TP HCM: Tác động của bảng giá đất điều chỉnh đến 5 huyện ngoại thành

Dư luận quan tâm đến tác động của bảng giá đất điều chỉnh ở TP HCM đến hộ gia đình, cá nhân khi được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và được nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM cho biết theo Luật Đất đai 2024 thì bảng giá đất tác động đến 12 đối tượng. Cơ quan này cũng phân tích kỹ tác động đến hộ gia đình, cá nhân khi được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và được nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM cho biết tiến độ thực hiện bảng giá đất điều chỉnh (áp dụng đến 31-12-2025) đã hoàn thành bước 5, sở đã trình các dự thảo để Hội đồng Thẩm định bảng giá đất thẩm định.

Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM cho biết tiến độ thực hiện bảng giá đất điều chỉnh (áp dụng đến 31-12-2025) đã hoàn thành bước 5, sở đã trình các dự thảo để Hội đồng Thẩm định bảng giá đất thẩm định.

Trong đó, về công nhận quyền sử dụng đất, bảng giá đất điều chỉnh có ảnh hưởng đến việc công nhận của hộ gia đình, cá nhân. Mức thu và tỉ lệ thu tiền sử dụng đất sẽ căn cứ vào thời điểm sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai 2024 và Nghị định 103/2024/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Cụ thể, 6 trường hợp không phải đóng tiền sử dụng đất khi được công nhận và cấp giấy chứng nhận được quy định tại Điều 137 và Điều 138 Luật Đất đai 2024.

4 trường hợp phải đóng tiền sử dụng đất theo tỷ lệ khi được nhà nước công nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến trước 1-7-2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì tiền sử dụng đất được tính theo 2 mức.

Cụ thể, đối với phần diện tích được công nhận trong hạn mức giao đất ở, mức nộp là 20% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất; đối với phần diện tích được công nhận vượt hạn mức giao đất ở, mức nộp là 50% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất.

Thứ hai, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ 1-7-2004 đến trước 1-7-2014 nay được cấp giấy chứng nhận vào mục đích đất ở thì tiền sử dụng đất được tính theo 2 mức.

Cụ thể, đối với phần diện tích được công nhận vào mục đích đất ở trong hạn mức giao đất ở, mức nộp là 20% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất; đối với phần diện tích được công nhận vào mục đích đất ở vượt hạn mức giao đất ở, mức nộp là 50% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất.

Thứba, trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 1-7-2014 có vi phạm về pháp luật đất đai khi được nhà nước công nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đóng tiền sử dụng đất thì mức thu bằng 10% đến 60% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất.

Thứtư, các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 1-7-2004 đến trước 1-7-2014 có vi phạm về pháp luật đất đai khi được nhà nước công nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đóng tiền sử dụng đất thì mức thu bằng 80% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất.

Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM cho biết theo số liệu thống kê, toàn thành phố có 1.728.639 thửa đất. Đến tháng 6-2024, thành phố đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ 99,55%.

Số thửa đất còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận là 7.779, chủ yếu phân bổ ở các quận, huyện vùng ven, vì vùng lõi trung tâm đã được cấp giấy chứng nhận và được sử dụng ổn định.

Nguyên nhân chưa được cấp giấy chứng nhận chủ yếu theo khảo sát do vướng mắc về pháp lý và hiện trạng sử dụng đất (có tranh chấp, nguồn gốc tạo lập không rõ ràng, xây dựng trái phép...).

"Trường hợp nếu được cấp giấy chứng nhận thì cũng thuộc 6 trường hợp không phải đóng tiền sử dụng dụng đất, hoặc thuộc trong 4 trường hợp nộp tiền sử dụng đất theo tỷ lệ từ 10% đến 60% giá đất theo bảng giá đất" - Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM nhấn mạnh.

Hơn nữa, trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất khi được cấp giấy chứng nhận mà có khó khăn về mặt tài chính thì thực hiện thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất, đến khi chuyển nhượng thì thực hiện nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

TP HCM có 9 quận, huyện và TP Thủ Đức bị ảnh hưởng với diện tích đất nông nghiệp khoảng 111.000 ha.

TP HCM có 9 quận, huyện và TP Thủ Đức bị ảnh hưởng với diện tích đất nông nghiệp khoảng 111.000 ha.

Về chuyển mục đích sử dụng đất, TP HCM có 6 quận không bị ảnh hưởng do không còn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn là 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Nhóm 7 quận không bị ảnh hưởng do diện tích đất nông nghiệp thuộc ranh dự án gồm 6, 7, 8, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình.

Nhóm 9 quận, huyện và TP Thủ Đức bị ảnh hưởng gồm: quận 12 (1.133 ha), Tân Phú (27,9 ha), Bình Tân (854 ha), huyện Nhà Bè (4.624 ha), huyện Củ Chi (31.127 ha), huyện Hóc Môn (5.235 ha), huyện Bình Chánh (16.555 ha), huyện Cần Giờ (46.975 ha), TP Thủ Đức (4.558 ha), với tổng diện tích đất nông nghiệp còn lại là 111.000 ha.

Bảng giá đất điều chỉnh có ảnh hưởng đến việc thu tiền sử dụng đất khi hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức đất ở vì theo Luật Đất đai năm 2013 các trường hợp này được áp dụng bảng giá đất.

Đối với phần diện tích ngoài hạn mức thì ảnh hưởng không đáng kể, vì theo Luật Đất đai năm 2013 các trường hợp này được xác định giá đất cụ thể (giá thị trường) nay được cập nhật vào bảng giá đất là phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TP HCM. Tuy nhiên, tác động này tạo sự công bằng cho các đối tượng sử dụng đất.

Đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách đã có chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 103/2024.

QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-tac-dong-cua-bang-gia-dat-dieu-chinh-den-5-huyen-ngoai-thanh-196240904203646528.htm