TP.HCM sẽ xây mới 29 nhà vệ sinh ở các bến thủy nội địa, bến xe buýt

Sở GTVT TP.HCM lập kế hoạch dự kiến đầu tư xây mới 29 nhà vệ sinh công cộng tại các cảng, bến thủy nội địa, bến phà, bến xe, bãi đỗ xe, trạm trung chuyển trên địa bàn.

Theo Sở GTVT TP.HCM, toàn thành phố hiện có 5 bến xe khách liên tỉnh đang quản lý và khai thác tổng cộng 100 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) hiện hữu với tổng diện tích 1.782 m2, phục vụ bình quân hàng ngày trên 44.000 lượt khách.

Trong đó, bến xe Miền Đông mới có 70 nhà vệ sinh được đầu tư khang trang, hiện đại; 4 bến còn lại có 30 nhà vệ sinh và đều đảm bảo hoạt động tốt.

Đối với hệ thống bến xe buýt, bãi kỹ thuật xe buýt, trạm trung chuyển, TP hiện có 16 bến với 23 nhà vệ sinh. Trong đó, 16 nhà vệ sinh xuống cấp và hiện đang có kế hoạch duy tu, sửa chữa trong năm 2023 và 2024.

Trong 94 bến thủy nội địa, 64 bến có nhà vệ sinh, 30 bến chưa có và đang được các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng mới.

TP.HCM hiện có 30/94 bến thủy nội địa không có nhà vệ sinh công cộng

TP.HCM hiện có 30/94 bến thủy nội địa không có nhà vệ sinh công cộng

Theo Sở GTVT, trong quá trình quản lý, vận hành NVSCC tại phạm vi đất dành cho giao thông phục vụ công cộng, đơn vị nhận thấy việc đầu tư, sửa chữa nhằm phục vụ nhu cầu cần thiết cho người dân đến công viên để vui chơi, giải trí, phục vụ hành khách tham quan, du lịch, sử dụng phương tiện vận chuyển tại các bến bãi.

Tuy nhiên, một số người dân thiếu ý thức khi sử dụng gây tình trạng mất vệ sinh môi trường, lãng phí nước trong NVSCC và khu vực xung quanh.

Sở GTVT cho rằng, hiện nay còn vướng pháp lý khi triển khai đầu tư xây dựng NVSCC trên phạm vi đất dành cho đường bộ và các bến khách ngang sông. Do đó, việc xây dựng NVS trong phạm vi đất dành cho đường bộ và gầm cầu là chưa phù hợp với quy định hiện hành.

Do đó, Sở GTVT kiến nghị Sở TN&MT tham mưu UBND TP hướng dẫn, hỗ trợ các Sở, ngành, cơ quan quản lý trong việc xác định, bố trí quỹ đất và trình tự thủ tục bàn giao đất, ban hành thiết kế mẫu để thực hiện đầu tư xây dựng NVSCC mới theo hướng hiện đại, tiện nghi và hiệu quả.

Một nhà vệ sinh công cộng tại Bến xe buýt Sài Gòn đường Hàm Nghi (Q.1) khóa trái cửa không cho người dân sử dụng.

Một nhà vệ sinh công cộng tại Bến xe buýt Sài Gòn đường Hàm Nghi (Q.1) khóa trái cửa không cho người dân sử dụng.

Về cơ chế đầu tư xây dựng, cơ chế quản lý NVSCC tại các cảng, bến thủy nội địa, bến phà, bến xe, bãi đỗ xe, trạm trung chuyển, Sở GTVT kiến nghị ưu tiên đầu tư xây dựng theo nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đối với các bến ngang sông, kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND TP Thủ Đức kêu gọi các chủ bến thực hiện sửa chữa cải tạo, đầu tư xây dựng mới NVSCC theo hình thức xã hội hóa và quản lý vận hành theo quy định có liên quan.

Theo kế hoạch năm 2023, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tiếp tục thực hiện sửa chữa 12 nhà vệ sinh công cộng tại các bến bãi xe buýt, kinh phí 4,2 tỷ đồng từ nguồn vốn duy tu sửa chữa hạ tầng xe buýt. Năm 2024 sửa chữa, cải tạo 4 NVSCC tại các bến bãi xe buýt, tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng.

Sở GTVT TP cũng đang làm kế hoạch xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng tại các cảng, bến thủy nội địa, bến phà, bến xe, bãi đỗ xe, trạm trung chuyển với 29 nhà vệ sinh, tổng mức đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.

Tuấn Kiệt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tphcm-se-xay-moi-29-nha-ve-sinh-o-cac-ben-thuy-noi-dia-ben-xe-buyt-2152629.html