TP HCM nỗ lực bảo đảm an sinh cho người dân
Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 được hình thành sẽ giúp tập trung đầu mối hàng hóa; giúp điều phối đến nơi có nhu cầu nhanh hơn
Ngày 19-8, bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Giám đốc Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 (gọi tắt là Trung tâm) - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về hoạt động của Trung tâm trong thời gian sắp tới.
* Phóng viên: Thưa bà, TP HCM vừa ra mắt và đưa vào hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19. Bà có thể cho biết lý do Trung tâm ra đời, nhất là khi TP HCM cũng có nhiều đơn vị phụ trách việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn?
- Bà TÔ THỊ BÍCH CHÂU: Trước đây khi chưa có Trung tâm, MTTQ và các tổ chức thành viên cũng đã thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hiện nay đang rất phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài nên số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động khó khăn cần được hỗ trợ rất lớn. Vì vậy, thành lập Trung tâm để huy động tổng lực, cùng thực hiện nhiệm vụ chung. Trung tâm sẽ giúp tập trung đầu mối hàng hóa; điều phối đến nơi có nhu cầu nhanh hơn, có hệ thống hơn từ kho trung tâm. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị hệ thống giúp thống kê, dự báo khu vực cần hỗ trợ; giúp kết nối người có nhu cầu được hỗ trợ với người có nhu cầu tài trợ dễ dàng hơn, có thể truy xuất nhanh chóng về người đã được nhận hỗ trợ.
* Bà có thể nói rõ hơn về nhiệm vụ của Trung tâm?
- Trung tâm thực hiện chức năng tiếp nhận các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phối hợp các địa phương và Sở Y tế rà soát đối tượng, nắm bắt khó khăn và nhu cầu cần được hỗ trợ của người nghèo, người bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 và nhu cầu cần được hỗ trợ của các bệnh nhân, đội ngũ y - bác sĩ, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, lực lượng tham gia phòng chống dịch; tổ chức phân phối kịp thời cho các đối tượng nêu trên một cách công bằng, khách quan.
Đồng thời, thực hiện kiểm tra, giám sát việc phân phối hàng hóa đến người dân, lực lượng tham gia phòng chống dịch, bảo đảm các đối tượng khó khăn đều được cung ứng hàng hóa kịp thời, giúp ổn định đời sống trong thời gian TP HCM thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
* Trung tâm sẽ vận hành và phối hợp với các đơn vị liên quan như thế nào?
- Trung tâm có 19 thành viên (theo Quyết định 2708/QĐ-BCĐ), được cơ cấu tổ chức hoạt động gồm 6 tổ giúp việc: Tổ tiếp nhận và xử lý thông tin tài trợ; Tổ tiếp nhận, xác minh và giám sát nhu cầu chăm lo; Tổ truyền thông; Tổ phân phối hàng; Tổ vận chuyển hàng hóa; Tổ vận hành hệ thống. Các sở, ngành, tổ chức thành viên có liên quan phân công cán bộ tham gia các tổ giúp việc để bảo đảm công tác phối hợp được thuận lợi.
Hoạt động của Trung tâm được kết nối và vận hành thống nhất với Trung tâm cấp huyện, các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 đến cấp xã và người dân. Hiện nay, việc phân phối hàng hóa theo nhu cầu thực tế của từng địa phương, khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện... và căn cứ vào nguồn hàng sẵn có.
* Hiện TP HCM cũng đã có rất nhiều mô hình, cách thức hỗ trợ người nghèo như "Túi an sinh", "Siêu thị 0 đồng", "ATM gạo"… nhưng vẫn còn những người nghèo chưa chạm tới. Vậy Trung tâm làm thế nào để các đối tượng thật sự cần hỗ trợ không bị bỏ lọt?
- Với tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, việc rà soát để hỗ trợ cho người nghèo, đặc biệt ở những vùng hẻm sâu không hề đơn giản. Lực lượng cán bộ ở địa phương nhiều nơi đang mỏng dần đi. Khi người dân có nhu cầu cần hỗ trợ, sẽ gọi lên tổng đài 1022 hoặc các số điện thoại đường dây nóng của hệ thống MTTQ TP HCM, chúng tôi sẽ ghi nhận, xác minh và kịp thời hỗ trợ. Thông qua đội hình SOS, Trung tâm sẽ vận chuyển nhanh các hàng hóa cứu trợ đến cho người dân.
* Trung tâm sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng như thế nào để bảo đảm nguyên tắc "đúng đối tượng, đúng nhu cầu"?
- Trung tâm có 6 tổ giúp việc, trong đó Tổ tiếp nhận, xác minh và giám sát nhu cầu chăm lo sẽ tiếp nhận các thông tin người dân phản ánh. Sau đó, chuyển địa phương xác minh. Định kỳ tổ chức giám sát việc triển khai hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau: gọi điện cho người đã được hệ thống ghi nhận "đã hỗ trợ" để kiểm tra thông tin; tổ chức đoàn giám sát đột xuất, ngẫu nhiên ở các địa phương để có chấn chỉnh kịp thời.
Sắp tới, hệ thống quản trị "An sinh TP HCM" (đang thử nghiệm tại quận 5, quận 7, quận 12) có lưu đầy đủ thông tin của người cần hỗ trợ và có bước xác nhận đính kèm hình ảnh "đã nhận hỗ trợ". Thông tin này sẽ hiển thị trong tính năng thống kê trên website của Trung tâm, giúp minh bạch việc hỗ trợ cho người dân.
"Hiện tại, người dân có 2 kênh để phản ánh đến Trung tâm hoặc khi cần hỗ trợ: hệ thống tổng đài 1022 và các số điện thoại đường dây nóng của hệ thống MTTQ TP HCM, do đó Trung tâm chưa thành lập thêm đường dây nóng.
Vận động hàng trăm ngàn phần quà
Hiện đã có 533.000 phần quà (300.000 đồng/phần) từ chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" của Bộ Thông tin và Truyền thông (giao hàng từ nay đến ngày 15-9; thông qua Viettel Post và Bưu điện Thành phố); 40.000 phần quà từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) vận động; 4.800 phần quà do Hội Chữ thập đỏ vận động; 6.500 phần quà do Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động. Số còn lại đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.