TP.HCM sẽ hạn chế xe cá nhân ra sao?

Hạn chế xe cá nhân là một trong những giải pháp được TP.HCM đặt ra trong nhiều năm tới.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã đưa ra các phương án phát triển giao thông đối ngoại, giao thông đối nội và phương án hạn chế xe cá nhân khu vực khu vực trung tâm TP.HCM.

Cụ thể đối với việc hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm TP.HCM đã được TP lên kế hoạch thực hiện theo từng bước. Trong đó, Sở Xây dựng TP.HCM có phương án thu phí kẹt xe sử dụng công nghệ tiên tiến (sử dụng hệ thống thông tin địa lý).

Sau đó là tiến hành mở rộng khu vực thu phí kẹt xe đến vành đai metro trong khi hệ thống metro khu vực trung tâm đưa vào sử dụng như tuyến số 1, 2, 3, 4, 5, 6.

 Khu vực hạn chế xe cá nhân vào trung tâm TP.HCM trong tương lai (màu hồng đậm, chính giữa). Ảnh: Sở Xây dựng TP.HCM

Khu vực hạn chế xe cá nhân vào trung tâm TP.HCM trong tương lai (màu hồng đậm, chính giữa). Ảnh: Sở Xây dựng TP.HCM

Đồng thời, TP.HCM cũng phát triển các bến xe liên tỉnh kết hợp thương mại dịch vụ; Cung cấp bãi đỗ xe tại các điểm cửa ngõ vào trung tâm thành phố theo mô hình Park&Ride. Số lượng chỗ đỗ xe được quản lý và quy định nghiêm ngặt, hạn chế ở mức 50% - 70% theo quy định của quy chuẩn.

TP.HCM cũng phát triển các nhà ga metro chính thành các trung tâm giao thông xanh: bố trí tiện ích các bãi đỗ xe và điểm sạc cho phương tiện thân thiện môi trường phục vụ cho các hành trình đầu/cuối, bố trí điểm đỗ xe cho các phương tiện chia sẻ.

Để thực hiện các giải pháp nói trên, TP.HCM cũng bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với nhiều dự án giao thông đối ngoại quan trọng. Đơn cử như việc bổ sung tuyến kết nối với Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành từ trung tâm TP qua cầu Phú Mỹ 2.

Bổ sung kết nối về phía Đông với Đồng Nai (đường tỉnh 777B) qua cầu Đồng Nai 2 để giảm tải cho Quốc lộ 1 và đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây; Bổ sung kết nối Thủ Đức với Nhơn Trạch, Đồng Nai qua cầu Cát Lái phục vụ giao thông liên đô thị và tăng cường kết nối đường bộ từ ga Thủ Thiêm, trung tâm TP đến Cảng hàng không Long Thành.

Bên cạnh đó là kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ và kéo dài đến Cao tốc Bến Lức - Long Thành (Đồng Nai) thông qua đường vào cảng Phước An để hỗ trợ cho các cụm cảng biển dự kiến tại Cần Giờ.

Đồng thời, trong quy hoạch cũng sẽ triển khai các tuyến đường bộ khác kết nối với tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương cũ, Tiền Giang. Đơn cử như: cao tốc TP.HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng (CT.33); kéo dài trục đường động lực phía Nam từ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo đến Gò Công và kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ.

TP.HCM cũng rà soát quy hoạch hiện có và kết quả mô hình hiện trạng giao thông đề xuất bổ sung, điều chỉnh các trục đường chính đô thị:

TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng 10 tuyến đường trục chính đô thị (ít gián đoạn, chủ yếu giao cắt khác mức).

Kéo dài đường Phạm Hùng về phía Nam để kết nối với nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành...

Kéo dài đường Võ Văn Kiệt về phía Tây kết nối đường Lương Hòa - Bình Chánh về vành đai 4 và kết nối Đức Hòa.

Bổ sung tuyến đường ven sông kết nối từ Tây Ninh đến cầu Cần Giờ (quy hoạch mới) với quy mô tối thiểu 4 làn xe cơ giới kết hợp làn đường riêng dành cho xe đạp và đường sắt đô thị nhẹ đoạn từ trung tâm TP đi Tây Ninh.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-se-han-che-xe-ca-nhan-ra-sao-post860799.html