TP.HCM phê duyệt đề án về phát triển ngành nuôi yến

TP.HCM sẽ cấp mã định danh cho các cơ sở nuôi yến đạt tiêu chuẩn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Tại tọa đàm “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho biết bên cạnh khó khăn về thủ tục pháp lý đối với nhà yến, đáng lo nhất là tình trạng bị làm giả, làm nhái.

Điều này gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp và cả sức khỏe của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin sản phẩm

Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM, cho biết thời gian qua nhận được phản ảnh của người tiêu dùng phản ánh về các sản phẩm liên quan tới sức khỏe bị làm nhái, giả rất nhiều, trong đó có yến sào.

Theo quy định, hàng giả là hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Vậy trong tổ yến không đạt 70% trở lên cũng được coi là hàng giả.

“Quan trọng nhất làm sao để người tiêu dùng không ham rẻ mà vô tình tiếp tay tiêu thụ hàng giả. Chẳng hạn hũ yến giá 10.000 đồng thì làm sao có yến? Người dân đôi khi sử dụng sản phẩm theo phong trào mà không ý thức được tác hại từ việc dùng hàng giả” - ông Hồng nói.

Trong khi đó, TS Huỳnh Tấn Phát, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết Nghị định 98 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói rất rõ ràng và chế tài nặng với hành vi này. Nếu số tiền thu lợi bất chính vượt quá khung, người sản xuất hàng nhái, giả.... sẽ bị khởi tố hình sự.

 TS Huỳnh Tấn Phát chia sẻ thông tin tại tọa đàm. Ảnh: THUẬN VĂN

TS Huỳnh Tấn Phát chia sẻ thông tin tại tọa đàm. Ảnh: THUẬN VĂN

Một vấn đề nữa là hiện nay các sản phẩm chế biến từ tổ yến công bố về sản phẩm chưa rõ ràng, tem mác cũng chưa có. Ví dụ như có sản phẩm công bố có 5% tổ yến thì làm sao xác định được? Đây cũng là khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi xử lý.

Do đó, việc xử lý cần có sự chung tay của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin hơn nữa thì cơ quan quản lý mới có thể cùng doanh nghiệp xử lý rốt ráo và chuẩn hóa sản phẩm trên thị trường, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng.

 Công nhân đang đóng gói thành phẩm theo quy trình nghiêm ngặt tại nhà máy của CTCP Yến Sào Nha Trang

Công nhân đang đóng gói thành phẩm theo quy trình nghiêm ngặt tại nhà máy của CTCP Yến Sào Nha Trang

Hiện nay, Nghị định 13/2020/NĐ-CP mới chỉ quy định mang tính định tính về thành phần acid amin, canxi… trong sản phẩm yến sào nên căn cứ pháp lý để điều tra, khởi tố các hành vi vi phạm chưa rõ. Chi cục sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường có hướng dẫn cụ thể hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính.

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM

Số lượng nhà yến tăng nóng, TP.HCM siết quản lý

Theo ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, TP đang siết chặt quản lý, từng bước xây dựng thương hiệu yến sào, hướng tới phát triển bền vững ngành nuôi chim yến - một lĩnh vực có tiềm năng kinh tế cao nhưng còn nhiều tồn tại về quy hoạch, chất lượng sản phẩm và cơ chế giám sát.

 Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM. Ảnh: T.VĂN

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM. Ảnh: T.VĂN

Từ năm 2008 đến nay, số lượng nhà nuôi yến tại TP.HCM đã tăng nhanh chóng với hơn 735 cơ sở, chủ yếu xây dựng tự phát và không đăng ký với chính quyền địa phương.

Để kiểm soát thực trạng này, TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 19/2024 quy định vùng nuôi chim yến tại bốn quận, huyện: TP Thủ Đức (phường Long Phước), huyện Cần Giờ (xã An Thới Đông, Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp), huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Việc xây dựng mới nhà yến tại các địa bàn này phải đáp ứng điều kiện cụ thể và được cấp phép theo đúng quy định. Các nhà yến đã tồn tại ngoài vùng quy hoạch cũng sẽ được xem xét cấp giấy xác nhận hoạt động.

 Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết: "Chúng tôi đề xuất đưa yến sào trở thành sản phẩm chủ lực của thành phố trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững."

Song song với công tác quy hoạch, TP.HCM đã phê duyệt Đề án số 90 về phát triển ngành nuôi yến, tập trung vào ba mục tiêu chính: Xây dựng chuỗi giá trị ngành yến, phát triển thương hiệu yến sào TP.HCM và duy trì các vùng nuôi an toàn dịch bệnh.

Hiện TP.HCM là vùng an toàn dịch cúm gia cầm, một yếu tố thuận lợi để phát triển ngành yến quy mô lớn và xuất khẩu.

 Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào”. Ảnh: THUẬN VĂN

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào”. Ảnh: THUẬN VĂN

Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Festival Yến, nơi công bố chính thức thương hiệu yến sào TP.HCM và giới thiệu các tiêu chí công nhận sản phẩm đạt chuẩn. Thành phố cũng sẽ cấp mã định danh cho các cơ sở nuôi yến đạt tiêu chuẩn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-phe-duyet-de-an-ve-phat-trien-nganh-nuoi-yen-post843961.html