TP.HCM: Phố karaoke Sư Vạn Hạnh vẫn nhộn nhịp sau vụ cháy ở Bình Dương
Đường Sư Vạn Hạnh ở quận 10, TP.HCM được xem là 'phố karaoke' khi có hàng chục quán san sát nhau.
Phố karaoke vẫn nhộn nhịp
Theo ghi nhận, tuyến đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10 (đoạn từ bệnh viện 115 đến ngã tư Sư Vạn Hạnh với 3/2), chưa đến 500m nhưng đã có đến chục quán karaoke nằm sát nhau.
Vào tối 8/9, sau vụ cháy karaoke kinh hoàng ở Bình Dương, các quán karaoke ở Sư Vạn Hạnh vẫn hoạt động bình thường. Các nhân viên đứng trước quán để mời chào khách. Lượng khách có vắng hơn chút so với trước đây nhưng vẫn khá nhộn nhịp.
Hầu hết các quán karaoke đông khách ở đây được thiết kế theo kiểu nhà hộp và dạng nhà ống, không có ban công. Mặt ngoài được trang trí những ánh đèn lung linh đủ màu sắc bằng các biển hiệu lớn, điều kiện thông gió gần như không có.
Vào một quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh, chúng tôi nhận thấy bên trong phòng hát được thiết kế cách âm bằng mút, cao xu, phông rèm… chất liệu rẻ tiền, dễ cháy. Đây đều là những vật liệu tỏa nhiệt lượng lớn, hỏa hoạn xảy ra, tốc độ lan truyền ngọn lửa rất cao.
Ngoài ra, để phục vụ theo nhu cầu khách hàng, các quán karaoke này sẽ chia theo những loại phòng khác nhau như phòng thường, phòng vip… và hệ thống màn hình, âm thanh, ánh sáng khác nhau theo từng phòng mà không theo một quy chuẩn cụ thể nào, điều này sẽ gây ra hiện tượng quá tải, chập cháy các thiết bị điện. Cầu thang đi bộ cùng với hệ thống thoát hiểm chật hẹp, chỉ vừa đủ 1 đến 2 người đi song song nhau.
Khi hỏi một nhân viên ở quán này về việc phòng cháy chữa cháy, người này cho biết, quán có trang bị các bình chữa cháy mini đặt tại các lối đi lên xuống cầu thang để dễ tiếp cận. Tuy nhiên, quan sát cho thấy lượng bình chữa cháy trang bị không nhiều, không có điểm cụ thể, nơi nào trống thì đặt cho có.
Nhiều quán karaoke vi phạm về PCCC
Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP.HCM cho biết, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 414 loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar.
Đến thời điểm này, Công an TP.HCM đã thực hiện kiểm tra hơn 50% số cơ sở. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm tại các quán karaoke trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Cụ thể, tại quán karaoke Thanh Ruby trên đường Trần Quốc Tuấn (P.1, Q.Gò Vấp), Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm trong thiết kế, bố trí, sử dụng phòng ốc. Quán karaoke này thiết kế theo kiểu nhà hộp, không có ban công, một sân thượng, các cửa sổ mỗi tầng tuy không có khung sắt nhưng lại bị bao bọc bởi dàn dây thép dùng để treo đèn LED.
Bên trong các phòng karaoke, được trang trí bởi nhiều thiết bị điện tử, đèn chiếu sáng hay bàn ghế đều là vật liệu dễ gây cháy nổ. Các thông báo lối thoát hiểm rất sơ sài bằng những tờ giấy dán trên tường.
Diện tích thang bộ di chuyển có nơi không đạt yêu cầu tối thiểu, không có cầu thang thoát hiểm khi có sự cố. Đoàn tiếp tục kiểm tra hệ thống báo cháy, khi nhân viên cơ sở này bấm nút báo cháy, nhưng hệ thống không hoạt động ở những tầng 4, 5.
Tại quán karaoke White Star (370 Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp) đã tháo dỡ một số cửa chống cháy lan ở các tầng kinh doanh karaoke (không đúng theo bản vẽ được thẩm duyệt trước đó). Chủ cơ sở thay đổi mục đích sử dụng từ nhà ở thành phòng kinh doanh karaoke.
Kiểm tra karaoke Icool trên đường Dạ Nam (Q.8), đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở này loại bỏ bàn bi lắc tại một số phòng, lắp đặt bảng hướng dẫn thoát hiểm, trang bị thang thoát hiểm.
“Sau kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, đoàn công tác đã phát hiện rất nhiều vấn đề sai sót, vi phạm về các quy định an toàn PCCC và cũng đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của trên 90 cơ sở, với số tiền là 300 triệu đồng. Trong đó, có 2 đơn vị, cơ sở đã bị tạm đình chỉ hoạt động, với lý do chưa thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động, kinh doanh” Đại tá Huỳnh Ngọc Quan cho hay.
Theo luật sư, kiến trúc sư Đỗ Duy Khang, ở nước ta, luật đã quy định rất chi tiết, cụ thể các tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế thi công… để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra hỏa hoạn ở các nhà cao tầng.
Cụ thể, thang thoát hiểm phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Mũi bậc của thang thoát hiểm phải được làm vát cổ bậc (theo tiêu chuẩn tại Điều 3.4 - Cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình).
Tổng kích thước bề rộng cộng chiều cao bậc thang không được nhỏ hơn 55cm và không được lớn hơn 70cm (Khoản a - Điều 3.4.1.1.) Quy chuẩn này cũng quy định thời gian thoát người từ chỗ xa nhất đến thang thoát hiểm gần nhất là 6 phút.
Ngoài ra, trong cầu thang thoát hiểm, vế xuống tầng hầm và vế lên các tầng trên phải làm vách ngăn và cửa tách riêng 2 vế thang để khi có sự cố người thoát hiểm không bị dồn xuống tầng hầm. Khoảng cách xa nhất từ vị trí cần thoát hiểm đến thang thoát hiểm không quá 25m. Thế nhưng thực tế các quán karaoke hiện nay chưa tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn này.
Bình Dương: Nhiều quán karaoke vắng khách
Tối 8/9, PV Báo Giao thông ghé qua nhiều quán karaoke ở Bình Dương hỏi thăm đặt phòng hát cùng nhóm bạn trên 10 người nhưng hầu hết các quán đều từ chối với lý do đang trong quá trình sửa chữa.
PV đến các quán karaoke lớn nằm trên QL13 giáp với TP.HCM như Hoàng Yến và Dìn Ký nằm dưới chân câu Vĩnh Bình đều vắng khách. Mỗi quán chỉ có khách hát 1 phòng. Như Karaoke Hoàng Yến có 4 khách hát 1 phòng, và Dìn Ký có 2 khách nam nữ hát 1 phòng.
Anh Lê Giang, nhà ở TP Dĩ An tỉnh Bình Dương cho biết, rất thích hát karaoke ở quán vì hát ở nhà sẽ ảnh hưởng nhiều đến hàng xóm xung quanh, nhưng từ khi có vụ cháy ở quán karaoke An Phú, không dám đến các quán hát nữa.
"Bình thường buổi tối khoảng giờ này (tầm 21h-PV) khách đông lắm nhưng hôm nay vắng khách quá", bảo vệ quán karaoke Dìn Ký nói.