TP.HCM sắp ra mắt nền tảng 'Lắng nghe mạng xã hội' để biết vấn đề dân đang quan tâm

Dự kiến trong tháng 12 này, TP.HCM sẽ công bố nền tảng Lắng nghe mạng xã hội, để từng quận, huyện biết người dân đang quan tâm đến vấn đề gì.

Sáng 7-12, kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, đã tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.

Trước đó tại phiên thảo luận tổ chiều 6-12, đại biểu HĐND TP cho rằng việc chuyển đổi số hiện nay chưa đạt yêu cầu đề ra; có xu hướng nghiêng về tin học hóa, chưa thực sự là chuyển đổi số.

Do đó, TP cần tập trung xây dựng các nền tảng, hệ thống dữ liệu dùng chung, chuyển đổi dữ liệu, liên thông dữ liệu giữa các sở ngành, quận huyện.

 Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng trao đổi tại hội trường. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng trao đổi tại hội trường. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trao đổi với các đại biểu về công tác chuyển đổi số tại TP, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng, cho biết những năm vừa qua cách thức triển khai công nghệ thông tin của TP.HCM đã có nhiều sự thay đổi.

Chẳng hạn như chuyển mua sắm đầu tư hệ thống riêng lẻ sang tập trung xây dựng nền tảng số mang tính quy mô, thống nhất trên toàn TP.

Ông Thắng thông tin hiện TP.HCM đang vận hành 14 nền tảng số. Trong năm 2023, TP tập trung xây dựng các nền tảng như Tổng đài 1022, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, nền tảng bản đồ số, hệ thống đánh giá chuyển đổi số cấp TP... Việc triển khai các nền tảng này đã giúp TP triển khai nhanh, đồng bộ hơn, tránh trùng lắp trong vấn đề đầu tư.

Đáng chú ý, trong tháng 12 này, TP.HCM sẽ công bố nền tảng mới là Lắng nghe mạng xã hội (Social Listening), dùng trí tuệ nhân tạo, dùng chung cho toàn bộ TP.

“Như vậy từng quận, huyện sẽ biết người dân quan tâm đến lĩnh vực của mình hàng tuần gồm vấn đề gì. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi hôm nay, tuần này 10 vấn đề người dân quan tâm đến TP.HCM là gì?” – ông Thắng thông tin.

Giám đốc Sở TT&TT TP cho biết TP.HCM sẽ chuyển từ đầu tư hạ tầng, nền tảng dùng riêng sang vận hành thống nhất trên nền tảng đám mây dùng chung. Việc này giúp tiết kiệm, đầu tư hiệu quả, chia sẻ hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin cho toàn TP.

Ở nội dung này, TP sẽ chuyển từ xây dựng sang thuê dịch vụ, giúp giảm các thủ tục đầu tư và giảm rủi ro đầu tư dự án, giải quyết khó khăn về nhân sự.

TP.HCM cũng sẽ chuyển từ tin học hóa những quy trình hiện có thành kiến tạo những quy trình mới theo phương thức chuyển đổi số nhằm cắt giảm quy trình thủ tục, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Lâm Đình Thắng nhìn nhận trong ba năm gần đây, TP.HCM giữ vị trí nằm trong năm tỉnh, thành đứng đầu cả nước về chuyển đổi số, cổng dịch vụ công xếp 4/63 tỉnh thành, vừa qua UBND TP.HCM cũng được trao giải chính quyền số xuất sắc năm 2023... nhưng với thực tiễn và yêu cầu mong muốn thì còn hạn chế.

Ông Thắng đã điểm năm khó khăn, thách thức về chuyển đổi số của TP.HCM trong thời gian tới.

Theo ông, chuyển đổi số là quá trình đòi hỏi thời gian, sự đầu tư về công nghệ, kiến tạo thể chế, quy trình về mặt nghiệp vụ, chuyên môn. Vì vậy, ông khẳng định cần có lộ trình thực hiện.

Hiện nay những hệ thống thông tin TP.HCM đầu tư trước đây thì nay đã cũ. TP gặp khó trong việc chuẩn hóa và tích hợp những hệ thống này vào hệ thống mới. Mặt khác, việc chuyển đổi số còn khó khăn do nhiều người dân, cán bộ chưa có thói quen hoạt động trên môi trường số, như chữ ký số, văn bản số, giấy phép số...

 Các đại biểu trao đổi tại phiên họp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các đại biểu trao đổi tại phiên họp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Về chủ đề năm 2024 "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội”, Giám đốc Lâm Đình Thắng nhấn mạnh đây là lựa chọn đúng đắn để hiện đại hóa nhanh nền hành chính, giúp phục vụ tốt hơn cho các hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh TP.HCM hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện việc này.

Trong năm 2024, ông kiến nghị TP cần đầu tư cơ sở hạ tầng từ TP đến phường, xã. Tập trung cho cơ sở dữ liệu số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; kết nối được hệ thống chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương để khai thác cho TP. Kiên trì đầu tư ứng dụng mang tính chất nền tảng, không để ứng dụng rời rạc, riêng lẻ.

“Năm 2024, TP.HCM sẽ hoàn thành hai hệ thống quan trọng là hệ thống thông tin quản lý đất đai và giấy phép xây dựng” – ông Thắng nói và cho biết TP dự kiến thành lập trung tâm chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thuê dịch vụ để có nguồn nhân lực bảo trì, bảo dưỡng.

Sở TT&TT cũng tham mưu lãnh đạo TP quản trị trên các nền tảng số để việc vận hành công việc ngày càng hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số làm thay đổi hành vi tiêu dùng

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nhìn nhận việc chuyển đổi số không chỉ thực hiện ở khu vực công mà cần tập trung ở cả khu vực tư nhân và toàn bộ nền kinh tế - xã hội.

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nêu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo đại biểu Quân, trong thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần làm đậm nét vai trò của khu vực tư nhân và có chính sách cụ thể về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tư.

Đại biểu Quân nhìn nhận chuyển đổi số không chỉ tác động tích cực đến đời sống mà còn có tác động tiêu cực. Ông dẫn chứng sự ra đời của xe công nghệ đã phát sinh các vấn đề về quản lý, sức khỏe, an toàn lao động.

“Chuyển đổi số đã làm ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng như nhiều mặt bằng đóng cửa, ảnh hưởng đến chỉ tiêu kinh tế TP” – đại biểu Quân nói và nhìn nhận dịch COVID-19 cũng là nhân tố thúc đẩy chuyển đổi số và thay đổi hành vi tiêu dùng trong dịch vụ.

Ông đề nghị có đánh giá và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân TP.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-sap-ra-mat-nen-tang-lang-nghe-mang-xa-hoi-de-biet-van-de-dan-dang-quan-tam-post765459.html