TP.HCM sốt ruột với dự án vành đai 3

Dù được đánh giá là dự án trọng điểm và TP.HCM đề xuất ứng vốn để giải phóng mặt bằng, tuy nhiên đến nay đường vành đai 3 vẫn còn sơ khai.

Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM do ông Triệu Đỗ Hồng Phước làm trưởng ban vừa có buổi giám sát về tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án vành đai 3 tại UBND huyện Bình Chánh.

Lo không kịp trình dự án

Trong buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh kế - ngân sách HĐND TP.HCM, cho rằng: “Hiện nay dự án còn sơ khai, chúng ta cần sớm hoàn thiện hồ sơ để có thể cuối năm trình dự án này cho HĐND xem xét, tôi sợ đến cuối năm còn không kịp trình dự án”.

Theo ông Bình, dự án này của Bộ GTVT có kinh phí rất lớn, dù TP.HCM đã chủ động đề xuất ứng gần 3.000 tỉ đồng để GPMB trước nhưng TP cần xác định với Bộ các mốc thời gian cụ thể dự án triển khai như thế nào để không lãng phí nguồn vốn ứng trước này khi chi cho các quận, huyện.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng KH&ĐT, Sở GTVT TP.HCM, cho hay dự kiến đầu tư dự án theo hình thức BOT cộng với ngân sách nhà nước, hiện Bộ GTVT đã làm xong tiền khả thi dự án và đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư.

“Thủ tướng đã giao các bộ, ngành góp ý để có thể quyết định về dự án này. Hiện đơn vị chủ đầu tư đang phối hợp cùng quận, huyện để khảo sát, thu thập thông tin làm công tác sơ bộ cho dự án” - ông Toàn cho biết thêm.

Thông tin thêm về dự án, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết tư vấn dự án có làm việc vài lần với huyện và cơ bản vành đai 3 đã được thống nhất hướng tuyến. Tuy nhiên, do mới chỉ là đề xuất đầu tư nên hiện vẫn chưa thực hiện việc cắm mốc dự án để làm công tác GPMB.

Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó ban Đô thị HĐND TP.HCM, cũng lưu ý thêm về dự án vành đai 3 trên bản đồ có phần diện tích rừng nên cần xác định rừng gì, diện tích như thế nào, vì vấn đề bảo vệ rừng cũng được người dân rất quan tâm.

Sơ đồ dự án đường vành đai 3. Đồ họa: HỒ TRANG

Sơ đồ dự án đường vành đai 3. Đồ họa: HỒ TRANG

Ráo riết chuẩn bị triển khai

Báo cáo với Ban Kinh tế - ngân sách TP.HCM, lãnh đạo Tổng Công ty Cửu Long, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền về dự án, cho hay vành đai 3 dài 97,7 km, chia làm bốn đoạn.

Đoạn 1: Bình Chuẩn - Tân Vạn (Bình Dương); đoạn 2: Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai); đoạn 3: Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TP.HCM); đoạn 4: Quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An). Hiện chỉ có đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7 km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào khai thác.

Còn lại, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được chia làm hai phần 1A và 1B. Phần 1A từ tỉnh lộ 25B ở Nhơn Trạch nối từ nút giao đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây; phần 1B từ nút giao cao tốc Long Thành - Dầu giây nối với Thủ Đức ở nút giao Tân Vạn.

“Đoạn 1A sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Hàn Quốc, dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt và được Bộ Tài chính thẩm định. Đồng thời, Bộ Tài chính và phía Hàn Quốc đang thương thảo hiệp định vay” - đại diện Tổng Công ty Cửu Long khẳng định.

Còn đoạn 1B được đầu tư bằng hình thức BOT và hiện nay đã thực hiện xong bước sơ tuyển nhà đầu tư. Hiện đã lựa chọn được hai liên danh nhà đầu tư để bước vào giai đoạn mời thầu.

Với đoạn 3, 4: Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức, dự án được lập bằng nguồn vốn vay ADB, Bộ GTVT đã thẩm định thiết kế cơ sở và phương án đầu tư, Bộ GTVT cũng đã trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư đoạn này theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho dự án, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, đề nghị các cơ quan liên quan chuẩn bị các kế hoạch, hồ sơ về dự án để có thể trình HĐND chủ trương đầu tư vào cuối năm nay.

“Sở KH&ĐT chủ động hướng dẫn các bên liên quan để nhằm làm đúng các thủ tục và dù xác định dự án cấp bách nhưng không được vượt rào và làm đúng các quy định đầu tư. Chúng tôi cũng sẽ có buổi làm việc với Sở GTVT chi tiết hơn về dự án này” - ông Phước nói.

Dự án kết nối liên vùng

Dự án vành đai 3 kết nối liên vùng TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã được Thủ tướng phê duyệt. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.871 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước 9.729 tỉ đồng, nhà đầu tư 10.142 tỉ đồng. Theo kế hoạch, năm 2019 dự án sẽ được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Năm 2019-2022 sẽ thực hiện thiết kế kỹ thuật và GPMB, đồng thời sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Năm 2022-2025, dự án thi công và đưa vào sử dụng, sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/tphcm-sot-ruot-voi-du-an-vanh-dai-3-838706.html