TP.HCM quyết liệt xử lý vi phạm tiếng ồn
TP.HCM sẽ mở đợt cao điểm xử lý tiếng ồn, tập trung từ nay đến cuối năm nhằm xử lý triệt để và đảm bảo không xảy ra việc vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư.
Ngày 9-3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì hội nghị triển khai về đề xuất xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn.
Bốn nguồn gây tiếng ồn
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết nguồn gây tiếng ồn phát sinh từ bốn nhóm.
Nhóm thứ nhất từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như vũ trường, quán bar, beer club…
Nhóm hai từ quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn, cường độ âm thanh lớn.
Nhóm ba từ hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc các sinh hoạt văn hóa gia đình như tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt đám mừng, liên hoan khác.
Nhóm bốn từ các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo như siêu thị, chợ, tiệm photocopy, các điểm quảng cáo… và các địa điểm sinh hoạt công cộng như công viên, nhà thờ, chùa.
Bà Mỹ cũng cho biết trong hai năm 2019 và 2020, có 17/22 quận, huyện đã áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn theo Nghị định 155 và Nghị định 167. Từ đó đã xử phạt 141 trường hợp vi phạm với số tiền gần 820 triệu đồng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 20/141 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng.
Đừng cứ loay hoay máy đo mà buông lỏng quản lý
Lâu nay chúng ta thường nghiêng về hướng có máy đo để xác định cường độ tiếng ồn nhưng điều đó chỉ áp dụng được trong không gian cụ thể chứ không gian công cộng thì không được. Và nếu cứ loay hoay việc không có máy đo để buông không quản lý là không được.
Ông VÕ VĂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Đề xuất tăng thẩm quyền, mức phạt
Từ đó, bà Mỹ kiến nghị trung ương sửa một số hạn chế trong quy định về ô nhiễm tiếng ồn. Cụ thể là tăng thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp xã, phường trong xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm tiếng ồn; tăng mức xử phạt (hiện nay mức phạt là 100.000-300.000 đồng chưa đủ sức răn đe); không giới hạn thời gian xử lý vi phạm (hiện nay chỉ xử phạt được từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng).
Ngoài ra, một vướng mắc khác là quy chuẩn mức giới hạn tiếng ồn hiện nay không quy định đo độ ồn nền để làm căn cứ xác định mức độ ồn nên việc xử phạt của cơ quan chức năng chưa được thuyết phục...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung tuyên truyền, vận động tại các cơ quan, trường học, nhất là tính gương mẫu của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong chấp hành các quy định về tiếng ồn ở khu dân cư.
Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu đề xuất vận dụng hương ước, đề nghị cơ sở kinh doanh, người dân thường xuyên hát karaoke cam kết không gây ồn. Bên cạnh đó, thiết bị đo tiếng ồn ngoài thị trường hiện rất nhiều, TP có thể đào tạo cán bộ và cấp chứng nhận về chức năng thẩm định. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng trong khi chờ các luật được sửa đổi, bổ sung thì việc có thể làm ngay là tăng cường nhắc nhở các hộ dân sau 21 giờ điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe.
Hai giai đoạn xử phạt vi phạm tiếng ồn
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP sẽ mở đợt cao điểm xử lý tiếng ồn, tập trung từ nay đến cuối năm với chủ đề “Vấn đề tiếng ồn và hành động của chúng ta”. Đợt cao điểm được chia làm hai giai đoạn với mục tiêu là xử lý triệt để và đảm bảo đến cuối năm nay không xảy ra việc vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư. Sau đợt cao điểm, TP sẽ sơ kết đánh giá và tiếp tục triển khai, bổ sung vào các quy định.
Cụ thể, giai đoạn 1, từ nay đến cuối tháng 5, các cơ quan chức năng sẽ tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân, các cơ sở kinh doanh; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan xử lý tiếng ồn. Giai đoạn này chưa có việc xử lý vi phạm hành chính mà chủ yếu làm cho người dân ý thức hơn.
Giai đoạn 2, từ tháng 6 đến cuối năm 2021, các cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi gây tiếng ồn từ karaoke theo các nghị định liên quan gồm 100, 167, 155 và 98.
Theo ông Hoan, tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giảm chất lượng cuộc sống của người dân. “Chúng ta cố gắng để kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, văn hóa được hưởng thụ ở nhiều góc độ khác nhau thì dứt khoát phải tìm cách để xử lý cho bằng được những vấn đề tác động làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có tiếng ồn” - ông Hoan nói.
Ông đề nghị Sở TN&MT TP.HCM cần tổng hợp các quy định pháp luật có liên quan về ô nhiễm tiếng ồn, biên soạn và phát hành bộ tài liệu hỗ trợ truyền thông về hạn chế tiếng ồn trong khu dân cư. Sở Văn hóa và Thể thao cần thực hiện truyền thông về tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư trên các màn hình quảng cáo điện tử và các phương tiện quảng cáo khác nơi công cộng.
Đối với Sở GTVT, cần phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường do hành vi để dàn âm thanh không đúng nơi quy định.
Đối với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, cần phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện ngay việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước đến tổ dân phố để hộ gia đình, cá nhân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ký quy ước, cam kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong đó, quy định cụ thể khoảng thời gian hạn chế phát sinh các nguồn gây ồn tại cộng đồng dân cư…
Một số địa phương đã xử lý việc hát karaoke gây tiếng ồn
An Giang: Từ ngày 3-3, tỉnh này bắt đầu tạm dừng kinh doanh, tụ tập hát karaoke bằng dàn loa di động để phòng dịch COVID-19. Lãnh đạo tỉnh này cho biết nếu người dân đồng thuận, tỉnh sẽ xây dựng lộ trình tiến tới cấm triệt để hát karaoke bằng dàn loa di động.
Đà Nẵng: Từ giữa năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, xã, phường xử lý nghiêm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do karaoke “kẹo kéo” gây ra. Qua gần hai năm thực hiện, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể.
Thừa Thiên-Huế: Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng có yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp hạn chế tình trạng hát karaoke bằng loa “kẹo kéo” gây mất an ninh trật tự. Tỉnh cũng đồng thời rà soát các quy định để soạn thảo văn bản chỉ đạo hoàn chỉnh liên quan đến việc xử lý vấn nạn hát karaoke bằng loa “kẹo kéo”.
Long An: Từ năm 2016, Long An đã định danh loại hình karaoke là “nhạc sống” và ban hành quy định quản lý hoạt động “nhạc sống” trên địa bàn tỉnh. Từ đó, Sở VH-TT&DL tỉnh đã có cơ sở rõ ràng hơn để tuyên truyền, vận động và vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn từ “nhạc sống” tại tỉnh đã có phần giảm bớt. PV
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tphcm-quyet-liet-xu-ly-vi-pham-tieng-on-971390.html