TP.HCM: Niềm vui của cô dâu, chú rể và gia đình tại lễ cưới tập thể 2023

Gia đình của 82 cặp cô dâu, chú rể không giấu được sự vui mừng và xúc động khi chứng kiến con của mình có một đám cưới chỉnh chu tại lễ cưới tập thể 2023 diễn ra vào trưa 20/10, tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Đến với chương trình, chú rể Ngô Xuân Hán (36 tuổi, quê Nghệ An) không giấu được xúc động khi ước mơ của anh và vợ suốt gần 2 năm qua đã trở thành hiện thực. Anh và vợ mình đăng ký kết hôn từ đầu năm 2022, nhưng do không có điều kiện nên chỉ làm một bữa tiệc nhỏ trong dòng họ chứ không tổ chức đám cưới như những cặp đôi khác. Đến nay, gia đình anh Hán đã có một bé gái hơn 1 tuổi.

"Tôi rất vui và hạnh phúc khi được tham dự lễ cưới đặc biệt ngày hôm nay. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ được tổ chức đám cưới trang trọng như vậy, vì từ trước đến nay, hoàn cảnh của gia đình tôi rất khó khăn nên không có số tiền lớn để làm đám cưới. Qua đây, tôi cũng xin cám ơn các đơn vị đã tổ chức và tài trợ cho chúng tôi ngày hôm nay", anh Hãn chia sẻ.

Các cặp đôi rót rượu giao bôi tại lễ cưới.

Các cặp đôi rót rượu giao bôi tại lễ cưới.

Anh Hãn cho biết, anh luôn mơ ước sẽ có một ngày nào đó tổ chức đám cưới cho vợ mình, vì anh không muốn vợ mình thua kém những người khác. Anh muốn vợ mình được mặc váy cưới đàng hoàng, được uống rượu giao bôi, có những bức ảnh cưới đẹp với sự chúc phúc của những vị khách tham gia đám cưới. Và ngày hôm nay, ước mơ đó đã trở thành hiện thực.

Là vợ anh Hán, cô dâu Nguyễn Thị Hằng (27 tuổi, quê Nghệ An) cho biết, được tham gia một đám cưới đặc biệt như ngày hôm nay sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ đối với chị. Và ước mơ có được một đám cưới chỉnh chu như bao cô dâu khác ngày hôm nay đã trở thành hiện thực đối với chị.

Gia đình vợ chồng anh Hán chụp ảnh kỷ niệm tại lễ cưới.

Gia đình vợ chồng anh Hán chụp ảnh kỷ niệm tại lễ cưới.

"Tôi luôn mong muốn có một đám cưới như những người khác, nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép và cũng không muốn làm chồng thêm áp lực nên tôi chưa từng nói ra điều này. Ngày hôm nay, tôi đã có một lễ cưới đàng hoàng và hoành tráng với sự tham gia của hai nhà nội, ngoại. Tôi rất vui và biết ơn những người tổ chức chương trình này", chị Hằng thổ lộ.

Từ vùng quê nghèo Nghệ An vào TP.HCM dự đám cưới con gái, bà Nguyễn Thị Phúc (mẹ chị Nguyễn Thị Hằng, 53 tuổi, quê Nghệ An) bày tỏ sự vui mừng khi được đến dự đám cưới của con gái.

"Khi bước vào đây, tôi cứ tưởng rằng là mơ vì sự hoành tráng của chương trình. Tôi luôn mong muốn con gái sẽ được tổ chức đám cưới, để nở mày nở mặt với bà con làng xóm. Bây giờ, điều này đã thực hiện được. Ngày hôm nay là một ngày đặc biệt đối với cả gia đình chúng tôi", bà Phúc chia sẻ.

Các gia đình cô dâu, chú rể chụp hình bên ảnh cưới.

Các gia đình cô dâu, chú rể chụp hình bên ảnh cưới.

Bà Phúc cho biết, khi nhận tin con sẽ làm đám cưới tập thể ở TP.HCM với 81 cặp đôi khác, bà cảm thấy vô cùng bất ngờ và vui mừng. Bà liền đi báo cho những người thân trong gia đình, và sắp sếp đồ đạc để vào TP.HCM dự đám cưới con gái cùng chồng.

Cũng được ba mẹ và các anh chị em ruột đến dự đám cưới, cô dâu Nguyễn Thị Kiều Trinh (25 tuổi, quê Lâm Đồng) tranh thủ chụp ảnh lưu niệm với người thân bên bức ảnh cưới của vợ chồng mình. Đăng ký kết hôn từ hơn 1 năm trước, nhưng do nhiều vấn đề phát sinh nên đến nay chị mới được làm đám cưới. Và đặc biệt hơn, khi chị được làm đám cưới với 81 cặp cô dâu, chú rể khác.

"Tôi luôn ước mong có một ngày được khoác lên mình chiếc váy cưới cô dâu và nay giấc mơ đó thành sự thật. Cảm ơn ban tổ chức đã giúp tôi có một đám cưới vô cùng ấm áp nhưng không kém phần trang trọng", chị Trinh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Kiều Trinh không giấu được hạnh phúc khi được làm đám cưới,

Chị Nguyễn Thị Kiều Trinh không giấu được hạnh phúc khi được làm đám cưới,

Chương trình Lễ cưới tập thể không những mang ý nghĩa nhân văn khi giúp cho rất nhiều cặp đôi khó khăn góp phần tôn vinh nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, cổ vũ việc tổ chức cưới hỏi văn minh, tiết kiệm, thể hiện được tinh thần tương thân tương ái, “nghĩa tình” - một đét đặc trưng rất hào sảng của người dân Thành phố.

Các cặp tham gia lễ cưới là cán bộ, công nhân viên, giáo viên, bộ đội xuất ngũ, thanh niên công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các cơ quan, đơn vị, nghiệp đoàn trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Đây là những đôi có giấy đăng ký kết hôn, chuẩn bị kết hôn và chưa tổ chức đám cưới. Các cặp đôi đăng ký tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ: Nhẫn cưới, trang điểm và chụp ảnh cưới, quà cưới, gói khám sức khỏe, hành trình hạnh phúc sau Lễ cưới. Ngoài ra Ban tổ chức sẽ xem xét trao tặng Nhà tình bạn, Căn phòng mơ ước cho các cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn.

Trong suốt 16 năm qua với 14 lần tổ chức, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM đã đồng hành cùng các đơn vị chung tay giúp đỡ cho hơn 1.156 cặp đôi thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tổ chức đám cưới hay có cho mình được một lễ cưới trang trọng và đầy đủ trong chương trình Lễ cưới tập thể.

Sau chương trình lễ cưới, Ban tổ chức sẽ triển khai chương trình Hành trình hạnh phúc cho các cặp đôi (tháng 11/2023), chương trình năm nay sẽ kết nối thực hiện các hoạt động xã hội, các cặp đôi không chỉ nhận yêu thương từ mọi người mà cùng sẻ chia, trao yêu thương đó đến rất nhiều hoàn cảnh khác như trao tặng căn phòng mơ ước, nhà tình bạn, góc học tập số cho em thanh niên công nhân khó khăn...

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-niem-vui-cua-co-dau-chu-re-va-gia-dinh-tai-le-cuoi-tap-the-2023-161767.html