TP.HCM sẽ xét nghiệm ngẫu nhiên tài xế, nhân viên nhà hàng
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Y tế lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên các đối tượng có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 như lái xe, nhân viên nhà hàng, tiểu thương chợ đầu mối...
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM ngày 10-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, TP vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Để phòng chống dịch tốt hơn, ông Phong yêu cầu các đơn vị chú trọng từng khâu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ. Đồng thời phải theo dõi, kiểm tra, giám sát triệt để, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ”.
“Chúng ta phải luôn nhớ bảo vệ sức khỏe người dân là mục tiêu cao nhất và là tối thượng”- ông Phong nói và cho rằng các biện pháp phải linh hoạt đề vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch có hiệu quả.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Y tế tập trung rà soát phát hiện nhanh các nguồn lây bệnh, ứng dụng bluezone để truy tìm các trường hợp có nguy cơ lây bệnh.
Sở Y tế cũng cần phối hợp với Đà Nẵng để theo dõi sức khỏe của 623 du khách hiện còn lưu trú ở Đà Nẵng và có phương án cách ly kịp thời khi về TP.HCM. “Bởi vì Cảng vụ Hàng không thông báo sẽ bố trí một chuyến bay vào ngày 13-8 và hai chuyến bay vào ngày 14-8 để đưa các du khách trên về lại TP.HCM”- ông Phong nói.
Ông Phong cũng đề nghị Bí thư Đảng ủy, giám đốc các bệnh viện không được phép lơ là, chủ quan để dịch bệnh xảy ra tại bệnh viện của mình.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị kích hoạt chương trình khám bệnh tại nhà cho người trên 60 tuổi và công khai danh sách các bệnh viện khám tại nhà. Huy động các y bác sĩ giỏi để điều trị cho các ca nhiễm, không để xảy ra các trường hợp tử vong và lây chéo cho cán bộ y tế.
“Sở Y tế nên lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên các đối tượng có nguy cơ như lái xe, nhân viên nhà hàng, tiểu thương chợ đầu mối...”- ông Phong nói và lưu ý riêng với lãnh đạo quận 8 cần có biện pháp kiểm tra và ngăn chặn dịch ở chợ Bình Điền, bởi nếu ở đây có một ca nhiễm thì lây lan rất nhanh.
Ông Phong cũng đề nghị đầu tư nâng cấp các sơ sở y tế đủ năng lực xét nghiệm, không để thiếu trang thiết bị phòng chống dịch, đặc biệt là hướng dẫn chặt chẽ các đơn vị mua sắm trang thiết bị, không để xảy ra tiêu cực.
Đối với Công an TP.HCM, ông Phong đề nghị phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát người nước ngoài quá hạn tạm trú ở việt nam. Công an TP cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm, kể cả xử lý hình sự các trường hợp không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, trốn cách ly, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ, đầu cơ găm hàng tăng giá, sản xuất kinh doanh hàng giả hàng kém chất lượng...
Đối với Sở Công thương, ông Phong đề nghị thời gian tới cần đẩy mạnh dự trữ bảo đảm sẵn sàng cho mọi tình huống, cung cấp đủ lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân với giá cả phù hợp.
Theo ông Phong, dịch bệnh khiến cho nhiều doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động dẫn đến người lao động mất việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến đới sống người dân, nhất là người nghèo, những người khó khăn và yếu thế của xã hội.
Do đó, ông yêu cầu các ngành, các cấp tập trung khai thác tối đa các cơ hội trong phòng chống dịch, chủ động thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó ông lưu ý đến các ngành công nghiệp, dịch vụ mới gắn với thương mại điện tử và chương trình chuyển đổi số.