TP.HCM ra văn bản khẩn khi F0 đang có xu hướng gia tăng

UBND TP.HCM ra văn bản chỉ đạo khẩn nhằm triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch do F0 đang có xu hướng gia tăng và chủng Omicron đang lây lan nhanh.

Ngày 4/3, UBND TP.HCM ra văn bản khẩn tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 do F0 trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt chủng Omicron đang chiếm ưu thế.

Theo UBND TP.HCM, dự báo thời gian tới có thể xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh và trường học. Vì vậy, UBND TP.HCM yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, trong khu công nghiệp, trường học theo các quy trình xử lý F0 của Sở Y tế và Sở Giáo dục Đào tạo hướng dẫn.

Đồng thời, phối hợp tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thần tốc, bảo đảm bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu đơn vị triển khai mạnh mẽ, toàn diện chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch các đơn vị, tổ chức, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe… trên địa bàn và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch.

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có công văn khẩn gửi UBND TP.HCM để xin chủ trương dùng thuốc Molnupiravir cho người bệnh Covid-19 (F0) cách ly tại nhà.

Số lượng người bệnh điều trị tại nhà có nhu cầu sử dụng thuốc Molnupiravir gia tăng.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, trước đây, nguồn thuốc kháng vi rút Molnupiravir thuộc chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 của Bộ Y tế và được phân bổ, sử dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt. Cục Khoa học và đào tạo (Bộ Y tế) cũng đã hoàn tất nghiên cứu, kết thúc chương trình thí điểm và đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc Molnupiravir.

Ngày 17/2/2022, Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho 3 loại thuốc Molnupiravir sản xuất trong nước của 3 đơn vị: Công ty cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar, Công ty TNHH liên doanh Stella Pharm, Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam. Hiện tại, thuốc Molnupiravir đã có mặt tại các nhà thuốc của hệ thống Long Châu, Pharmacity và một số nhà thuốc khác.

Để tăng cơ hội cho người bệnh tiếp cận nhanh chóng thuốc Molnupiravir, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, Sở Y tế đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế về chủ trương cung ứng thuốc Molnupiravir cho người bệnh Covid-19 cách ly tại nhà.

Mặt khác, trong tình hình dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, số lượng người bệnh điều trị tại nhà có nhu cầu sử dụng thuốc Molnupiravir gia tăng, Sở Y tế đề nghị UBND TP.HCM xem xét chủ trương cho phép các nhà thuốc trên địa bàn thành phố kinh doanh thuốc Molnupiravir.

Theo đó, khi xác định người bệnh mắc Covid-19, bác sĩ điều trị sẽ kê đơn thuốc Molnupiravir cho người bệnh có chỉ định dùng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người bệnh sử dụng toa thuốc này đến trạm y tế, trạm y tế lưu động để được cấp phát thuốc hoặc đến nhà thuốc để mua thuốc.

Việc kê toa và kinh doanh thuốc Molnupiravir phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Thông tư số 52/2017 ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về toa thuốc và việc kê toa thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và các quy định khác có liên quan.

Cơ quan này cũng yêu cầu Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu, mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị Covid-19 bất hợp lý.

Đối với các cơ sở kinh doanh dược, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn.

Kinh doanh các thuốc tại nhà thuốc phải có nguồn gốc hợp pháp, có hóa đơn chứng từ hợp lệ, kinh doanh đúng phạm vi được cấp phép. Bán thuốc kê đơn phải có đơn thuốc hợp lệ. Không đầu cơ tích trữ, không được tăng giá thuốc bất hợp lý.

Tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị Covid-19 và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-ra-van-ban-khan-khi-f0-dang-co-xu-huong-gia-tang-d161687.html