TP.HCM 'soi' giao dịch nhà đất đáng ngờ: Chuyện không dễ dàng
Một số chuyên gia đánh giá việc yêu cầu lập và gửi báo cáo về các giao dịch bất động sản đáng ngờ, giao dịch tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên khó khả thi và không phản ánh đúng thị trường.
Giao dịch trên 300 triệu đồng phải báo cáo
Cuối tuần qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã có công văn về việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định pháp luật; đồng thời thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao.
Đáng chú ý, cơ quan này yêu cầu lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước).
Bên cạnh đó là việc thực hiện đánh giá rủi ro tiền, tài trợ khủng bố tại chính tổ chức mình về các giao dịch bất động sản, kết quả gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và Cục Phòng chống rửa tiền trước ngày 15.9.2019 để thống kê, theo dõi phục vụ công tác thanh tra, giám sát.
Sở Xây dựng cũng đề nghị Thanh tra sở tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và có báo cáo tổng hợp gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản.
Trước đó, vào đầu tháng 7.2019, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Bộ Xây dựng đề nghị các sở Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4.10.2013 của Chính phủ, Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 11.11.2014 của Ngân hàng Nhà nước.
Không phản ánh đúng thị trường
Đánh giá về rủi ro rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước kết luận bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ diễn ra hoạt động rửa tiền ở mức cao. Nguyên nhân là các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc ngàn tỉ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội nhờ người thân mua, chuyển nhượng, cho/tặng bất động sản.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng bất động sản là kênh đầu tư hợp pháp nên nhiều đối tượng lợi dụng để biến tiền "bẩn" từ các hoạt động tội phạm, tham nhũng thành tiền "sạch". Các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn ở Việt Nam vẫn được thực hiện bằng tiền mặt, trong khi cơ chế giám sát còn chưa chặt chẽ nên tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền.
Tuy nhiên, đánh giá về quy định này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng biện pháp này khó khả thi.
Theo ông Châu, từ năm 2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định phòng chống rửa tiền, với mức là từ 200 triệu đồng và các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ. Dù vậy, việc Bộ Xây dựng quy định từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo và chỉ áp dụng với sàn môi giới sẽ khiến biện pháp này không khả thi. Theo quy định của pháp luật, văn bản cấp dưới không được khác văn bản cấp trên, cho nên việc quy định mức 300 triệu đồng không đúng nghị định của Chính phủ về phòng chống rửa tiền năm 2009.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản không quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn và người mua cũng có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Như vậy, số lượng giao dịch qua sàn không nhiều nên báo cáo cũng không phản ánh được hết thực tế giao dịch và đúng “hơi thở” của thị trường. Chưa kể, quy định cũng chưa bao quát được hết tất cả giao dịch bất động sản khác, như giao dịch nhà lẻ trong dân, nhất là nhà mặt tiền có giá trị rất lớn từ vài tỉ đến hàng trăm tỉ đồng.
Do đó, nếu muốn kiểm soát rửa tiền thì cần phải quy định tất cả giao dịch bất động sản phải thông qua ngân hàng. Đồng thời, cả ngành tài chính, thuế cũng phải vào cuộc mới giải quyết được vấn đề rửa tiền.