TP.HCM sẽ đình chỉ hoạt động các Trung tâm Anh ngữ Apax Leader
Liên quan đến vụ việc Trung tâm Anh ngữ Apax Leader nợ tiền các phụ huynh, chiều 13.4, ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết sắp tới sẽ tiến hành đình chỉ hoạt động các trung tâm này.
Theo ông Hồ Tấn Minh, đến thời điểm này, trên địa bàn TP.HCM có 41 Trung tâm Anh ngữ Apax Leader được cấp phép thành lập và hoạt động giáo dục, nhưng hiện chỉ còn có 1 trung tâm đang hoạt động (Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders – Chi nhánh 5: số 31 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận).
Hiện có 1.717 phụ huynh có đơn yêu cầu Trung tâm Anh ngữ Apax Leader hoàn trả học phí.
Ông Minh cho biết, hiện Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) và Phòng cảnh sát kinh tế (PC03), Công an TP đã yêu cầu cung cấp hồ sơ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi hồ sơ liên quan đến trung tâm Anh ngữ Apax Leaders và chờ kết quả xử lý của công an.
“Đây là là trường hợp khác đặc biệt, trung tâm quy mô lớn, học viên đông và số tiền trung tâm còn nợ nhiều, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các cơ quan để xử lý’, ông Minh nói.
Đối với việc thanh tra Trung tâm Anh ngữ Apax Leader, ông Minh cho biết, ngày 15.2.2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh tra đột xuất 5 trung tâm và phát hiện có 1 trung tâm đang hoạt động, đó là Chi nhánh 5 - số 31 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận
“Sở sẽ có quyết định đình chỉ đối với các trung tâm không đủ điều kiện theo quy định của việc cấp phép. Sắp tới, chúng tôi tham mưu các quyết định đình chỉ hoạt động các Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders”, ông Minh cho biết.
Đề cập đến các khoản thu theo thỏa thuận về học 2 buổi, bán trú, Anh Văn bản ngữ các các trường hiện nay, ông Minh cho biết, đối với khoản thu thỏa thuận các đơn vị tổ chức thu và quy định nội dung chi phải được thống nhất đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ vào quản lý tài chính theo quy định.
Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập có phát sinh các khoản thu thỏa thuận, các đơn vị phải thực hiện trích một phần các khoản thu để chi cho các hoạt động phục vụ trực tiếp cho công tác này như hỗ trợ cơ sở vật chất, văn phòng phẩm, điện, nước, điện thoại..., không dùng toàn bộ các khoản thu này để chi cho con người (chi tiền trực tiếp giảng dạy, chi tiền cho bộ phận gián tiếp, chi thu nhập tăng thêm...).
Cũng theo ông Minh, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều có hướng dẫn thu, sử dụng các khoản thu khác.
Theo đó, trên cơ sở nội dung và khung mức thu được quy định theo phân cấp, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của phụ huynh học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể phù hợp từng năm học.
Các đơn vị khi xây dựng dự toán phải căn cứ nội dung các hướng dẫn chuyên môn của ngành giáo dục về thực hiện chương trình dạy học 2 buổi/ngày, chương trình ngoại khóa và các nội dung khác theo quy định.
Dự toán thu - chi đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải xây dựng trước khi thông báo công khai mức thu cho phụ huynh học sinh, các khoản thu này phải được thống nhất với phụ huynh trước khi triển khai thực hiện.
"Quy chế chi tiêu nội bộ phải được tổ chức thảo luận rộng rãi dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn. Thủ trưởng đơn vị ký ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ để triển khai thực hiện. Mức chi, tỷ lệ chi cụ thể cho bộ phận trực tiếp, gián tiếp cần phải được xây dựng trên dự toán thu chi, thảo luận rộng rãi dân chủ, công khai, có ý kiến thống nhất trong đơn vị và quy định rõ trong quy chế chi tiêu nội bộ trước khi thực hiện để đảm bảo công khai, minh bạch”, ông Minh nhấn mạnh.