TP.HCM: Phấn đấu số hóa hệ thống giáo dục vào năm 2030

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đặt mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ đưa tất cả các thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số.

Ngày 20/7, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị chuẩn tin học quốc tế ICDL trong công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM đang xây dựng trở thành đô thị thông minh, trong đó trọng tâm là phát triển công nghệ thông tin và truyền thông số. Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM cũng đã có đề án về xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng tin học cho học sinh theo chuẩn quốc tế, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những đề án mà Trung ương, UBND TP.HCM giao phó, cũng hướng đến mục tiêu phát triển thành phố thành trung tâm giáo dục lớn của khu vực, và của cả nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng chuyển đổi số toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Để thực hiện các mục tiêu đó, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tập trung vào các nhiệm vụ nâng cao kỹ năng số, năng lực số của nguồn nhân lực.

"Ngành GD&ĐT cần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số một cách nhất quán với lộ trình học tập rõ ràng trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 TP.HCM sẽ đưa tất cả các thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho biết thêm, việc dạy và học tin học trong trường phổ thông theo chuẩn quốc tế, trong đó có chuẩn ICDL từ lớp 1 đến lớp 12 là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Việc sử dụng bộ tiêu chí năng lực số quốc tế giúp chuẩn hóa năng lực công nghệ thông tin của người học, mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, từ đó giúp lực lượng lao động tương lai có đủ tự tin cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Theo bà Nguyễn Phương Lan, Giám đốc EMG Education cho biết, sau gần 2 năm thực hiện, chuẩn tin học quốc tế ICDL đã được triển khai tại 75 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Dự kiến trong năm học sắp đến sẽ có thêm 34 trường nữa triển khai.

"Chuẩn tin học quốc tế này không tách rời, hay có sự chồng chéo với Chương trình giáo dục phổ thông mới, mà thông qua đó thì học sinh có cơ hội tiệm cận với chuẩn quốc tế, rút ngắn khoảng cách giữa kỹ năng công nghệ thông tin với yêu cầu học tập hàng ngày", bà Lan nói.

Là đơn vị đưa chuẩn tin học quốc tế ICDL vào giảng dạy, thầy Nguyễn Vi Tường Thụy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) chia sẻ, trong kỳ thi lấy chứng chỉ tin học vừa qua, toàn trường có 844/851 học sinh được nhận chứng chỉ. Đây là kết quả rất khả quan, cho thấy sự sẵn sàng và khả năng đáp ứng chuẩn quốc tế của học sinh Việt Nam.

Theo thầy Thụy, có 3 yếu tố quan trọng khi triển khai chuẩn tin học quốc tế là con người, cơ sở vật chất và sự đồng thuận của phụ huynh. Trong giai đoạn đầu tiên triển khai tại trường, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ đáp ứng yêu cầu dạy học tin học 3 tiết/tuần, do đó nhà trường đã linh động sử dụng giải pháp xã hội hóa, vận động mạnh thường quân tham gia đầu tư với cam kết học sinh được sử dụng máy móc xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 9.

Chương trình Tin học quốc tế ICDL Digital Student là chương trình thiết kế dành riêng cho học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông với hệ thống kiến thức chọn lọc, tập trung vào 3 mạch tri thức: Công nghệ thông tin và Truyền thông (Information & Communication Technology); Khoa học máy tính (Computer Science); Năng lực công nghệ số (Digital Literacy).

Chương trình đáp ứng Khung chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT).

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-phan-dau-so-hoa-he-thong-giao-duc-vao-nam-2030-158509.html