TP.HCM sắp trình 5 dự án BOT trên đường hiện hữu

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024, Sở Giao thông vận tải đã báo cáo về tiến độ 5 dự án BOT trên đường hiện hữu được TP.HCM triển khai theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã tập trung đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án BOT trên đường bộ hiện hữu. 5 dự án này được áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) theo Nghị quyết 98, dự kiến hoàn thành và trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương trong quý III-2024.

Quốc lộ 13 TP.HCM là 1 trong 5 dự án được chọn làm trước theo hình thức BOT. (Ảnh: Đ.T)

Quốc lộ 13 TP.HCM là 1 trong 5 dự án được chọn làm trước theo hình thức BOT. (Ảnh: Đ.T)

Năm dự án đó là: Mở rộng các Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, trục Bắc - Nam và cầu đường Bình Tiên. Các dự án này sẽ được đưa vào nghiên cứu thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng.

TP.HCM cũng tăng cường công tác kết nối vùng, phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ.

Đồng thời, Sở GTVT TP.HCM tiếp tục chủ động phối hợp với Sở GTVT các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An, tham mưu UBND Thành phố trong việc triển khai các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM, đảm bảo yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ; phối hợp trong triển khai đầu tư đường Vành đai 4.

Nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc trong vùng như mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Trung Lương; đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; phối hợp Bộ GTVT trong quá trình xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành…

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tham mưu nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 đến Đồng Nai, Bình Dương; phối hợp quản lý, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến vận tải hành khách TP.HCM - Vũng Tàu…

Sở GTVT cũng tham mưu UBND Thành phố về phương án đầu tư, khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển từ huyện Cần Giờ - TP.HCM đi Vàm Láng huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại (phà Cần Giờ - Vàm Láng).

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách đô thị. (Ảnh: T.N)

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách đô thị. (Ảnh: T.N)

Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả thực hiện nhiệm vụ của Sở GTVT trong 6 tháng đầu năm 2024 và thống nhất các đề xuất, kiến nghị của Sở GTVT.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM giao các sở, ngành có liên quan và các địa phương khẩn trương tham mưu UBND Thành phố giải quyết nội dung kiến nghị của Sở GTVT.

Năm dự án mở rộng gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên. Dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng.

Dự án mở rộng trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km cũng sẽ được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe. Tổng mức đầu vốn gần 4.500 tỷ đồng.

Dự án Quốc lộ 1, (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km cũng có tình cảnh tương tự. Hiện nay, Sở GTVT đã đề xuất mở rộng tuyến đường này lên 40 m. Tổng vốn khoảng 12.900 tỷ đồng.

Dự án mở rộng Quốc lộ 13 dài khoảng 5 km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng để mở rộng tuyến đường Quốc lộ 13 lên 53-60 m. Dự kiến tổng chi phí bồi thường, GPMB khoảng 9.000 tỷ đồng.

Dự án Quốc lộ 22 thường xuyên bị ùn ứ cũng được TP.HCM ưu tiên mở rộng trong thời gian tới. Dự án mở rộng Quốc lộ 22 (đoạn từ ngã tư An Sương đến đường vành đai 3) có chiều dài hơn 9 km sẽ mở rộng lên gần 40 m. Tổng mức đầu tư 3.609 tỷ đồng.

Dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,2 km nối trung tâm thành phố về huyện Bình Chánh có tổng vốn đầu tư là 6.218 tỷ đồng.

Minh Đức

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tp-hcm-sap-trinh-5-du-an-bot-tren-duong-hien-huu-439120.html