Tp.HCM ra tối hậu thư yêu cầu xử lý 'siêu máy bơm' đường Nguyễn Hữu Cảnh
Các đơn vị liên quan đến dự án hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh phải tham mưu, chính kiến cụ thể về phương án xử lý để đề xuất UBND Tp.HCM trong tháng 4/2022.
Văn phòng UBND Tp.HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi, liên quan đến đánh giá hiệu quả hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh và đề xuất phương án xử lý máy bơm chống ngập của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung.
Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo giao Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện đúng chỉ đạo của UBND Tp.HCM tại Công văn 6184/VP-DA ngày 12/8/2021. Tham mưu, có chính kiến cụ thể đề xuất UBND Tp.HCM về phương án xử lý máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, hoàn thành trong tháng 4/2022, không được chậm trễ.
Công trình sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành, thông xe ngày 28/4/2021. Đến ngày 5/1/2022, hệ thống thoát nước đường này được hoàn thành và đang thực hiện việc ngắt kết nối hai tuyến cống hiện hữu với trạm bơm Quang Trung.
Qua theo dõi tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh từ khi thông xe đến nay đã trải qua mùa mưa 2021, Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP (chủ đầu tư dự án) nhận thấy tuyến đường không bị ngập.
Tuy nhiên, trong các ngày mưa lớn năm 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung không vận hành máy bơm dầu công suất lớn từ 27.000m3/h - 96.000m3/h (còn được gọi là “siêu máy bơm”) mà chỉ sử dụng hai máy bơm điện, một máy bơm 2.000m3/h và một máy bơm 5.000m3/h.
Được biết, vào ngày 19/4/2018, Trung tâm Chống ngập TP cùng Công ty Quang Trung chính thức ký hợp đồng, với thời gian 7 năm, mức giá sau đó được chốt là hơn 14 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc thành phố thuê máy bơm chống ngập là chưa có tiền lệ.
Về việc thuê “siêu máy bơm”, từ tháng 6/2021, UBND TPHCM đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình trạng ngập, hiệu quả hoạt động và sự cần thiết sử dụng hệ thống “siêu máy bơm” chống ngập sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được nâng cấp, sửa chữa.
Tuy nhiên, cho đến nay, các đơn vị chức năng vẫn chưa có kết luận về việc có cần thiết thuê “siêu máy bơm” hay không. Nhiều người lo ngại điều này sẽ gây lãng phí, vì theo thiết kế, nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh có thể tự chảy qua tuyến cống thoát nước, lưu vực thoát nước rộng gần 40ha. Các lo ngại về ngập tuyến đường liền kề (đường Điện Biên Phủ) đến nay đã được cơ quan chức năng thông tin giải pháp xử lý.
Không chỉ chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh được quan tâm, mà dự án chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM luôn được người dân chú ý và mong mỏi ngày dự án về đích. Nhiều người dân cho rằng, có sự lãng phí trong việc thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ này, bởi chống ngập mã không hết ngập. Hiện tại, hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, nhưng dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tiếp tục dang dở, chậm trễ 4 năm so với kế hoạch.
Đường Trần Xuân Soạn cùng các tuyến Lê Văn Lương, quốc lộ 50 là ba trong tổng 4 tuyến đường trục chính ở thành phố bị ngập do triều cường chưa được giải quyết. Tình trạng ngập ở các tuyến này chỉ được xử lý căn cơ khi giai đoạn một của dự án ngăn triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu hoàn thành. Nhiều năm qua, người dân ven sông Sài Gòn "khóc ròng" mỗi khi triều cường xuất hiện.
Việc liên tục trễ hẹn, nhiều người dân băn khoăn tiến độ và năng lực Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (công ty con của Tập đoàn Trung Nam Group). Dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Liên tục dừng thi công, chậm tiến độ, gây nhiều hệ lụy, phát sinh lớn chi phí.
Và vướng mắc chính của dự án liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Dù chưa có quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, nhưng việc UBND TP.HCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa hoàn toàn phù hợp.
Ngoài ra, Nghị định 15 quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước trước khi phê duyệt dự án PPP. Tuy nhiên, thời điểm đó, UBND thành phố có báo cáo và được HĐND TP.HCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.