TP. HCM: Quận Gò Vấp vắng lặng trong ngày đầu giãn cách xã hội
Từ 0h ngày 31/5, thực hiện Chỉ thị 16, người dân Gò Vấp chỉ ra đường trong những trường hợp thực sự cần thiết để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.
Từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp thiết lập 10 chốt kiểm soát phương tiện giao thông, người dân không được ra khỏi quận, trừ các trường hợp được phép theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng.
Quận Gò Vấp thiết lập 10 chốt kiểm soát vào 0h ngày 31/5
Những chốt được lập ở các cửa ngõ của quận, gồm: cầu thép An Phú Đông, cầu An Lộc, cầu Bến Phân, cầu Trường Đai, cầu Chợ Cầu, số 399 Tân Sơn (phường 12), Phan Huy Ích, ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, Lê Quang Định (phường 1) và Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng - Nguyễn Kiệm.
Mỗi chốt có 3 công an, dân quân, bảo vệ dân phố, cán bộ y tế, trực 24/24.
Tất cả các phương tiện khi tới chốt đều bị yêu cầu dừng lại khai báo thông tin
Theo ghi nhận, đúng 0h ngày 31/5, chốt phong tỏa được thiết lập, hàng rào kiểm soát được kéo ra chắn các trục đường chính ra vào quận Gò Vấp.
Nhiều người đi ngang qua thời điểm lập chốt khá bất ngờ. Tất cả các phương tiện khi tới chốt đều bị yêu cầu dừng lại, khai báo thông tin, nếu nằm trong diện cấm vào sẽ được mời quay đầu.
Nhiều người đi ngang qua thời điểm lập chốt khá bất ngờ
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, người dân chỉ ra đường trong những trường hợp thực sự cần thiết để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế vẫn hoạt động phục vụ người dân. Xe chở hàng hóa thiết yếu được ra vào quận.
Xe chở hàng hóa thiết yếu được ra vào quận
Nút giao Ngã 6 Phạm Văn Đồng là tuyến giao thông cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày thường hay kẹt xe giờ cao điểm, nay khá thưa vắng.
"Ngày thường bùng binh này xe không ngớt, nay sân bay không còn chuyến bay nhập cảnh, rồi quận Gò Vấp giãn cách xã hội nên giờ thấy lác đác vài chiếc xe chạy trên đường, nhìn cảnh mà buồn ngủ", anh Lê Tuấn Lâm, chủ cửa hàng điện thoại di động trên đường Nguyễn Kiệm cho biết.
Các tuyến đường lớn tại Gò Vấp trở nên thưa thớt phương tiện di chuyển - Nguồn: Phú Nguyên
Từ ngày 31/5, người dân khi muốn vào địa bàn quận Gò Vấp phải khai báo y tế và không được đi đến các quận, huyện khác trong 14 ngày, trừ những trường hợp thật sự cần thiết, đã khai báo y tế đầy đủ, do lực lượng chức năng xem xét.
Người dân khi muốn vào địa bàn quận Gò Vấp phải khai báo y tế - Nguồn: Phú Nguyên
Các xe từ địa bàn khác qua Gò Vấp được đi trên một số tuyến đường: Lê Đức Thọ, Thống Nhất, Quang Trung, Nguyễn Oanh, cầu An Phú Đông, Phan Huy Ích, Tân Sơn, Phạm Văn Bạch, Phan Văn Trị, Lê Quang Định, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám, Bạch Đằng, Hồng Hà.
Các tuyến xe buýt hoạt động ở quận Gò Vấp dừng từ ngày 31/5 đến 14/6 - Nguồn: Phú Nguyên
Các tuyến xe buýt (03, 32, 58, 59 và 103), taxi, xe dưới 9 chỗ, xe du lịch, xe hợp đồng hoạt động ở quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) dừng từ ngày 31/5 đến 14/6, trừ xe công vụ, chở lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, chở công nhân, chuyên gia của doanh nghiệp, chở vật liệu sản xuất.
Người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết - Nguồn: Phú Nguyên
Anh Lê Tứ Quý, nhà ở khu phố 15, phường 3, quận Gò Vấp chia sẻ: "Thời điểm này nên ở một chỗ cho lành, cần thiết lắm mới nên ra đường".
Trước đó, sáng 30/5, Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Thành Phong quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15. Riêng hai địa bàn có nguy cơ lây nhiễm dịch cao như quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 31/5.
Công viên Gia Định thông báo tạm ngưng hoạt động - Nguồn: Phú Nguyên
Một số cơ sở kinh doanh cũng đóng cửa - Nguồn: Phú Nguyên
Quận Gò Vấp rộng 19,7 km2 với dân số hơn 676.000 (thống kê năm 2019), chỉ sau quận đông dân nhất TP. HCM là Bình Tân. Quận giáp Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Hóc Môn và 12. Đây là cửa ngõ nối liền trung tâm thành phố với Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh...
Bài, ảnh: Kỳ Hoa - Phú Nguyên