TP.HCM sẽ xử lý pin thải từ 400.000 xe điện sau chuyển đổi ra sao?

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện sẽ song hành cùng giải pháp thu gom, xử lý pin lỗi và khuyến khích tái chế bền vững.

Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 24/7, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) đã chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến Đề án chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng, cũng như việc xử lý pin sau sử dụng.

 Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) chia sẻ tại họp báo chiều 24/7. Ảnh: Liên Phạm.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) chia sẻ tại họp báo chiều 24/7. Ảnh: Liên Phạm.

Đề xuất xây dựng hệ sinh thái tái chế pin xe điện

Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhìn nhận việc chuyển đổi hàng trăm nghìn tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện dự kiến tạo ra một lượng lớn pin xe điện thải bỏ, tiềm ẩn rủi ro cho môi trường.

Do đó, ông nhấn mạnh việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp xử lý pin xe điện sau khi chuyển đổi là cần thiết để kiểm soát rủi ro môi trường từ chất thải nguy hại này.

Theo ông Hải, Việt Nam hiện đã có nhà máy sản xuất pin xe điện tại Hà Tĩnh với quy mô hơn 6.000 tỷ đồng. Nhà máy này đã ký kết với một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tái chế pin xe điện là Li-Cycle.

Nội dung hợp tác bao gồm cung cấp giải pháp tái chế pin, khả năng nghiên cứu đầu tư hệ thống tái chế pin xe điện tại Việt Nam khi lượng pin xe điện trên thị trường hết vòng đời sử dụng hoặc sử dụng công nghệ của đơn vị đối tác ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới để xử lý pin của nhà máy ở Hà Tĩnh.

"Trong pin xe điện có nhiều kim loại quý hiếm như lithium, coban, mangan. Việc thu hồi và tái chế pin xe điện là cần thiết. Trong khi đó, công nghệ tái chế pin xe điện hiện đã phát triển khá cao, cho phép khả năng thu hồi đến 90-95% vật liệu trong pin xe điện, cho thấy việc thu hồi, tái chế là rất khả thi", ông Hải nói và cho biết việc kéo dài tuổi thọ pin xe điện cũng được doanh nghiệp quan tâm và đầu tư nghiên cứu trong quá trình sản xuất.

Hiện, có các giải pháp được đề xuất bao gồm xây dựng nhà máy tái chế với khả năng thu hồi kim loại cao hoặc sau khi giảm khả năng sử dụng trong xe điện, pin có thể được dùng cho các công năng khác như làm bộ phận dự trữ cho nhà máy pin năng lượng mặt trời, làm bộ phận dự trữ cho các nhà máy điện ở khu vực nông thôn, hoặc tái chế để sản xuất tấm pin thu hồi năng lượng từ pin mặt trời.

 Theo lộ trình dự thảo đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM", đến cuối năm 2029, khoảng 400.000 xe xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động vận tải công nghệ trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Theo lộ trình dự thảo đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM", đến cuối năm 2029, khoảng 400.000 xe xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động vận tải công nghệ trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Về giải pháp xử lý pin thải từ xe điện, ông Hải khẳng định: "Việc xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu mãi, trong đó có tái chế pin, là một trong những giải pháp trọng tâm".

Vị này cho biết trong đề án chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện tại TP.HCM đã có đề cập đến mục tiêu xây dựng các trung tâm tái chế pin với công suất khoảng 3.000 tấn/năm, có khả năng thu hồi 90-95% kim loại quý từ pin.

Nếu nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn, TP.HCM sẽ có cơ chế hỗ trợ như cho vay ưu đãi hoặc sử dụng quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2024, các đơn vị sản xuất pin phải đóng phí tái chế.

Tuy nhiên, nếu có nhà máy tái chế, doanh nghiệp có thể được nợ lại khoản phí này, đồng thời chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý pin sau sử dụng. Ngược lại, các đơn vị không tự sản xuất sẽ phải đóng phí môi trường để Nhà nước dùng nguồn này hỗ trợ cho các cơ sở tái chế đạt chuẩn.

Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM kỳ vọng trong 10 năm tới sẽ hình thành được hệ thống nhà máy tái chế hiện đại đạt tiêu chuẩn, góp phần giảm thiểu rủi ro ô nhiễm và phát triển môi trường xanh.

Ông Hải đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và các ban ngành để xây dựng kế hoạch tái chế pin chi tiết. Kế hoạch này bao gồm xử lý pin cũ, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật ngay từ đầu, đảm bảo quá trình thu gom pin cũ chặt chẽ, quy trình xử lý minh bạch rõ ràng và giám sát để tránh thải ra môi trường một cách không kiểm soát.

Cần đánh giá khách quan nguy cơ cháy nổ của xe điện

Trước những lo ngại về cháy nổ pin xe điện, ông Hải cho rằng công nghệ pin hiện nay đã phát triển rất nhanh, nhiều loại pin mới ra đời với khả năng kháng cháy cao, trong đó có loại đã được khẳng định là "không cháy nổ". Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy đối với pin cũng đang được siết chặt.

Do đó, ông cho rằng cần đánh giá rủi ro cháy nổ một cách khách quan, dựa trên dữ liệu so sánh giữa xe điện và xe xăng. "Chỉ khi có số liệu cụ thể chứng minh xe điện có tỷ lệ cháy cao hơn xe xăng, thì mới có thể khẳng định loại phương tiện này nguy hiểm hơn", ông nói.

Vị chuyên gia cho rằng dư luận cần tiếp cận thông tin một cách kiểm chứng và đa chiều, thay vì để những lo ngại chưa có cơ sở ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng phát triển giao thông xanh. Theo ông, mục tiêu cuối cùng là xây dựng TP.HCM thành đô thị xanh, sạch, an toàn và hiện đại.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Hải cho biết Trung Quốc hiện đã bổ sung tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc đối với xe điện nhằm tăng cường an toàn vận hành. Ông nhận định Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm này và sớm áp dụng các tiêu chuẩn tương tự trong tương lai gần.

"Đây không còn là xu hướng, mà sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc trong quá trình phát triển giao thông bền vững", ông nói.

Những ngày qua, dự thảo đề án chuyển đổi xe xăng sang xe điện tại TP.HCM có không ít quan điểm ủng hộ, nhưng cũng ghi nhận một số lo ngại. Do đó, ông Hải cho biết thời gian trình lên UBND TP đang được lùi lại.

Hiện, Viện đang thu thập ý kiến từ các sở, ngành cùng doanh nghiệp và chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án nhằm bảo đảm chất lượng, tránh gây hiểu lầm hoặc phản ứng tiêu cực. Sau khi hoàn chỉnh, đề án sẽ được trình lên UBND TP xem xét từ góc độ quản lý Nhà nước.

Thảo Liên - Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/tphcm-se-xu-ly-pin-thai-tu-400000-xe-dien-sau-chuyen-doi-ra-sao-post1571332.html