Tp.HCM sáp nhập 80 phường, kỳ vọng thuận lợi cho người dân
Việc thay đổi hành chính đối với đô thị lớn như Tp.HCM là vấn đề xáo trộn không nhỏ cho cả người dân lẫn chính quyền.
Nằm bắt nguyện vọng từ người dân
Đầu tháng 1/2024, UBND Tp.HCM đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo phương án Tp.HCM trình Bộ Nội vụ, địa phương sẽ sắp xếp 80 phường thuộc địa giới của 10 quận giai đoạn 2023-2030.
Anh Vũ Minh Tuấn, 32 tuổi, ngụ quận 8 cho hay, đối với việc sáp nhập các phường ở quận 8, có thể thấy nhiều tên địa danh vốn là tên phường cũ chuẩn bị được khôi phục. Đó là Hưng Phú (phường 8-9-10) và Xóm Củi (phường 11-12-13). Địa danh Rạch Ông cũng phù hợp với vị trí địa lý của khu vực cầu chữ Y (gần Rạch Ông Lớn, với cầu Rạch Ông nối qua quận 7).
Vì thế, anh Tuấn và nhiều người dân quận 8, Tp.HCM hoan nghênh chính quyền thành phố đã có cách nhìn hết sức thiết thực và đề nghị “xem xét nghiên cứu để phục hồi lại các tên địa danh quen thuộc khác như: Chợ Quán, Bình Đông, Mễ Cốc, Chợ Quán, Bình Tây,… để tránh tình trạng đan xen các phường tên số như hiện nay”.
Trong khi đó, nhiều người dân tại quận Bình Thạnh chung câu hỏi về việc có phải đi sửa đổi giấy tờ hay không. Bà Lý Lê, ngụ phường 19, quận Bình Thạnh lo ngại, sát nhập để “giảm bộ máy cồng kềnh nhưng về phía người dân thì sẽ tốn thời gian làm thủ tục hành chính”.
Một số thủ tục vẫn phải lên UBND phường, Công an phường để thực hiện nên “cán bộ nên áp dụng công nghệ thì mới giảm áp lực cho bộ máy hành chính và người dân”.
“Tôi là người dân chỉ mong là giảm chi phí thấp nhất đồng thời đạt hiệu suất cao nhất trong sử dụng tiền ngân sách nhà nước. Rồi giải pháp như thế nào để không ảnh hưởng đến việc thay đổi và chi phí thay đổi thông tin hành chính nhiều hộ dân”, bà Lê ý kiến.
Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM công bố cuối năm 2023 cho biết, qua nắm bắt thông tin, người dân Tp.HCM mong muốn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023-2025 sẽ được chính quyền các cấp thực hiện theo kế hoạch với phương án hợp lý, khoa học. Các cử tri mong muốn, việc sắp xếp này đi cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt trong việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng cần sự đánh giá toàn diện, đồng bộ về điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa và sự phát triển chung của toàn Tp.HCM.
Theo UBND Tp.HCM, sau khi sắp xếp từ 80 phường thuộc 10 quận sẽ hình thành 38 phường mới, giảm 39 phường. Trong đó, đa số nhập từ hai phường thành một phường mới, có 7 trường hợp thành ba phường hoặc một phần phường cũ hình thành phường mới. Có 9 phường phải điều chỉnh ranh giới.
Các phường mới đều đạt quy chuẩn về quy mô dân số, có 12/38 phường mới có quy mô dân số trên 45.000 người, đạt trên 300% so với tiêu chuẩn nhưng diện tích sau sắp xếp vẫn không đạt so với quy định.
Từng bước vượt khó vì thuận lợi chung
Các chuyên gia khẳng định, không thể tránh khỏi nhiều vướng mắc sau khi Tp.HCM sáp nhập 80 phường. Tuy nhiên, các khó khăn chỉ diễn ra thời gian đầu và sẽ ổn định sau vài tháng đến một năm.
Liên quan đến vấn đề này, TS.Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tp.HCM cho hay, việc sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận ở TPHCM là một bước đi quan trọng trong việc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của Tp.HCM.
Đây cũng là một cơ hội để các quận, phường được sáp nhập có thể tận dụng tốt hơn các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo sự đồng bộ, liên kết và phát huy vai trò của mình trong quá trình xây dựng và phát triển Tp.HCM.
Mặt khác, công tác này cũng là một cách để thể hiện sự quan tâm, tôn trọng và đảm bảo các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và của công dân, tổ chức trên địa bàn các đơn vị hành chính được sắp xếp. Tuy vậy, việc sáp nhập cũng cần được xem xét để tiếp tục hoàn thiện.
"Việc sáp nhập sẽ gây ra sự thay đổi về địa giới, tên gọi, biểu tượng, lịch sử, văn hóa, truyền thống của các đơn vị hành chính được sáp nhập, ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, niềm tự hào của người dân. Có khả năng gây ra sự bất đồng, mâu thuẫn, tranh chấp về các vấn đề liên quan đến tài sản, đất đai, cơ sở vật chất, nhân sự, biên chế, chế độ, chính sách của các đơn vị hành chính được sáp nhập. Vì vậy, cần phải thực hiện một cách khéo léo, phù hợp với tình hình của từng địa phương và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân", ông Thắng chia sẻ.
Còn TS.Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc sắp xếp lại địa phương trước hết sẽ thay đổi địa chỉ nhà cửa trên các loại giấy tờ.
Việc đi đổi thông tin trên giấy tờ tùy thân không phải vấn đề quá khó nhưng khi thay đổi thêm các giấy tờ thủ tục mua bán chứng từ trước đây (sang nhượng, thừa kế, giao dịch tài sản nhà cửa, tài sản, xe cộ…), khi giao dịch sẽ phát sinh vấn đề phức tạp cho người dân.
Do đó, việc sáp nhập phường sẽ trở thành khó khăn kép, vì bao gồm cả quy mô các tổ dân phố, khu phố và chắc chắn gây xáo trộn ban đầu cho người dân lẫn chính quyền.
Tuy nhiên, đây là sự sắp xếp mang lại lợi ích cho thành phố, do vậy những khó khăn nói trên phải vượt qua. Còn cách vượt qua như thế nào cần phải đi vào triển khai thực tế mới đánh giá được tính hiệu quả và tính phức tạp.
"Hiện tại chúng ta không thể võ đoán thuận lợi không có hay khó khăn không xử lý được. Chúng ta chưa thể chỉ ra giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn. Cần xác định được những nguyên nhân gây ra khó khăn có thể xảy ra với người dân và chính quyền mới tìm cách giải quyết từng việc. Tùy tình hình thực tế, tùy vào năng lực cán bộ, cơ sở, nơi làm tốt sẽ nhanh, nơi yếu kém sẽ bị chậm", ông Nguyên nhìn nhận.
Chuyên gia này dẫn chứng, trước đây Tp.HCM sáp nhập 3 quận, huyện thành Tp.Thủ Đức có quy mô lớn hơn cũng mất một khoảng thời gian nhưng rồi ổn định dần.