư, chung cư, công ty, chợ và trường học... Đặc điểm của các chuỗi này phần lớn đều được phát hiện từ một vài ca chỉ điểm đến khám sàng lọc tại các bệnh viện. Một số chuỗi có sự liên quan đến nhau tạo nên đa chuỗi lây trong cộng đồng.

Ba ngày sau, thành phố ghi nhận mốc 3.000 ca. Có khoảng 500 điểm phải phong tỏa.

Ngày 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vào TP.HCM và có chuyến đi thị sát từ sáng đến chiều tối, qua các điểm từ khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia đến nhà máy sản xuất vắc xin Nanogen, khu chế xuất Linh Trung rồi trở về họp trực tuyến tại trụ sở UBND.TP

Thủ tướng nhấn mạnh, TP.HCM và 7 tỉnh trong khu vực phải ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch này càng nhanh càng tốt.

Chính quyền thành phố đang nỗ lực với nhiều biện pháp quyết tâm sớm chặn đứng dịch bệnh qua các chiến dịch thần tốc cụ thể.

Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong 7 ngày, theo Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức, hơn 730.000 người đã được tiêm chủng. Hơn 96.000 người sau khi khám sàng lọc chưa đáp ứng được để tiêm. TP.HCM cơ bản hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất lịch sử.

Đây là một phần trong 2,3 triệu người thuộc nhóm ưu tiên của thành phố; sau 4 đợt tiêm, độ phủ vắc xin cũng mới đạt 6%.

Lãnh đạo thành phố khẳng định thời gian tới, sẽ sớm đạt mục tiêu cho 2/3 người dân trên địa bàn.

Xét nghiệm tầm soátlớn nhất trong 10 ngày (26/6 đến 5/7) cho 5 triệu dân, với mục tiêu lấy 500.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày.

Thành phố ưu tiên lấy tại các khu vực có nhiều ca dương tính như quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn và Bình Chánh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu: “Phải mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố”.

Tuy nhiên, trong khi việc lấy mẫu xét nghiệm đang được rốt ráo thì nảy sinh bất cập khiến nhiều người lo lắng, là cảnh xếp hàng đông đúc ở một số điểm dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.

Khu cách ly, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận, đang có tình trạng quá tải, lực lượng nhân viên y tế có biểu hiện kiệt sức.

Khi kiểm tra khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, chìa khóa trong khu cách ly, khu phong tỏa là thực hiện test nhanh và ứng dụng công nghệ để quản lý.

TP.HCM cần rút kinh nghiệm từ các tỉnh, không để sơ hở ngay trong khu cách ly. Phải quản lý chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo.

Vừa rồi, Bộ Y tế đã đồng ý cho TP.HCM triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà khi đảm bảo đủ các điều kiện để tránh quá tải cho các cơ sở cách ly tập trung.

Trong tuần giãn cách thứ 4, TP.HCM tổ chức kỳ họp HĐND đầu tiên nhiệm kỳ mới (ngày 24/6). Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chỉ rõ, nhiệm vụ cấp bách trước mắt đối với từng cá nhân trên từng cương vị là tạo chuyển biến nhanh chóng, sớm khống chế, ngăn chặn dịch.

Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cam kết khi được bầu lại, nhiệm vụ đầu tiên là khống chế, kiểm soát bằng được đại dịch Covid-19, thực hiện tốt mục tiêu kép.

Thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp phòng, chống dịch, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhưng số ca nhiễm hàng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Ông Phong yêu cầu toàn thành phố dồn toàn lực thực hiện một số giải pháp quan trọng thời gian tới, với quyết tâm dập dịch sớm nhất.

Chiều 30/6, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong công bố kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 trong 12 ngày (từ 29/6 đến 10/7), tập trung một số nội dung trọng tâm, trong đó chủ động tấn công dịch bằng nâng cao năng lực xét nghiệm.

Bảo Anh - Ảnh: Trương Thanh Tùng- Thiết kế: Quốc Dũng

>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/media/tp-hcm-nhung-ngay-thang-gong-minh-chong-dich-covid-19-751245.html