TP.HCM sẽ chuyển trạng thái, 'sống chung' với Covid-19?

Dịch Covid-19 không thể tiêu diệt trong thời gian ngắn nên chiến lược 'zero F0' không còn phù hợp mà cần phải chuẩn bị cho tinh thần 'sống chung' với dịch.

Trong buổi làm việc của Tổ công tác đặc biệt Chính phủ với TP.HCM về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều ngày 16/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành không thể theo đuổi chiến lược "zero F0", do vậy các địa phương phải sẵn sàng tinh thần "sống chung" với dịch.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2021, trong chuyến thị sát về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đặt ra vấn đề, chúng ta phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Thủ tướng nhấn mạnh chiến lược: "Phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên".

TP.HCM cần chuyển trạng thái chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Thực tế cũng cho thấy, trong thời gian tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống Covid-19 để từ đó dần mở cửa lại nền kinh tế.

Tuy nhiên, đóng cửa, phong tỏa chỉ hợp lý khi chặn nguồn lây Covid-19 từ bên ngoài. Còn khi dịch ngấm sâu, lan rộng thì việc chạy theo chặn nguồn lây là việc “tưởng đúng mà lại sai”, vì càng làm, càng truy càng ra F0.

Chính vì thế, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng (Đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng, chiến lược cũ của TP.HCM không còn phù hợp với tình hình mới. Ông cho rằng, TP.HCM cần chuyển chiến lược với Covid-19 từ “đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng” sang “đánh chắc, thắng chắc”.

Đồng thời, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng đặt ra vấn đề TP.HCM phải “sống chung” với Covid-19, bởi nếu quét sạch Covid-19 lần này cũng không đảm bảo Covid-19 sẽ không đến một lần nữa.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng góp ý công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM. (Ảnh SGGP)

“Chúng ta có thể tiêu diệt Covid-19, nhưng không thể tiêu diệt trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong những năm tới cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc”, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng nói.

Quan điểm của ông Dũng là ngành y tế TP.HCM không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, tiếp tục truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển thành xét nghiệm những đối tượng nguy cơ cao, có triệu chứng.

Theo ông, xét về tổng thể, TP.HCM cần xác định “sống chung” và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. “Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều. Nếu tiêm chủng đủ, nên mạnh dạn trong mở cửa.

Nếu có trường hợp dương tính tại một số doanh nghiệp thì đương nhiên phải cách ly nhưng các trường hợp còn lại có thể chỉ cần xét nghiệm để xác định ca mắc, có biện pháp xử lý phù hợp, thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động cả doanh nghiệp”, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng đề nghị.

Đồng quan điểm, GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, chỉ cần xét nghiệm những người có biểu hiện nhiễm Covid-19 chứ không nên xét nghiệm theo diện rộng như hiện nay.

Một vấn đề đặt ra, khi TP.HCM nới lỏng giãn cách thì có thể F0 sẽ tăng trong thời gian tới. Bàn về giải pháp cho tình huống này, GS Trần Diệp Tuấn đề nghị, ngay từ bây giờ Thành phố cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế.

Bên cạnh đó, ông Tuấn bày tỏ TP.HCM cần sớm bao phủ vaccine cho người dân và buộc người dân phải đảm bảo tuân thủ 5K mà Bộ Y tế đã đề ra.

Nguyễn Thật

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-se-chuyen-trang-thai-song-chung-voi-covid-19-59527.html