TP.HCM phát triển mảng xanh đô thị bảo đảm an toàn, hiệu quả

Làm thế nào để phát triển, tăng nhanh diện tích mảng xanh đô thị lại vừa bảo đảm hiệu quả khai thác và an toàn cho người dân, là vấn đề được đặt ra trong bối cảnh ngày càng có quá nhiều vụ tai nạn thương tâm mà 'thủ phạm' chính là cây xanh đô thị...

Công viên Gia Định (Q. Gò Vấp), "lá phổi xanh" và là công viên có diện tích lớn nhất TP.HCM.

Công viên Gia Định (Q. Gò Vấp), "lá phổi xanh" và là công viên có diện tích lớn nhất TP.HCM.

Trong vòng chưa đầy một tháng, TP.HCM đã có 3 người tử nạn vì bị cây xanh gãy đổ đè trúng. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn cây xanh; đồng thời cho thấy mảng xanh đô thị ở nhiều đô thị cả nước, trong đó có TP.HCM còn nhiều lỗ hổng cần phải khắc phục để bảo đảm an toàn.

MÙA MƯA DÔNG, NGƯỜI DÂN NƠM NỚP LO SỢ CÂY NGÃ ĐỔ

Vào chiều giờ tan tầm ngày 04/9 vừa qua, TP.HCM có mưa dông giật mạnh. Một phụ nữ ngoài 50 tuổi đi đường, ngang qua đoạn gần ngã từ An Dương Vương – Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) thì bất ngờ bị một nhánh cây dầu to cao trên 25, bất ngờ gãy và rơi xuống trúng đầu, ngã xuống bất tỉnh tại chỗ và sau đó qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Trước đó chưa đầy một tháng, vào sáng sớm ngày 09/8, trong lúc đi bộ tập thể dục trong công viên Tao Đàn (quận 1), hai trong số khoảng 10 người trong nhóm (tuổi U70) đã bất ngờ bị một cành cây dầu to, cao trên 30 m, gãy và rơi trúng đầu làm tử vong tại chỗ và làm bị thương 3 người khác.

Theo báo cáo nhanh lúc đó của Công ty Công viên cây xanh TP.HCM, cả hai trường hợp cành cây bị gãy và rơi trúng người đi đường đều còn xanh tốt không có dấu hiệu khô mục. Với trường hợp cây gãy cành ở quận 5 do có mưa lớn, dông mạnh; còn trường hợp ở quận 1 thì trời quang mây tạnh, hoàn toàn không mưa hay dông, sau khi kiểm tra thì đơn vị này xác nhận nhánh cây bị gãy có khiếm khuyết bên trong nhưng không biểu hiện bên ngoài.

Tại TP.HCM, không chỉ đến mùa mưa bão các đơn vị chức năng mới tiến hành kiểm tra, mé nhánh cây xanh để bảo đảm an toàn, mà công việc này được tiến hành thường xuyên và định kỳ, nhưng tập trung vào đầu mùa mưa. Dù vậy, không mùa mưa dông năm nào mà không có các sự cố đáng tiếc xảy ra.

Đơn cử, vào chiều 24/9/2020, mưa dông đã làm bật gốc một cây cổ thụ trên đường Nguyễn Tri Phương, đoạn phía cổng trường Đại học Kinh tế TP.HCM (quận 10), đè và làm tử vong một người đàn ông đi đường và gây hư hại nhiều phương tiện, tài sản. Một trường hợp tương tự khác, tối 22/8/2023, một người đàn ông trên đường đi làm về đã trú mưa dưới tán một cây si cao to ở phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức thì bị dông làm bật gốc cây đè trúng, tử vong tại chỗ.

Điểm qua một số sự cố đáng tiếc gần đây liên quan đến cây xanh đô thị để thấy rằng công tác quản lý cây xanh, mảng xanh đô thị tại TP.HCM đang có nhiều lỗ hổng, cả về chuyên môn lẫn kỹ thuật chẳng hạn như chưa dùng các phương pháp hiện đại để đo đạc, tính toán, dự đoán trước các khả năng có thể xảy ra...

Hiện trường nơi xảy ra sư cố nhánh cây gãy đổ đè chết 2 người ở công viên Tao Đàn vào sáng 09/8/2024.

Hiện trường nơi xảy ra sư cố nhánh cây gãy đổ đè chết 2 người ở công viên Tao Đàn vào sáng 09/8/2024.

Một đại diện của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết rằng theo quy trình hiện nay, việc kiểm tra, chăm sóc cây được thực hiện thường xuyên, định kỳ. Nhân viên cây xanh sẽ kiểm tra và phát hiện khiếm khuyết của cây dựa trên nhiều tiêu chí như tán lá không đồng đều, nghiêng, rễ nổi, thân bị bọng, mục... từ đó đưa ra biện pháp chăm sóc, tỉa nhánh hoặc đốn hạ, trồng cây mới.

Từ đầu năm 2024 nay, đã có trên 700 cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ ngã đổ ở thành phố đã được xử lý. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, việc kiểm tra cây xanh trên địa bàn, các đơn vị hiện chủ yếu dựa theo quan sát bằng mắt thường và kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn chứ chưa có máy móc chuyên dụng. Vì vậy, với phần rễ cây nằm dưới lòng đất hoặc những nhánh cao 20 - 30 m mà bị khiếm khuyết thì rất khó nhận biết.

TĂNG MẢNG XANH NHƯ THẾ NÀO ĐỂ BẢO ĐẢM AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ?

Vừa qua, báo cáo tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 8 tháng đầu năm 2024, đại diện Sở Xây dựng đã cho biết một số thông tin liên quan đến việc triển khai 6 công viên để tăng mảng xanh ở Thành phố. Theo đó, chỉ tiêu cây xanh thành phố đã đề ra hướng tới 2030 không dưới 1 m2/người.

Trên cơ sở này, Sở Xây dựng đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố đầu tư xây dựng 6 công viên có quy mô lớn tại các khu vực chưa có nhiều công viên lớn để tạo sự đột phá trong lĩnh vực cây xanh, tăng mảng xanh, phân bố đồng đều về hệ thống công viên công cộng trên địa bàn thành phố, đồng thời cân bằng tỷ lệ đất hạ tầng xã hội trong đô thị.

Hiện thành phố đang cân đối nguồn lực để đầu tư xây dựng. Các công viên này có tổng diện tích gần 800 ha nằm ở các quận, huyện: 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Củ Chi và thành phố Thủ Đức; trong đó công viên lớn nhất rộng đến 485 ha (công viên Sài Gòn Safari, Củ Chi).

TP.HCM hiện có khoảng 400 công viên, gồm công viên công cộng và công viên trong khuôn viên khu dân cư với trên 235.000 cây xanh các loại; trong đó, khu vực nội thành có diện tích công viên lớn hơn khu vực ngoại thành. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở thành phố hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người, nhưng trên thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha.

Quyết định số 117/QĐ-BHTĐT của Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM về kế hoạch phát triển công viên cây xanh trên địa bàn thành phố, đã nêu rõ trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ phát triển tối thiểu 68 ha công viên công cộng, tối thiểu 4 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tập trung đầu tư các công viên quy mô lớn tại các quận, huyện như đã nói ở trên.

Làm thế nào để công tác kiểm tra cây xanh định kỳ không chỉ dừng lại ở việc quan sát mắt thường và kinh nghiệm? Ảnh: Thanh Tùng.

Làm thế nào để công tác kiểm tra cây xanh định kỳ không chỉ dừng lại ở việc quan sát mắt thường và kinh nghiệm? Ảnh: Thanh Tùng.

TPHCM với tiêu chí của đô thị loại đặc biệt cần đạt tỷ lệ cây xanh là 12 - 15m²/người. Diện tích công viên cây xanh cũng phải bảo đảm theo quy định tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 là từ 2,5 - 12m² đất cây xanh/đầu người.

Nhiều ý kiến cho rằng để đạt mục tiêu diện tích cây xanh đô thị không dưới 0,65m²/người đến năm 2025, TP.HCM cần phát triển thêm 150 ha đất công viên, 10 ha đất mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh đô thị. Nhưng với tốc độ phát triển mảng xanh chỉ đạt 0,55m²/người như hiện nay thì thành phố khó đạt được chỉ tiêu nêu trên.

Làm thế nào để vừa phát triển, tăng diện tích mảng xanh đô thị vừa phải bảo đảm an toàn, khai thác hiệu quả, tránh lặp lại các sự cố đáng tiếc trong thời gian vừa qua như trốc gốc, gãy cành do mưa bão, dông gió, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn tính mạng và tài sản người dân? Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, giảng viên khoa Môi trường và Tài nguyên, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho rằng cần quy hoạch mảng xanh một cách bài bản và manh dạn loại bỏ những loài cây không đạt chuẩn.

Theo ông Diệp, TP.HCM hiện có chừng 4.000 cây xanh không đáp ứng tiêu chuẩn về chủng loại cây trồng đô thị như sọ khỉ, bàng, điệp phèo heo, các loài sung, si,... là những loại được trồng phổ biến ở thành phố.

Để giải quyết, cần tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể từng loại cây cần bỏ đi và giữ lại. “Cây nào trong danh mục mà phát huy tác dụng, phù hợp với các tiêu chí đô thị hiện nay thì phải đưa vào diện bảo tồn. Còn cây nào già cỗi, có đường kính tiết diện lớn và nguy cơ gãy đổ cao thì phải thanh lý để bảo đảm an toàn”, ông Diệp thẳng thắn.

Anh Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-phat-trien-mang-xanh-do-thi-bao-dam-an-toan-hieu-qua.htm