TP.HCM sẽ công bố chỉ thị mới trước ngày 1/10

'Dự kiến, chỉ thị này sẽ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/10. Tất cả sự chuẩn bị sẽ tùy thuộc vào hướng dẫn của Bộ Y tế', ông Phạm Đức Hải nói.

Tại cuộc họp báo chiều 26/9, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết TP.HCM vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.

Lý giải quyết định này, ông Hải cho biết theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch tại TP.HCM như địa lý, dân số...

"Do đó, Chủ tịch UBND TP có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng phù hợp hơn với tình hình và điều kiện tại TP.HCM", ông Hải cho biết.

"Thành phố đang chuẩn bị một chỉ thị mới"

Liên quan công văn 3165 của UBND TP về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng để mở cửa nền kinh tế sau 1/10, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết theo văn bản gửi Thủ tướng, thành phố có 2 đề nghị. Một là cho phép thành phố áp dụng quy định riêng để thực hiện quyết định của Thủ tướng để mở cửa nền kinh tế; thứ 2 là quan tâm ưu tiên vaccine và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

“Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, có một số điểm chưa phù hợp với tình hình chống dịch thực tiễn ở TP.HCM cũng như một số đặc thù của thành phố”, ông Hải nói và cho biết đó là lý do Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép thành phố có quy định riêng áp dụng cho tình hình mới.

Trả lời câu hỏi của Zing về việc thành phố mong muốn có cơ chế riêng để mở cửa nền kinh tế có phải là cơ chế riêng về tiêu chí đầu tiên trong 5 tiêu chí mà Bộ Y tế đặt ra, ông Hải cho biết thành phố đang chuẩn bị một chỉ thị mới.

“Dự kiến, chỉ thị này sẽ được ban hành và có hiệu lực từ 1/10. Tất cả sự chuẩn bị sẽ tùy thuộc vào hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành phố chưa thể nói bất cứ điều gì khi hướng dẫn vẫn còn là dự thảo. Khi nào bắt đầu ký, thành phố sẽ họp báo triển khai chỉ thị trước 0h, ngày 1/10”, ông Hải nhấn mạnh.

Hơn 51.000 shipper tự xét nghiệm

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết sau 3 ngày triển khai doanh nghiệp tự xét nghiệm cho shipper, Sở thấy 33 trong số 34 doanh nghiệp thực hiện hiệu quả. Các đơn vị đã tổ chức có kế hoạch cụ thể, có sự phân công nhân sự phát kit test mẫu gộp 3 (đủ 3 shipper mới nhận kit). Điểm phát cũng được phân công người theo dõi, kiểm tra.

"Trên 60.000 kit test được phát cho các doanh nghiệp, đã có hơn 51.000 shipper thực hiện test, không còn tình trạng quá tải, tập trung đông người. Đây là chủ trương đúng đắn và cho thấy việc thực hiện rất tốt”, ông Phương nhận xét.

Việc vận chuyển hàng hóa thời gian qua được cải thiện rất nhiều. Đội ngũ shipper đăng ký hoạt động tăng đột biến dẫn đến quá tải. Do đó, các sở ngành tính toán để doanh nghiệp chủ động cho shipper tự xét nghiệm. Từ đó, nâng cao trách nhiệm từng cá nhân trong phòng, chống dịch.

TP.HCM lên lộ trình tháo gỡ rào chắn sau 1/10

Tại họp báo, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, thông tin về kế hoạch tháo gỡ rào chắn tại TP.HCM.

Ông Bằng cho biết hiện, thành phố đang dự thảo chỉ thị về các giải pháp sau 1/10, trong đó có các lộ trình tháo gỡ rào chắn sau 1/10. Ông Bằng khẳng định vấn đề này mới chỉ đang dự thảo. Cùng với đó, Sở GTVT cũng đang tham mưu thành phố về tổ chức giao thông trong thành phố và giao thông liên vùng sau 1/10.

Các giải pháp đang được dự thảo và nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, ông Bằng lưu ý vấn đề lưu thông liên vùng cần có ý kiến của các địa phương.

 Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

"TP đã qua đỉnh điểm của dịch"

Tại họp báo, Zing đặt câu hỏi cho Sở Y tế về việc đánh giá tình hình dịch của TP.HCM dựa trên 5 chỉ số trong dự thảo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" mà Bộ Y tế vừa công bố. Bên cạnh đó, trong kế hoạch thu hẹp, trả lại công năng một số cơ sở điều trị Covid-19, ngành y tế có dự định giải thể các bệnh viện dã chiến được lập ở các chung cư chưa sử dụng.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết vừa qua, thành phố đã triển khai 22 đoàn kiểm tra đánh giá từng quận, huyện, phường, xã. Qua đó, thành phố sẽ có tổng kết nên quá sớm để đánh giá thành phố đang mức độ nào. Hiện, hướng dẫn của Bộ Y tế mới chỉ tạm thời nên các đơn vị đang rà soát từng chỉ tiêu để có kế hoạch thực hiện.

Về số giường ICU, bà Mai cho biết giường ICU được hiểu là giường có hệ thống máy thở và các thiết bị y tế hiện đại. "Hiện, thành phố có 3.286 giường ICU. Như vậy, số giường này đảm bảo đủ tốt cho người dân", bà Mai nói.

Về kế hoạch thu hẹp bệnh viện dã chiến để trả lại công năng, với các bệnh viện dã chiến thu dung đang sử dụng chung cư tái định cư thì kế hoạch thế nào. Bà Mai cho biết quan điểm phòng, chống dịch của ngành y tế trước sau như một là tăng cường bảo vệ sức khỏe người dân, hiện nay, bảo vệ tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Căn cứ đó, sở sẽ có kế hoạch thu hẹp các bệnh viện dã chiến theo lộ trình phù hợp.

"Hiện, TP đã qua đỉnh điểm của dịch cũng như việc chống dịch đang ở mức độ có hiệu quả rất tốt", bà Mai cho hay.

Về kế hoạch thu hẹp bệnh viện, trước tiên, bệnh viện ở vùng xanh từ nay đến cuối tháng 9 sẽ trả lại công năng để tham gia điều trị bệnh nhân không phải Covid-19, cụ thể là Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện đa khoa Củ Chi. Về bệnh viện dã chiến thu dung thì khi các bệnh viện đã hoàn thành sứ mệnh, tức khi không còn bệnh nhân, thì cơ sở đó sẽ thu hẹp lại. Theo lịch trình, các bệnh viện dã chiến thu dung tại khu vực quận, huyện, TP sẽ dần thu hẹp từ nay đến hết 2021 để trả lại trường học cho có các cơ sở giáo dục.

Về cơ sở dã chiến thu dung, ngành y tế sẽ cơ cấu lại mô hình điều trị 3 tầng trong một bệnh viện dã chiến và sẽ giữ lại các bệnh viện có gắn kết với trung tâm hồi sức, gồm Bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16. "Đó là các bệnh viện dã chiến sẽ giữ lại. Còn các bệnh viện dã chiến khác, quá trình thu hẹp sẽ tùy theo việc hoàn thành sứ mệnh của bệnh viện đó", bà Mai nói.

Tỷ lệ dương tính toàn thành phố giảm 0,2%

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết từ 22/9, thành phố bước vào đợt cao điểm xét nghiệm. Trong đó vùng đỏ, cam xét nghiệm 2 ngày/lần tất cả người dân. Vùng vàng và xanh xét nghiệm 4 ngày/lần cho đại diện hộ gia đình.

Trong 4 ngày, ngành y tế đã lấy mẫu 2 đợt ở cả 4 vùng. Tỷ lệ dương tính liên tục giảm qua từng đợt là tín hiệu đáng mừng.

Từ 22/9 đến 25/9, tỷ lệ dương tính trên toàn thành phố giảm từ 0,4% xuống 0,2%. Cụ thể, tỷ lệ dương tính các vùng đã giảm như sau:

- Vùng xanh giảm từ 0,2% xuống 0,1%

- Vùng cận xanh giảm từ 0,3% xuống 0,2%

- Vùng vàng có tỷ lệ dương tính không đổi là 0,2%

- Vùng cam có tỷ lệ dương tính giảm từ 0,6% xuống 0,3%

- Vùng đỏ giảm từ 0,7% xuống 0,4%

 Bệnh viện dã chiến số 16. Ảnh: Chí Hùng.

Bệnh viện dã chiến số 16. Ảnh: Chí Hùng.

TP.HCM khởi công trở lại công trình cải tạo Bến Bạch Đằng

Về việc chỉnh trang đô thị, trùng tu công viên như thế nào trong thời gian tới, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết ngày 11/5, lãnh đạo TP có ghi nhận tiến độ chỉnh trang công viên Bạch Đằng, giai đoạn 1 đã hoàn thành. TP giao Sở Xây dựng phân công người làm Trưởng ban chỉ đạo thi công cải tạo chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng.

Thành phố đồng thời giao UBND quận 1 báo cáo đề xuất chỉnh trang công trường Mê Linh vào tháng 5. Ông cho biết trong nhiều năm qua, tại đền Đức Thánh Trần đều tổ chức lễ và có đông đảo người dân đến tham dự. Do thời gian gần đây, đền bị hư hỏng nên đã được trùng tu. Trong quá trình trùng tu do dịch Covid-19 nên tạm dừng. Năm nay, đền không tổ chức lễ.

Để thực hiện chỉ đạo của UBND TP, UBND quận 1 có văn bản (ngày 28/6) về việc công tác tu sửa tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo và chỉnh trang công viên Mê Linh. Theo ông Hải, thời điểm UBND quận 1 có văn bản gửi UBND TP là cao điểm phòng chống dịch. Do đó, việc chỉnh trang và chuẩn bị phương án trùng tu phải dừng lại.

"Dự kiến, 30/9, thành phố cho khởi công cải tạo tiếp công viên bến Bạch Đằng. Cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 sẽ công bố thiết kế việc tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo và cải tạo, kiểm tra công viên”, ông Hải nói và cho biết sau khi công bố phương án thiết kế, thành phố trân trọng đề nghị mọi người dân tham gia góp ý về màu sắc, thiết kế…

Số bệnh nhân nặng đang thở máy ngày càng giảm

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, trong ngày 25/9, TP.HCM có 3.512 bệnh nhân nhập viện, 3.495 bệnh nhân xuất viện, 131 trường hợp tử vong trong ngày. Số bệnh nhân nặng đang thở máy ngày càng giảm, đến 25/9 là 1.918 trường hợp.

Từ 18h ngày 24/9 đến 18h ngày 25/9, TP.HCM đã lấy 1.029.604 mẫu xét nghiệm, trong đó có 5.578 mẫu đơn và 44 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1.024.025 mẫu.

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 25/9 là 9.441.815. Trong ngày 24/9, ngành y tế đã tiêm 242.022 mũi vaccine. Tổng số mũi 1 là 6.814.687, mũi 2 là 2.627.128, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.107.266

Từ 0h ngày 16/9, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến hết 30/9, nới lỏng một số hoạt động.

Shipper được chạy liên quận/huyện/TP từ 6h đến 21h hàng ngày. Bên cạnh đó, lực lượng giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng được hoạt động nội quận, huyện và TP Thủ Đức.

TP.HCM tiếp tục mở rộng một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h. Điều kiện hoạt động của nhóm này là người lao động tại nơi làm việc phải tiêm ít nhất một mũi vaccine và xét nghiệm 5 ngày/lần.

Thu Hằng - Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-se-cong-bo-chi-thi-moi-truoc-ngay-110-post1266461.html