TP.HCM ráo riết chuẩn bị khép kín đường vành đai 2
TP Thủ Đức đang tiến hành đo vẽ, kiểm đếm, thực hiện giải phóng mặt bằng để Ban giao thông TP.HCM khởi công dự án đường vành đai 2 vào năm 2025.
Sau 20 năm triển khai, 64 km dự án đường vành đai 2 TP.HCM còn bốn đoạn dang dở, trong đó có ba đoạn thuộc TP Thủ Đức. Hiện nay, TP Thủ Đức đang chuẩn bị để tái khởi động đoạn 1 và đoạn 2 trên địa bàn. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM, đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về công tác chuẩn bị để khép kín dự án này.
Tái khởi động dự án sau 20 năm dang dở
. Phóng viên: Dự án đường vành đai 3 TP.HCM đã được khởi công và đang được đẩy nhanh tiến độ, song đến nay dự án đường vành đai 2 được triển khai trước 20 năm mới đang rục rịch để khép kín. Cụ thể việc tái khởi động dự án sẽ như thế nào, thưa ông?
+ Ông Lương Minh Phúc (ảnh): Đường vành đai 3 đã bắt đầu triển khai, đang dần hiện thực hóa và đường vành đai 4 cũng đã chuẩn bị trình một số cơ chế chung thì đường vành đai 2 mới thực sự là giấc mơ mà TP.HCM đã phải chờ đợi tới 20 năm.
Trước đây, dự án đường vành đai 2 còn gặp nhiều khó khăn khiến dự án phải gián đoạn ở một số nơi song các khó khăn đã dần được tháo gỡ, dự án đã bắt đầu khởi động lại. Theo đó, hai đoạn của đường vành đai 2 gồm đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức) và đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) đang được lập và phê duyệt.
“TP Thủ Đức đã đo vẽ, kiểm đếm, làm cơ sở để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo mặt bằng thuận lợi cho chủ đầu tư khởi công vào tháng 4-2025.”
Đặc biệt, hai nút giao của đường vành đai 2 ở địa bàn TP Thủ Đức sẽ thi tuyển kiến trúc - đây cũng là điểm nhấn, biểu tượng cho TP Thủ Đức. Việc này sẽ phát sinh thêm thủ tục nên dự án sẽ khởi công vào dịp 30-4-2025 ở đoạn 1 và đoạn 2.
Riêng đoạn 3 của dự án dài 2,7 km, có điểm đầu tại đường Phạm Văn Đồng và điểm cuối tại nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), được ký kết vào năm 2016.
Công trình được khởi công từ năm 2017, đến năm 2020, dự án phải tạm dừng khi khối lượng thi công đạt khoảng 44%. Lý do là vướng mặt bằng và chờ thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT. Hiện đoạn 3 đã giải phóng mặt bằng trên 90%. Nhà đầu tư đã chuẩn bị đủ vốn, chỉ đợi TP gỡ vướng về các thủ tục để cùng với địa phương sớm bồi thường, giải phóng mặt bằng phần còn lại.
8.000
tỉ đồng là nguồn vốn TP.HCM dự kiến bố trí cho dự án đường vành đai 2 để thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Đoạn 1 và đoạn 2 trên địa bàn TP Thủ Đức có khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
. Dự án được tái khởi động trong thời điểm hiện nay sẽ có lợi gì so với các dự án đã và đang triển khai, thưa ông?
+ Đường vành đai 2 khởi động lại trong bối cảnh này có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất, dự án đường vành đai 3 đang “chạy êm” đúng như kế hoạch. Những bài học kinh nghiệm từ việc tổ chức triển khai dự án này sẽ là kinh nghiệm quý báu để TP áp dụng trong việc khép kín các đoạn còn lại của đường vành đai 2.
Thứ hai, với các chính sách từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, những khó khăn trong dự án BT đang thực hiện dang dở sẽ được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án.
Đặc biệt là thuận lợi thứ ba, các đoạn còn lại của dự án tiếp tục triển khai khi Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực. Vì vậy, dự án sẽ được áp dụng các quy định của luật mới với rất nhiều điểm có lợi cho người dân.
Nhất là trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đây là điều mà người dân và cả chủ đầu tư cũng rất quan tâm. Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cũng đã chờ đợi suốt hai thập niên để dự án được nối liền. Khi người dân đồng thuận thì việc bàn giao mặt bằng sẽ diễn ra nhanh hơn và tiến độ dự án vì thế cũng sẽ được đáp ứng.
Đường vành đai 2 đã hoàn thành và khai thác 50 km
Đường vành đai 2 TP.HCM dài 64 km, quy mô 6-10 làn xe. Hiện TP.HCM đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 50 km. Bao gồm đoạn tuyến Quốc lộ 1A từ Gò Dưa đến An Sương dài 13,5 km; đoạn tuyến Quốc lộ 1A từ An Sương đến An Lạc dài 13,5 km; đoạn tuyến theo đường Nguyễn Văn Linh dài 12,4 km; đoạn tuyến từ nút giao khu A đến cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công dài 11 km.
Hiện còn bốn đoạn chưa được khép kín gồm: Đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức) dài 3,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỉ đồng. Dự án đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2023.
Đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) dài 2,8 km, tổng mức đầu tư 4.543 tỉ đồng. Hiện nay, cả hai đoạn TP Thủ Đức đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư trong năm 2024.
Đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP Thủ Đức) của Công ty CP Văn Phú Bắc Ái, tổng mức đầu tư khoảng 2.545 tỉ đồng, dài 2,7 km.
Đoạn 4 (nối Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh), tổng mức đầu tư 16.400 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng theo bề rộng 60 m ước tính gần 13.200 tỉ đồng được đề xuất triển khai theo hai giai đoạn trước năm 2030.
Mở ra không gian đô thị cho TP Thủ Đức
. Xin ông thông tin thêm về công tác chuẩn bị để tái khởi động dự án?
+ Với khâu giải phóng mặt bằng, TP Thủ Đức chủ trì, triển khai và làm việc với người dân. Hiện nay, ranh dự án phục vụ công tác kiểm đếm, đo vẽ đã được duyệt và bàn giao cho TP Thủ Đức. TP Thủ Đức cũng đã tiến hành đo vẽ, kiểm đếm, làm cơ sở để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo mặt bằng thuận lợi cho chủ đầu tư khởi công vào tháng 4-2025.
Ban giao thông cũng sẽ đặt trọng tâm với TP Thủ Đức để phối hợp trong giải phóng mặt bằng, chuẩn bị dự án để khởi công và đưa dự án hoàn thành vào cuối năm 2026, đầu năm 2027. Từ đó hình thành trục giao thông quan trọng của TP.HCM nói chung, phía đông TP nói riêng.
Bên cạnh hệ thống giao thông công cộng, đường vành đai 2 và đường vành đai 3 sẽ là tiền đề cho TP Thủ Đức phát triển, bao gồm kết nối giao thông, tạo ra không gian mới cho TP.HCM, TP Thủ Đức.
Như vậy, cùng với nút giao Gò Công ở đường vành đai 3, thêm hai cây cầu bắc qua Đồng Nai ở phía đông và tăng thêm kết nối với TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ tạo ra một giai đoạn mới phát triển cho TP Thủ Đức khi hệ thống giao thông được kiện toàn.
TP.HCM xử lý kiến nghị của chủ đầu tư về 2,7 km đường vành đai 2
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi bốn sở KH&ĐT, GTVT, TN&MT, Tài chính để xử lý kiến nghị của nhà đầu tư về các nội dung cần thống nhất đối với dự án 2,7 km đường vành đai 2 TP.HCM.
Trong văn bản gửi UBND TP mới đây, ông Nguyễn Thế Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái, đã có văn bản gửi UBND TP.HCM. Trong đó cho hay hiện tổng giá trị thực chi để thực hiện dự án khoảng 2.200 tỉ đồng. Trong đó, giá trị thực hiện đã được kiểm toán vào năm 2019 theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước là 1.400 tỉ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, nhà đầu tư đã cùng với các sở, ngành TP rà soát hợp đồng BT để tiến hành đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng, thanh toán quỹ đất. Đồng thời, UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tuy nhiên, theo ông Vinh, việc hoàn thiện hợp đồng vẫn chưa xong khiến nhà đầu tư gặp khó khăn.
Liên quan đến quy trình thanh toán hợp đồng BT theo Nghị quyết 98, ông Vinh thông tin: Sở TN&MT cũng đã xây dựng quy trình, trình tự thực hiện nhưng theo doanh nghiệp này, trình tự thực hiện giao đất thanh toán cho nhà đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc.
Vì vậy, nhà đầu tư kiến nghị UBND TP tiếp tục có chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc để dự án 2,7 km đường vành đai 2 sớm được khởi động và đảm bảo tiến độ chung.
Đoạn 3 của đường vành đai 2 tại TP Thủ Đức thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), được ký kết vào năm 2016. Công trình đã tạm ngưng bốn năm nay (từ năm 2020) và khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 90%, thi công đạt 44%.
Được biết hiện nay có hai nhóm việc đang được TP đốc thúc các sở, ngành để sớm thi công trở lại dự án 2,7 km đường vành đai 2. Nhóm 1 là hoàn thành quy trình thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT áp dụng cơ chế Nghị quyết 98.
Nhóm 2 là điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, rà soát tiến độ mặt bằng. Đồng thời, tổ công tác liên ngành TP đẩy nhanh kết quả đàm phán để ký phụ lục hợp đồng BT.
Mới đây, vào ngày 23-7, ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan đã đến khảo sát đoạn 3 - dự án đường vành đai 2 tại TP Thủ Đức.
Tại đây, Công ty CP Văn Phú Bắc Ái cũng cho biết việc trì trệ đã làm lãi suất phát sinh của dự án tiếp tục tăng, trung bình mỗi tháng 14 tỉ đồng, đến nay lãi suất phát sinh đã hơn 600 tỉ đồng. Do vậy, việc gỡ vướng cho dự án càng chậm sẽ dẫn đến lãng phí cho ngân sách nhà nước, thiệt hại cho nhà đầu tư, đời sống của người dân trong dự án cũng sẽ khó khăn.
Nhà đầu tư cũng mong muốn TP cùng với các sở, ngành, đơn vị liên quan sớm có phương án gỡ vướng cho dự án, đồng thời tập trung đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để sớm đưa dự án tái khởi động.
Ông Kiên đã yêu cầu các sở, ngành phải cố gắng, tập trung hoàn thiện các thủ tục để trình UBND TP tháo gỡ vướng mắc, sớm triển khai dự án trở lại. HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc để đảm bảo tiến độ dự án. VIỆT HOA
. Vậy dự án đường vành đai 2 sau khi hoàn thành sẽ như thế nào, thưa ông?
+ Cùng với đoạn 3 do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái đang thực hiện sẽ khép kín 12 km liên tục đường vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức để nối với tổng thể toàn tuyến. Từ đó hình thành một trục xương sống của đô thị TP Thủ Đức. Đồng thời đây cũng là nhiệm vụ giải quyết bài toán kết nối giao thông, an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, đặc biệt là ở khu vực TP Thủ Đức.
Sau khi dự án hoàn thành, toàn bộ xe container sẽ đi từ Quốc lộ 1 vào đường vành đai 2 và về cảng Cát Lái, dọc sông Đồng Nai. Lúc này các phương tiện sẽ không đi xuyên vào khu vực Mai Chí Thọ như hiện nay, từ đó kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Đường vành đai 2 sẽ tạo tiền đề hoàn tất đường xương cá kết nối với các tuyến đường hiện hữu, góp phần kiện toàn hệ thống giao thông, đặc biệt là TP Thủ Đức có tốc độ phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.
Song song với ba đoạn của dự án trên địa bàn TP Thủ Đức, UBND TP.HCM cũng đang giao cho Sở GTVT và Ban giao thông nghiên cứu đoạn 4 - đường vành đai 2 (Tân Tạo, huyện Bình Chánh - Nguyễn Văn Linh). Hiện ưu tiên đầu tư đoạn Võ Văn Kiệt, bắc qua phà Phú Định kết nối với đường Nguyễn Văn Linh. Đây cũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà ngành giao thông sẽ triển khai để sớm khép kín, hoàn thành đường vành đai 2 TP.HCM.
. Xin cảm ơn ông.•
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:
Cần ưu tiên giải phóng mặt bằng
Với dự án khép kín đường vành đai 2, cần ưu tiên giải phóng mặt bằng trong năm 2024. Có vướng mắc, khó khăn, TP Thủ Đức phải báo cáo để tháo gỡ ngay. Ngoài ra, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tuyên truyền để bà con nhân dân đồng thuận. UBND TP cũng tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đồng bộ, đảm bảo đủ điều kiện triển khai dự án.
(Trích chỉ đạo của ông Bùi Xuân Cường tại lễ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án của TP Thủ Đức hồi tháng 2-2024)
....................................
Ông MAI HỮU QUYẾT, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức:
TP Thủ Đức quyết tâm khép kín đường vành đai 2
Đường vành đai 2 sẽ kết nối với cảng Cát Lái, Phú Hữu, mở ra một không gian đô thị cho TP Thủ Đức. Dự án đã có trong quy hoạch từ năm 2007 nhưng chưa thể triển khai. Với vai trò quan trọng của dự án, UBND TP.HCM, UBND TP Thủ Đức quyết tâm khởi động dự án này.
Đối với các chính sách giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường vành đai 2 sẽ áp dụng theo Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, mức giá mới sẽ khác hoàn toàn so với giá được duyệt năm 2023. TP Thủ Đức sẽ áp dụng giá tiệm cận tối đa theo giá thị trường, thông qua việc khảo sát giá thực tế. TP Thủ Đức cũng sẽ công khai giá dựa trên khảo sát từ từng vị trí như mặt tiền đường, các tuyến đường hẻm... với hơn 200 vị trí đã khảo sát. Việc khảo sát giá này cũng đã có sự tham gia của người dân địa phương.
Về vấn đề tái định cư, TP Thủ Đức đã có các khu tái định cư nằm tại TP Thủ Đức như Long Bửu 2, khu dân cư Cát Lái và đang nghiên cứu thêm một số khu vực gần dự án đường vành đai 2 bố trí tái định cư cho dự án. Qua thống kê sơ bộ, hiện dự án cần khoảng 500 nền đất, 200 căn hộ tái định cư.
Hiện nay, dự án đường vành đai 2 đã được bố trí vốn đầy đủ, người dân bị ảnh hưởng có thể sớm nhận được tiền bồi thường để ổn định cuộc sống. Đối với vấn đề an cư cũng được TP quan tâm, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trường hợp không thuộc thẩm quyền, TP Thủ Đức sẽ kiến nghị để có hướng giải quyết cho người dân.
TP Thủ Đức cam kết công khai, minh bạch, mở một mục riêng trên website của TP Thủ Đức về dự án đường vành đai 2 để người dân cùng nắm. Theo đó, các thông tin theo tiến độ từng mốc dự án, từng mốc thời gian sẽ được cập nhật để người dân có thể theo dõi. Tất cả thông tin sẽ được công khai tại trụ sở phường, qua các nhóm Zalo cho người dân có dự án đi qua theo dõi. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng có địa chỉ tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng để người dân có thắc mắc, trao đổi.
TP Thủ Đức sẽ đưa ra mốc tiến độ từng tuần như cắm ranh đất, thông báo thu hồi đất, giá bồi thường... Nếu xong sớm, có thể khởi công vào năm 2025, hoàn thành dự án đường vành đai 2 vào năm 2026.
(Trích phát biểu của ông Mai Hữu Quyết tại Hội nghị phổ biến kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lấy ý kiến cộng đồng cư dân nơi thực hiện dự án xây dựng đường vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức vào ngày 16-7)
....................................
Ông NGUYỄN PHƯỚC LONG, ngụ phường Phước Long B, TP Thủ Đức:
Mừng vì giá bồi thường sẽ áp dụng theo Luật Đất đai mới
Năm nay, giá bồi thường sắp tới sẽ áp dụng theo Luật Đất đai mới khiến chúng tôi rất mừng. Chúng tôi rất mong giá bồi thường sát giá thị trường để người dân sớm bàn giao mặt bằng. Tôi cũng mong bà con cùng chung tay với chính quyền địa phương sớm bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để dự án đường vành đai 2 sớm được triển khai.
.......................................
Ông HOÀNG ANH TUẤN, ngụ phường Phước Long A, TP Thủ Đức:
Cần sớm công bố chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Gia đình tôi sinh sống ở TP Thủ Đức đã 20 năm và cũng mong dự án sớm hoàn thành. Dự án có vai trò vô cùng quan trọng với TP.HCM nên gia đình tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Trường hợp tôi không nhận tái định cư mà ở gần khu vực đường vành đai 2, Nhà nước có hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý giúp người dân thuận tiện hơn hay không? Hiện nay, người dân rất quan tâm đến giá cả bồi thường dự án đường vành đai 2 sẽ như thế nào, còn người dân sẽ đi tái định cư ở đâu, xa hay gần?
...........................
Ông LÊ VĂN VINH, ngụ đường Nguyễn Văn Bá, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức:
Mong dễ tiếp cận với tái định cư
Tôi đồng ý với chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, tôi băn khoăn giá khu vực tái định cư chênh lệch cao so với giá bồi thường. Hiện nay giá tái định cư và giá bồi thường cũng chưa có, chúng tôi lo tiền bồi thường không đủ để mua. Vì vậy, chúng tôi muốn giá khu vực tái định cư chấp nhận được. Vậy người dân có thể vay ngân hàng mua nền tái định cư được không, rất mong TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án dễ dàng tiếp cận, nhanh chóng bàn giao mặt bằng.
........................
Bà NGUYỄN THỊ LÝ, ngụ phường Trường Thọ, TP Thủ Đức:
Cùng theo dõi, đốc thúc tiến độ đường vành đai 2
Mong chính quyền cập nhật tiến độ liên quan đến dự án đường vành đai 2 nửa tháng một lần để bà con cùng nắm, theo dõi và đôn đốc tiến độ dự án vì đây là tuyến giao thông trọng điểm của TP.HCM. Đối với việc công khai giá bồi thường, khu vực nào ra sao cũng cần sớm được công khai để bà con cùng nắm, tạo sự ủng hộ, đồng tình.•
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-rao-riet-chuan-bi-khep-kin-duong-vanh-dai-2-post802906.html