TP.HCM: Phát triển bền vững kinh tế số
Năm 2024 khép lại, kinh tế số của TP.HCM có mức đóng góp khá cao, đạt 22% GRDP. Hướng đến mục tiêu kinh tế số đóng góp 25% vào năm 2025, theo TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE), Thành phố đang vạch ra lộ trình phát triển đầy tham vọng…
* TP.HCM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng liên tục. Cụ thể, năm 2021 là 15,38%, năm 2022 là 18,66%, năm 2023 là 21,5%, năm 2024 ước đạt 22%. Theo ông, đâu là yếu tố chính để đạt được những kết quả này?
- Mức tăng trưởng kinh tế số của TP.HCM từ 15,38% năm 2021 lên 22% năm 2024 là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của Thành phố trong kỷ nguyên số. Thành công này đến từ nhiều yếu tố nền tảng:
Thứ nhất, hạ tầng số tiên tiến là yếu tố cốt lõi. Thành phố đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, bao gồm viễn thông, internet, trung tâm dữ liệu và IoT, theo định hướng từ khung phát triển hạ tầng số quốc gia. Hệ thống này có tính đồng bộ và an toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số đã được triển khai bài bản, với sự đồng hành từ chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Những ưu đãi về thuế, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho DN khởi nghiệp công nghệ đã khuyến khích nhiều ý tưởng sáng tạo được triển khai.
Thứ ba, TP.HCM đã xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình hợp tác giữa chính quyền, trường đại học và DN đã tạo nên lực lượng lao động có kỹ năng công nghệ, đáp ứng nhu cầu của ngành. Việc thu hút nhân tài từ trong và cả ngoài nước cũng giúp Thành phố duy trì sức cạnh tranh trong khu vực này.
* Thành phố đặt mục tiêu kinh tế số sẽ đóng góp 25% GRDP vào năm tới, 40% vào năm 2030. Dựa trên nền tảng hiện tại, ông nhận định mức độ khả thi của mục tiêu này ra sao, và cần tập trung vào những sáng kiến hoặc chính sách ưu tiên nào để thực hiện?
- Mục tiêu ấy đầy tham vọng nhưng hoàn toàn có cơ sở. TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, tập trung nhiều DN công nghệ tiên tiến. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, nền tảng vững chắc và những thành tựu đã đạt được, mục tiêu ấy có tính khả thi cao. Với vai trò là tổ chức tiên phong trong nghiên cứu và thúc đẩy chuyển đổi số, VIDE đang tập trung vào các lĩnh vực chiến lược nhằm hỗ trợ Thành phố đạt mục tiêu này.
Theo tôi, trước mắt cần tập trung vào việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực công. Thành phố phải đảm bảo tất cả các dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ, dễ dàng truy cập nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và DN.
TP.HCM cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự tham gia của startup công nghệ vào chuỗi giá trị kinh tế số. Các trung tâm nghiên cứu và vườn ươm khởi nghiệp cần được đầu tư mạnh mẽ hơn.
Một vấn đề quan trọng khác là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào các kỹ năng quan trọng, như lập trình, phân tích dữ liệu và an ninh mạng… nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động.
- Theo tôi, cần tập trung đầu tư vào các ngành công nghệ trọng điểm. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng phát triển kinh tế, những ngành công nghệ nền tảng. Cụ thể,trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn là hai lĩnh vực có vai trò chiến lược. Ứng dụng AI trong quản lý đô thị, y tế, giáo dục và giao thông thông minh sẽ giúp Thành phố giải quyết những vấn đề phức tạp một cách hiệu quả. Đồng thời, dữ liệu lớn là tài nguyên quý giá, cần được khai thác để hỗ trợ kinh doanh và hoạch định chính sách.
Blockchain và fintech cũng là mũi nhọn quan trọng. Blockchain không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch và bảo mật trong tài chính mà còn hỗ trợ phát triển các ứng dụng khác như quản lý chuỗi cung ứng và logistics. Đặc biệt, với nỗ lực trở thành trung tâm tài chính số hàng đầu khu vực thì sự phát triển của blockchain là không thể thiếu. VIDE cũng đang trong quá trình hỗ trợ TP.HCM hoàn thiện khung pháp lý cho các lĩnh vực mới này.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp thiết kế vi mạch, thương mại điện tử và công nghiệp nội dung số là các ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng, có tiềm năng mở rộng thị trường.
* Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm kinh tế số tại khu vực. Theo ông, trong năm 2025, TP.HCM cần áp dụng những chính sách đột phá nào để vừa giữ vững vai trò dẫn đầu trong nước, vừa nâng tầm cạnh tranh trên bản đồ số khu vực và toàn cầu?
- Mục tiêu “đầu tàu” đòi hỏi TP.HCM phải triển khai những chính sách đột phá và hợp tác quốc tế. Một trong những ưu tiên hàng đầu là thu hút các tập đoàn công nghệ lớn thông qua chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và nguồn nhân lực. Liên kết vùng cũng cần được đẩy mạnh. Sự hợp tác chặt chẽ với các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ giúp TP.HCM tận dụng tối đa nguồn lực về hạ tầng và nhân lực, đồng thời mở rộng không gian phát triển kinh tế số. Thành phố cũng cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Các trung tâm đổi mới sáng tạo phải được xây dựng với sự hợp tác của cả chính phủ và DN tư nhân.
* Để đối diện với những bất định từ bối cảnh quốc tế, ông có kiến nghị gì về chiến lược phát triển hệ sinh thái số và các giải pháp hợp tác công tư nhằm tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường sức mạnh kinh tế số của TP.HCM trong giai đoạn tới?
- Theo tôi, TP.HCM cần chiến lược phát triển kinh tế số bền vững và linh hoạt. Hợp tác công tư là một giải pháp khả thi, giúp huy động nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân. Những chương trình phát triển hạ tầng số, như xây dựng trung tâm dữ liệu và mạng lưới IoT sẽ được thực hiện hiệu quả hơn khi có sự tham gia của DN
TP.HCM cũng cần tập trung vào an ninh mạng và bảo mật thông tin. Đảm bảo an toàn hệ thống số, tăng cường niềm tin của người dân và DN, bảo vệ tài nguyên số quan trọng trước nguy cơ tấn công mạng.
* Cảm ơn ông!
Những chương trình phát triển hạ tầng số, như xây dựng trung tâm dữ liệu và mạng lưới IoT sẽ được thực hiện hiệu quả hơn khi có sự tham gia của DN.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-phat-trien-ben-vung-kinh-te-so-315435.html