TP HCM phổ cập kinh tế số vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế và xã hội

TP HCM phổ cập kinh tế số nhằm mục tiêu là tạo ra một nền kinh tế số bao trùm, mang lại lợi ích cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Ngày 14-11, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động".

Phát biểu tham luận tại phiên toàn thể, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định năm 2024, TP HCM tiếp tục chọn chuyển đổi số là nội dung trọng tâm với chủ đề năm là "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội".

Đến năm 2030, đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số đạt 40%

Theo đo lường của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của TP HCM năm 2023 là 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022, thuộc nhóm 9 địa phương có tỉ trọng kinh tế số trong GRDP trên 20%.

Bà Trần Thị Diệu Thúy thông tin TP HCM tiếp tục hoàn thiện kế hoạch xây dựng Chính quyền số đến năm 2025, đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số năm 2024 là 22%; 25% vào năm 2025, và 40% đến năm 2030.

Bà Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại diễn đàn

Bà Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại diễn đàn

Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP HCM xác định công nghệ số là động lực chính và cũng là động lực mới để phát triển kinh tế thành phố. Do đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh tế số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Qua đó, TP HCM chủ trương hỗ trợ kinh phí, tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số phải đạt tối thiểu 60%.

Bà Trần Thị Diệu Thúy dẫn câu chuyện, từ tháng 9 đến 10 năm 2024, TP HCM đã triển khai chương trình thí điểm "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số" tại quận Phú Nhuận. Chương trình đã khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử và chuyển đổi số bằng bộ tiêu chí đo lường của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương cùng xây dựng.

Các gian hàng tham gia triển lãm tại diễn đàn mang đến những công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, bắt mắt

Các gian hàng tham gia triển lãm tại diễn đàn mang đến những công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, bắt mắt

Kết quả khảo sát 2.154 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ cho thấy các đơn vị quan tâm được hỗ trợ chuyển đổi số chiếm tỉ lệ 56,41%, trong khi số lượng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh chỉ chiếm 3,75%. Điều này cho thấy nhu cầu về chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh còn rất nhiều.

Các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh tại quận Phú Nhuận được kết nối với hệ sinh thái của 6 nhà cung cấp giải pháp nhằm khắc phục những điểm yếu trong quá trình chuyển đổi số của mình.

Giá trị trung bình của một gói chuyển đổi số cơ bản mà những doanh nghiệp nền tảng đang cung cấp miễn phí 6 tháng cho các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh tham gia khảo sát, đánh giá là khoảng 300.000 đồng/tháng (đối với gói quản lý bán hàng). Như vậy, tổng giá trị mà các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh tại quận Phú Nhuận sẽ được hưởng lợi khi tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số sẽ khoảng 10,1 tỉ đồng cho 6 tháng sử dụng miễn phí các giải pháp công nghệ.

Phát triển kinh tế số và thương mại điện tử

Bà Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, kết quả khảo sát không chỉ giúp TP HCM có cái nhìn tổng quan về thực trạng chuyển đổi số mà còn là tiền đề cho các hoạt động hỗ trợ toàn diện trong thời gian tới, hướng đến phát triển kinh tế số và thương mại điện tử trên toàn địa bàn thành phố. Đồng thời cho thấy nguy cơ, nếu không chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ thì tiểu thương trong nước sẽ khó cạnh tranh với hàng hóa xuất xứ ngoài nước được bán trên sàn thương mại điện tử có nguồn gốc từ nước ngoài.

Lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và địa phương tham dự diễn đàn

Lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và địa phương tham dự diễn đàn

Tại diễn đàn, bà Trần Thị Diệu Thúy đã nêu một số giải pháp thời gian tới mà TP HCM sẽ tập trung thực hiện như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số; phát triển kinh tế số có trọng tâm, trọng điểm vào 10 ngành lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh làm mũi nhọn để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế; phổ cập kinh tế số vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế và xã hội, mục tiêu là tạo ra một nền kinh tế số bao trùm, mang lại lợi ích cho mọi người dân và doanh nghiệp.

"TP HCM kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hỗ trợ thành phố tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử và chuyển đổi số của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ trên địa bàn để có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó, có thể ban hành những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp để giúp họ tạo động lực phát triển, có thể chiến thắng các doanh nghiệp nước ngoài trên "sân nhà" - bà Trần Thị Diệu Thúy kiến nghị.

Thanh Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-pho-cap-kinh-te-so-vao-moi-ngoc-ngach-cua-nen-kinh-te-va-xa-hoi-196241114143631584.htm