TP.HCM: Phát triển thành trung tâm cung ứng giống nông nghiệp

TP.HCM đang đẩy mạnh chương trình mục tiêu phát triển giống nông nghiệp chất lượng cao được triển khai thời gian qua với mục tiêu phát triển thành trung tâm sản xuất và cung ứng giống cho khu vực.

Năm 2018, TP.HCM đã cung cấp giống cho khoảng 1,1 triệu ha gieo trồng các tỉnh khu vực (chiếm 96,7%) và vùng sản xuất nông nghiệp ngoại thành; 20 tổ chức nuôi cấy mô thực vật tại thành phố cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm, chủ yếu là lan nhiệt đới như mokara, dendrobium... giúp mở rộng vùng sản xuất hoa kiểng ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Nếu tính trong giai đoạn 2016-2018, các đơn vị trong thành phố đã sản xuất và cung ứng ra thị trường cả nước hơn 45.000 tấn hạt giống các loại, tăng bình quân 6%/năm.

Từ năm 2018 đến tháng 8/2019, các DN đã nghiên cứu, chọn lọc, thử nghiệm tính thích nghi 136 giống cây trồng mới và đưa vào sản xuất 55 giống mới; trong đó có 46 giống rau, 1 giống lúa, 8 giống hoa. Việc đưa nhiều giống mới vào sản xuất cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rau, năng suất tăng bình quân 5%-10%/năm, chất lượng ngày càng ổn định và an toàn.

Việc đưa nhiều giống mới vào sản xuất khiến năng suất tăng bình quân 5%-10%/năm

Việc đưa nhiều giống mới vào sản xuất khiến năng suất tăng bình quân 5%-10%/năm

Theo Sở NN & PTNT TP.HCM, hiện các đơn vị trong ngành nông nghiệp đã nghiên cứu thành công hơn 20 quy trình nhân giống invitro các loại lan, hoa kiểng, cây dược liệu; Cung cấp 40.000 - 50.000 cây giống invitro hoa chuông và thành phẩm mỗi năm; Khảo sát tính thích nghi các giống hoa lily phù hợp điều kiện thời tiết TP.HCM; Phục tráng các giống rau địa phương như bầu sao (An Giang); khổ qua, dưa leo, cà chua (Hóc Môn, TPHCM); cải bẹ xanh mỡ, hoa huệ trắng (Bình Chánh, TPHCM); Ứng dụng kỹ thuật sinh học chọn tạo thuần 10 dòng dưa lưới bố mẹ, hiện đăng ký 5 giống dưa lưới có chất lượng và năng suất tương đương giống nhập khẩu.

Thông qua các mô hình thử nghiệm, trình diễn trong chương trình khuyến nông, nông thôn mới, các giống mới được trồng giới thiệu cho nông dân, HTX tham quan, đánh giá trước khi sản xuất mở rộng. Trung tâm công nghệ sinh học cũng đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm bằng phương pháp thủy canh giống cải ngọt ăn bông từ New Zealand, Nhật Bản và bản địa với năng suất 60 - 110 tấn/năm (10 đợt). Thử nghiệm 7 giống xà lách từ Hà Lan, Nhật Bản... trong hệ thống Plant factory, năng suất từ 112 - 544 tấn/năm (15 đợt).

“TP.HCM đang đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để hướng tới là trung tâm cung ứng giống cho khu vực. Đây là chìa khóa để cải thiện năng suất, chất lượng, mở ra nhiều triển vọng lớn cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp”, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ.

Hiện nay TP.HCM có 38 DN kinh doanh giống nhưng chỉ nhập khẩu giống về bán là chính. Cùng với đó, việc phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu với các DN còn chưa chặt chẽ; Quy trình nhân giống, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được ban hành cụ thể cho từng đối tượng nên chất lượng giống chưa cao, nhất là giống cấy mô. Ngay cả người sản xuất cũng chưa có ý thức đầu tư đồng bộ những yếu tố ngoài giống như nhà lưới, nhà kính, quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc... nên chưa phát huy hết tiềm năng của giống mới. Hơn nữa, một số vướng mắc khác cũng khiến DN, HTX còn e dè, việc áp dụng công nghệ cao còn hạn chế về nguồn nhân lực, vật lực.

Đến nay, nhiều DN sản xuất nông nghiệp đã đề xuất và đặt hàng mong muốn cải thiện chất lượng con giống và vật nuôi đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Hải, Chi hội trồng hoa lan TP.HCM đề nghị các viện nghiên cứu giống lan có thể trồng ngoài nắng, thay vì trong nhà lưới; chú ý sưu tập, chọn lọc và lai tạo giống lan rừng Ngọc Điểm (Nghinh Xuân) có mùi hương đặc trưng, nhằm bảo tồn nguồn giống đang bị cạn kiệt trong tự nhiên. Cơ quan chức năng nên tạo điều kiện để hình thành chuỗi liên kết giữa người lai tạo, người sản xuất và người bán..

Trên thực tế, việc nghiên cứu, sưu tập, chọn lọc các loại giống là nhiệm vụ được giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản. Đối tượng nghiên cứu tập trung là hoa lan, kiểng các loại, rau màu và cây dược liệu, với các hướng nghiên cứu chủ yếu: sưu tập bảo tồn nguồn gen, chọn tạo các giống có năng suất, phẩm chất tốt, ứng dụng nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống cây trồng, ứng dụng quy trình công nghệ cao trong canh tác. Đây được xem là nguồn vật liệu có giá trị trong việc sản xuất và lai tạo giống mới.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tphcm-phat-trien-thanh-trung-tam-cung-ung-giong-nong-nghiep-92321.html