TP. HCM sớm tháo gỡ vướng mắc, đưa dự án vào sử dụng, tránh lãng phí
Lãnh đạo Sở Tài chính TP. HCM kiến nghị tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư trên địa bàn để chủ đầu tư đưa công trình dự án vào sử dụng, tránh lãng phí, xuống cấp; đơn giản hóa thủ tục để chủ đầu tư mở rộng đầu tư, tăng quy mô.
Chiều 5/4, UBND TP. HCM tổ chức Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội quý 1; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2022
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên đến dự và chủ trì Hội nghị. Ảnh TTBC.
Ý kiến tại Hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM kiến nghị, để bảo đảm thu ngân sách 2022, TP. không được chủ quan trước những diễn biến dịch hiện hữu dù khởi đầu khá tốt.
Theo bà Hà, TP. HCM cần vận dụng tối đa các chính sách của Quốc hội và Chính phủ đưa ra, nếu không kích thích mạnh mẽ về đầu tư thì ảnh hưởng đến thu ngân sách và nhiệm vụ chi. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là khai thác những nguồn lực hiện có để đạt kết quả ngay trong năm 2022.
Đối với việc sử dụng nguồn lực đất đai, đại diện Sở Tài chính cho rằng, hiện vẫn còn nhiều dự án, khu đất đã có quyết định giao đất rồi nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; hoặc có những địa chỉ nhà đất đã giao sử dụng nhưng chưa ký kết hợp đồng thuê đất.
Lãnh đạo Sở Tài chính TP. HCM cho biết, hiện nay nhiều nguồn lực từ đất đai chưa được khai thác hết, dẫn đến lãng phí và tạo áp lực lên thu ngân sách năm 2022. Vì thế, TP. HCM cần tập trung tháo gỡ các lĩnh vực này để có nguồn thu ngay trong năm nay.
Theo yêu cầu của Thành ủy và UBND TP. HCM về việc tập trung kiểm kê nhà đất công, nhiều phương án sắp xếp được triển khai, bà Hà cho biết, tới đây Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở TN-MT, Sở Xây dựng đẩy mạnh các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, phát huy nguồn lực và tài sản nhà đất công.
Ngoài ra, TP. HCM sẽ tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư trên địa bàn để chủ đầu tư đưa công trình dự án vào sử dụng tránh lãng phí, xuống cấp; đơn giản hóa thủ tục để chủ đầu tư mở rộng đầu tư, tăng quy mô.
Về kiểm soát chi, bà Phạm Thị Hồng Hà cho rằng cần phải tăng cường nguồn lực cho đầu tư, nhất là khi đã cam kết với Chính phủ đầu tư dự án vành đai 3, trong đó có phần đóng góp lớn của địa phương; cần tiết kiệm các khoản chi để tập trung cho dự án trọng điểm.
Theo báo cáo tại Hội nghị, ngày 22/ 3 vừa qua, TP. HCM tổ chức Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2030. Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án chưa hoàn thành, các dự án vướng mắc về thủ tục đầu tư trên địa bàn.
Cụ thể, các dự án đã tháo gỡ xong: Nhà máy liên hợp xử lý chất thải rắn đô thị toàn diện Lemna của Công ty cổ phần Vietstar; Nhà máy điện khí LPG Hiệp Phước của Công ty TNHH điện lực Hiệp Phước; Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City; Khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng; Dự án Lotte Cinema Gold View của Tập đoàn Lotte và một số dự án khác đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành.
Các dự án trọng điểm đang tiến hành tháo gỡ, tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc: Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Phường 28, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Công ty Liên doanh Cao ốc Sài Gòn Metropolitan TNHH; Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Căn hộ tại Số 76 Tôn Thất Thuyết, Phường 16, Quận 4 của Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP; Dự án Xây dựng chung cư 926 Võ Văn Kiệt (số cũ 402 Hàm Tử), Phường 5, Quận 5 và cao ốc 727 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5; Dự án Khu phức hợp 606 Trần Hưng Đạo, Phường 2, Quận 5; Dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star tại số 360, đường Xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức.