TP.HCM tăng cường kiểm tra an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha) và sau thảm họa lật tàu khiến hàng chục người thiệt mạng tại Vịnh Hạ Long, TP.HCM đang gấp rút triển khai các biện pháp kiểm tra, siết chặt an toàn tại các cảng, bến thủy nội địa nhằm chủ động phòng ngừa sự cố.
Ngày 22/7, để chủ động giữ an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM phối hợp với Phòng CSGT (Công an TP.HCM) và Chi cục Đăng kiểm số 6 triển khai đợt kiểm tra thực tế tại nhiều cảng, bến thủy nội địa chở khách trên địa bàn TP.HCM. Trong buổi sáng, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra tại bến thủy thuộc tuyến buýt đường thủy số 1 do Công ty TNHH Thường Nhật quản lý.

Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM kiểm tra điều kiện an toàn trước khi phà Cần Giờ – Vũng Tàu xuất bến
Tại đây, anh Đoàn Xuân Tuyển – Trưởng bộ phận tàu Sài Gòn Water Bus – cho biết: "Ban giám đốc yêu cầu đội tàu của chúng tôi phải thực hiện đầy đủ các quy trình an toàn về áo phao, phòng cháy chữa cháy và cứu sinh, cứu hỏa, đồng thời tuân thủ nghiêm túc trước mỗi chuyến đi. Chúng tôi cũng tuyên truyền, nhắc nhở hành khách trên tàu rằng, nếu có sự cố xảy ra, hành khách phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn để tránh những rủi ro đáng tiếc".
Ông Nguyễn Kim Toản – Giám đốc Công ty Thường Nhật (Sài Gòn WaterBus) – cho biết, khi xuất bến phải luôn luôn tuân thủ các quy định: "Việc mặc áo phao cá nhân hoặc luôn mang theo áo phao bên cạnh khi di chuyển bằng các phương tiện đường thủy là điều tất yếu, bắt buộc phải thực hiện và chấp hành nghiêm túc. Chúng tôi luôn thông báo cho hành khách, ngay khi họ bước lên buýt đường sông, rằng dưới ghế ngồi đã được bố trí sẵn áo phao cá nhân. Điều này giúp hành khách có sẵn phương tiện để tự cứu sinh, cứu nạn trong trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn."
Đến trưa cùng ngày, đoàn tiếp tục di chuyển đến kiểm tra tại bến thủy nội địa Cần Giờ – Vũng Tàu do Công ty TNHH MTV Quốc Chánh vận hành khai thác. Qua kiểm tra, tổ công tác ghi nhận một số tồn tại cần khắc phục như: bố trí vị trí lấy phao cứu sinh kịp thời khi xảy ra sự cố, bổ sung đèn tín hiệu cứu hộ. Các đơn vị được yêu cầu tăng cường hướng dẫn thoát hiểm cho hành khách, trang bị thêm thiết bị cứu nạn và tuân thủ nghiêm các phương án khai thác đã được phê duyệt.

Lực lượng chức năng kiểm tra điều kiện an toàn trên các phương tiện buýt sông
Ông Trần Văn Tú – Quản lý bến phà Cần Giờ – Vũng Tàu (Công ty TNHH MTV Quốc Chánh) – cho hay: "Nhận được thông báo từ phía Cảng vụ về cơn bão số 3, để ứng phó với nguy cơ mất an toàn, công ty đã xây dựng phương án phòng chống bão và ứng phó thiên tai. Trong phương án này, công ty phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cảng vụ, để kiểm soát và không cho phương tiện rời bến khi có mưa to, gió lớn. Đồng thời, luôn nhắc nhở thuyền viên hướng dẫn hành khách về vị trí lối thoát hiểm, mặc áo phao, ổn định chỗ ngồi và không được phép di chuyển khi chưa có lệnh của thuyền trưởng."
Hành khách Thủy Tiên đi trên chuyến phà Cần Giờ - Vùng Tàu chia sẻ: "Em thấy khi lên tàu, mọi người đều hướng dẫn cách sử dụng áo phao. Em cũng tuân thủ theo các hướng dẫn của nhân viên, nên cảm thấy yên tâm hơn".
Ông Trương Ngọc Luân – Thuyền trưởng phà THRIVING-10, Công ty TNHH MTV Quốc Chánh – cho biết, mỗi ngày trung bình có khoảng 36 chuyến rời bến, vận chuyển khoảng 200 hành khách và phương tiện: "Trong trường hợp gặp gió bão ngoài biển hoặc giông lốc, tôi sẽ thông báo cho hành khách ngồi yên tại chỗ, không di chuyển, đồng thời mặc áo phao và tôi sẽ cho tàu cập bến".
Để đảm bảo công tác an toàn cho các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường sông, đặc biệt là vào mùa mưa bão như hiện nay, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống thiên tai, nhất là khi có thông tin về cơn bão số 3.

Hành khách tìm hiểu hệ thống áo phao trước khi phà xuất bến
Ông Trần Thanh Phong – Trưởng phòng Quản lý cảng, bến, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM – cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường công tác chung tra phòng, chống thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 Cảng vụ cũng đã có văn bản triển khai đến các đơn vị cảng bến cũng như là các cái đại diện dịch vụ, đồng thời phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông công an thành phố và Chi cục Đăng kiểm 6 tăng cường rà soát các điều kiện an toàn của các phương tiện vận tải hành khách để đảm bảo cho các phương tiện khi hoạt động tham gia giao thông".
Phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu mỗi ngày có trung bình khoảng 36 chuyến rời bến, vận chuyển hơn 200 hành khách và phương tiện. Việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác ứng phó với cơn bão số 3 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường và cao điểm mùa mưa bão năm nay cũng đang tới gần.
Đây là giải pháp chủ động nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản, đặc biệt tại các khu vực ven biển, vùng trũng thấp và nơi có hoạt động giao thông đường thủy.
Qua đó, giúp các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kịp thời phát hiện những nguy cơ mất an toàn, có phương án sơ tán, hỗ trợ người dân và phương tiện trước khi bão đổ bộ, góp phần giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất và nhanh chóng khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau bão.