TP.HCM sẵn sàng đón hàng trăm ngàn học sinh trở lại trường
Từ ngày mai (4-1), học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 tại TP.HCM sẽ chính thức đi học trực tiếp tại trường.
Ngay sau khi UBND TP.HCM có quyết định, học sinh (HS) từ lớp 7 đến lớp 12 tại TP.HCM (HS từ lớp 1 đến lớp 12 tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) sẽ bắt đầu trở lại trường học trực tiếp từ ngày 4-1, nhiều HS đã bày tỏ phấn khởi lẫn nôn nao chờ ngày được tới lớp. Các trường trung học cũng rốt ráo công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón HS trở lại trường.
Trò nôn nao, thầy cô phấn khởi
Để chuẩn bị cho kế hoạch HS toàn trường đi học trở lại, ngay chiều 31-12-2021, HS khối lớp 10 và 11 của Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) rất phấn khởi khi được tập trung đến trường để làm quen các bước phòng chống dịch.
Theo đó, các em tập trung về từng lớp theo hai ca, khối lớp 10 họp trước và lớp 11 sau. Tại đây, các em được thầy cô phổ biến các thông tin, nội quy phòng chống dịch cần thiết, lịch học, hướng dẫn ra vào trường… trước khi đi học chính thức.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường thpt nguyễn du, hồ hởi: “Học trò và thầy cô phấn khởi lắm, chỉ vắng có vài em và đều có phép. Do những ngày gần đây trường cũng theo dõi thông tin liên tục, số phụ huynh đồng tình cho con đi học gần như tuyệt đối nên đã chuẩn bị sẵn sàng hết rồi, nhìn đông học trò đến trường là thấy có không khí trường học liền. Và mừng nhất là ý thức 5K của các em rất tốt, trường cũng thấy tự hào và an tâm hơn”.
Đó cũng là cảm xúc của thầy trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận 5) khi chuẩn bị được đón gần 2.000 HS trở lại trường học trực tiếp.
Hiệu trưởng Hoàng Sơn Hải chia sẻ: “Đông HS khiến trường cũng lo nhưng mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng khi đón HS lớp 12 đi học, từ mua sắm trang thiết bị y tế, tập huấn cho cả đội ngũ trường, chuẩn bị hai phòng cách ly… Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, trường tập huấn online cho tất cả phụ huynh lớp 10 và 11 vào ngày Chủ nhật và tập trung HS trực tiếp vào chiều thứ Hai để bất cứ ai cũng phải nắm chắc quy định phòng chống dịch”.
Còn với HS, ngay khi biết được lịch đi học, em Đinh Ngọc Hà (Trường THPT Phú Nhuận) hào hứng: “Em mong ngày này lắm rồi, cảm thấy như được giải phóng vậy. Dù ba mẹ vẫn còn lo lắng và không muốn em tới trường vì sợ bị lây bệnh nhưng em thấy tụi em đã lớn, đã chích đủ hai mũi rồi nên sẽ an toàn hơn. Giờ em chỉ mong được gặp các bạn, được thầy cô ôn lại kiến thức thật nhiều, học cả ngày cũng được vì thời gian qua tụi em học trực tuyến rất chập chờn nên chưa hiểu sâu bài lắm”.
Ở góc độ là phụ huynh, anh Lê Xuân Thể, phụ huynh có con học lớp 11 Trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức), cũng bày tỏ sự phấn khởi và ủng hộ chủ trương của TP.HCM.
Anh Thể mong con đi học càng sớm càng tốt vì hai năm cuối cấp rất quan trọng nhưng học trực tuyến hiệu quả không như mong muốn. Chưa kể do gia đình không có điều kiện nên con anh phải học qua điện thoại, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe như mắt, thể chất…
“Được đi học mà con tôi mừng hơn được nghỉ tết, đòi đi mua sắm đồ ngay mới chịu. Vợ chồng tôi từ nay cũng yên tâm đi làm vì con được đến trường có thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, tôi mong nhà trường sẽ có phương án tốt nhất để đảm bảo an toàn cho các cháu vì tụi nhỏ rất chủ quan, thiếu nghiêm ngặt là rất nguy hiểm” - anh Thể bày tỏ.
Sẵn sàng các phương án phòng dịch
Để đón một số lượng lớn HS đến trường trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp là áp lực không nhỏ đối với các trường trung học ở TP.HCM. Tuy nhiên, để đảm bảo phòng dịch tốt nhất, mỗi trường đều chủ động có những phương án tổ chức dạy và học phù hợp với điều kiện của trường mình.
Tại Trường THPT Nguyễn Du, mỗi lớp chỉ 30 em nên không thực hiện việc chia lớp. Trường tổ chức giảng dạy theo quy định cấp độ dịch của TP. Tức các em sẽ đi học từ thứ Hai đến thứ Bảy, mỗi ngày 3-4 tiết, tùy khối lớp. Trong đó, lớp 12 sẽ học 24 tiết trực tiếp/tuần, khối 10 và 11 là 18 tiết/tuần, số tiết còn lại sẽ học trực tuyến. Sau mỗi buổi học, trường sẽ tổng vệ sinh các phòng học.
Còn tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận 5), do có đến gần 2.000 HS nên công tác tổ chức dạy và học sẽ áp lực hơn. Cụ thể, theo Hiệu trưởng Hoàng Sơn Hải, trường bố trí bốn cổng ra vào trường để HS đảm bảo giãn cách.Vì mỗi lớp đến 40 HS, các lớp sẽ kê bàn ghế sát ra cả hành lang, sao cho HS vẫn theo dõi tiết học tốt. Trường sẽ bố trí mỗi khối học một buổi khác nhau, với 24 tiết/tuần, tám tiết còn lại học online.
Riêng với các trường ngoài công lập, công tác chuẩn bị và tổ chức dạy học cho HS nội trú lẫn ngoại trú cũng được các trường chuẩn bị kỹ lưỡng.
Như với hệ thống Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh (Chủ tịch Hội đồng quản trị) cho hay hệ thống trường có hơn 2.000 HS sẽ đi học trở lại. Trong đó, có 700-800 em ở nội trú.
Bà Vĩnh cho biết trường đã chuẩn bị đầy đủ phòng ốc để đảm bảo HS nội trú ở 12 em/phòng thay vì 24 em như trước đây. Trường đã chuẩn bị một lượng lớn kit test, hệ thống bồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn, thiết bị y tế… ở trường lẫn khu nội trú.
“Trong ngày đầu đi học, trường sẽ test cho HS và đội ngũ của toàn trường. Sau đó, cứ ba ngày, trường sẽ cho test ngẫu nhiên HS để đảm bảo an toàn. Mỗi khối lớp, trường sẽ gắn camera và ghi âm tại một lớp để đảm bảo HS đi học hay phải ở nhà vẫn theo dõi bài học đầy đủ” - bà Vĩnh nói.•
Cần hỗ trợ khẩn kinh phí phòng chống dịch
>
Sau hơn hai tuần tổ chức dạy học thí điểm cho HS lớp 9 và lớp 12, cũng như chuẩn bị đón thêm bốn khối lớp khác (7, 8, 10 và 11) đi học, nhiều trường trung học ở TP.HCM liên tục kiến nghị TP sớm cấp kinh phí cho các trường để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19. Bởi hiện nay, vì không có kinh phí, các trường gặp nhiều khó khăn khi mua sắm trang thiết bị y tế để phục vụ cho công tác phòng chống dịch trong trường như đồ bảo hộ, bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh COVID-19, dung dịch khử khuẩn…
Một hiệu trưởng THPT dẫn giải chỉ trong hai tuần dạy thí điểm cho khối lớp 12, trường phát hiện có hai F0 nên phải test nhanh cho tất cả HS của hai lớp, chi phí mỗi lần lên vài triệu đồng vì mỗi kit chỉ thực hiện cho hai mẫu, chưa tính nhiều trang thiết bị y tế khác như nhiệt kế, nước rửa tay… Nếu thêm hai khối lớp đi học, chi phí này sẽ rất lớn. Vì trường chưa được phép thu bất kỳ khoản tiền nào từ HS nên trường buộc phải chi tiền của trường hoặc vận động các nguồn bên ngoài.
Trước thực tế này, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đã kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các cơ sở giáo dục. Đồng thời kiến nghị TP cho phép sở phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất cơ chế định biên vị trí việc làm với nhân viên y tế trường học.
Bảo vệ trẻ khi đến trường
. Phóng viên: Thưa bác sĩ , cho trẻ quay lại học có làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19?
+ BS Trương Hữu Khanh: Việc trẻ học online đã quá lâu rồi. Khi người lớn chích ngừa xong hai mũi cũng không thể nào kết thúc dịch bệnh nhanh được, phải có lai rai, thậm chí là khi chích ba mũi cũng vậy thôi.
Xét về khả năng mắc bệnh của trẻ nhỏ phải xét nhiều phương diện:
Thứ nhất, trẻ ở nhà vẫn có thể mắc bệnh. Sau khi người lớn hòa nhập xong cũng có thể mang virus về nhà lây cho trẻ. Thứ hai, trẻ không đi học nhưng đi chơi với hàng xóm cũng có thể bị bệnh. Trẻ không đi học nhưng trẻ có quyền đi ở các quán ăn, vui chơi ở mức độ nào đó thì vẫn mắc bệnh.
Vì vậy, nếu trẻ đến trường mà trường an toàn thì cũng giống như ở nhà. Thậm chí, nếu trường đảm bảo an toàn thì nó còn an toàn hơn là hàng xóm, quán ăn, chỗ vui chơi. Khi trẻ đi học thì không bao giờ chúng ta không có trẻ bị F0, mà phải làm sao để trẻ ít khả năng lây cho những trẻ khác. Và tất cả chúng ta phải đảm bảo trẻ an toàn từ nhà đi đến trường thì trẻ vẫn hòa nhập bình thường. Hiện nay, trẻ nhỏ không chỉ học văn hóa mà cần phải học những cảm xúc của cô giáo, bạn bè vì yếu tố cảm xúc đó rất quan trọng với sự phát triển của trẻ.
. Trẻ bị nhiễm bệnh có những biểu hiện gì và nguy cơ chuyển nặng như thếnào, thưa bác sĩ?
+ Điều rất may mắn, ngay cả thông tin mới nhất về chủng Omicron thì trẻ mắc bệnh đa số là nhẹ. Cũng có một số trẻ bị bệnh nặng nhưng đó là những trẻ thuộc nhóm bệnh gì cũng nặng: Trẻ quá dư cân, chỉ số BMI trên 30; trẻ có bệnh nền nặng như đa dị tật tim bẩm sinh mà không mổ được, những bệnh lý suy giảm miễn dịch nặng.
Cho tới hiện nay, trẻ bị rất nhẹ. Dấu hiệu triệu chứng của trẻ cũng giống với một vi hô hấp khác và nó lướt nhanh hơn nhiều lắm, khoảng chừng 3-5-7 ngày là sẽ tự lướt qua. Rất ít trẻ có dấu hiệu sốt cao, ho nhiều, cũng là những bệnh lý hô hấp vặt vãnh mà thôi, tương đương vậy thôi.
. Giải pháp nào để trẻ quay lại trường học và sống chung an toàn với dịch COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác?
+ Nếu trong nhà trẻ an toàn, trong trường trẻ an toàn, trẻ chỉ đi từ nhà tới trường và từ trường về nhà thì trẻ đó an toàn. Khi đi học trở lại, quan trọng nhất là có một trẻ nóng, ho, sổ mũi, phụ huynh nên để trẻ ở nhà. Không riêng gì COVID-19 mà tất cả bệnh khác cũng vậy. Ở nhà để xem trẻ thuộc nhóm bệnh gì, giảm lây lan vào bệnh viện.
Đi đến trường, bước ra khỏi nhà phải rửa tay, đến trường phải rửa tay, từ trường về nhà phải rửa tay. Hạn chế ghé những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh: Quán ăn quá đông đúc. Khi trở về dặn trẻ đừng đi lung tung, thường xuyên rửa tay. Ngay trong trường cũng tổ chức cho trẻ thành cụm nhỏ, trong lớp hoặc chỉ 5-7 em chơi với nhau, không lớp này đến lớp khác để tránh phải điều tra nhiều khi có F0.
Đặc biệt trường phải an toàn, không có người lạ đi vào, giáo viên đều phải chích ngừa, giáo viên cần biết rằng nếu mình mắc bệnh có thể lây cho các con tự bảo vệ mình. Đặc biệt là khi trẻ đi học, người nhà cũng có thể là nguồn lây từ bên ngoài về, phải chặt chẽ 5K nhất có thể. Có những người lớn chưa chích ngừa đủ, khi trẻ đi học phải chích ngừa đủ. Đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ như bệnh nền, người lớn tuổi. Nếu như trẻ chỉ sống với cha mẹ, nếu có ông bà, cô, bác lớn tuổi thì hạn chế đi thăm những người đó khi trẻ đi học trực tiếp.
. Xin cám ơn bác sĩ.