TP HCM sẽ thí điểm cho hộ dân có nhà ven kênh rạch mua nhà ở xã hội
Đa số các dự án di dời nhà ven kênh rạch đều có pháp lý nhà, đất phức tạp, như nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, một phần trên đất, một phần trên kênh rạch…
Chiều 16-11, UBND TP HCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Lý Thanh Long đã thông tin về tiến độ di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch.
Ông Long cho biết đến hết quý 2/2023, thành phố đã bồi thường, di dời được 657/6.500 căn. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời được 4.250/6.500 căn, đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu đề ra, trong đó có 7 dự án dự kiến hoàn thành công tác di dời trước ngày 30-4-2025.
Theo ông Long, từ năm 2020, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP không còn quy định về hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Nhà đầu tư sẽ không được thanh toán bằng quỹ đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch, nên không hấp dẫn trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Sở Xây dựng đánh giá có hai khó khăn, vướng mắc chính trong thực hiện.
Thứ nhất, khó khăn về nguồn vốn ngân sách. Mặc dù các dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch được Sở Xây dựng đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, nhưng so với các dự án hạ tầng khác lại không được chọn là cấp bách, ưu tiên hàng đầu.
Thứ hai, khó khăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đa số các dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch đều có pháp lý nhà, đất phức tạp, như nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, một phần trên đất, một phần trên kênh rạch…
Điều này dẫn đến việc hiệp thương, bồi thường chậm, làm dự án kéo dài, còn nhiều trường hợp tiếp tục khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo kế hoạch.
Ông Long cho hay trong thời gian tới, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách; đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND quận – huyện, cụ thể là quận 6, giải quyết dứt điểm 88 căn chưa di dời do khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường của dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đã xây dựng đề án, trình UBND TP HCM giải pháp thí điểm cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên, ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội (hoặc mua tùy khả năng) để người dân ổn định cuộc sống.
Sau khi đề án được UBND TP HCM thông qua, thành phố sẽ tạo điều kiện để UBND quận – huyện triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án.