TP HCM tất bật đón khách du lịch

Dịp nghỉ lễ 2-9 là cơ hội để ngành du lịch TP HCM giới thiệu tour, tuyến mới - nhất là tour nội đô, tour đường thủy - để thu hút thêm du khách trong nước và quốc tế

Ngày 2-9, dù có mưa lớn vào buổi trưa nhưng nhiều điểm đến ở TP HCM như Hội trường Thống Nhất, Suối Tiên, Đầm Sen... vẫn đông đúc người dân và khách du lịch.

Tất bật đón khách

Hội trường Thống Nhất chiều 2-9, ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ, tiếp tục đón người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan Di tích Lịch sử Dinh Độc Lập. Anh Nguyễn Đình Minh (ngụ tỉnh Bình Phước) cho biết dù đã nhiều lần tới TP HCM nhưng đây là lần đầu vợ chồng anh đưa con trai 14 tháng tuổi là bé Minh Khang đi tham quan di tích lịch sử này trong ngày Quốc khánh.

Không riêng Di tích Lịch sử Dinh Độc Lập, nhiều điểm đến truyền thống khác ở trung tâm thành phố như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bưu điện TP HCM, nhà thờ Đức Bà... cũng tấp nập khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Các khu du lịch lớn của TP HCM đã triển khai nhiều chương trình, sự kiện đặc sắc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, du khách. Khu Du lịch Suối Tiên có các sô diễu hành "Suối Tiên Farm rẽ sóng vươn mình hội nhập" được thiết kế theo chủ đề hội nhập - giao lưu văn hóa - nghệ thuật với các nước trong khối ASEAN; vở diễn sân khấu hóa "Sơn Tinh - Thủy Tinh"... Ngoài ra, vườn nho Mẫu Đơn, vườn sung Mỹ đang vào mùa chín rộ, biển Tiên Đồng, vương quốc cá sấu - giang sơn bách thú, khu trò chơi trẻ em... là những khu vực cũng thu hút nhiều du khách.

"Lượng khách đến dịp này đông hơn ngày thường, khách có xu hướng đi chơi sớm hơn trong 2 ngày đầu kỳ nghỉ lễ" - đại diện Khu Du lịch Suối Tiên cho hay.

Có mặt ở Bến tàu Bạch Đằng sáng 2-9, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật (thương hiệu buýt đường sông Saigon Waterbus), cho biết rất phấn khởi khi thấy dòng khách tấp nập chờ xếp hàng lên buýt đường sông để khám phá TP HCM từ góc nhìn khác biệt. Dịp lễ này, trung bình mỗi ngày, buýt đường sông Saigon Waterbus phục vụ khoảng 5.000 lượt khách, tăng 100% so với ngày thường.

"Cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn ngày càng đẹp, hiện đại cùng không khí trong lành, mát mẻ, trở thành một trong những điểm nhấn thu hút khách tham quan" - anh Nguyễn Ngọc Anh (huyện Bình Chánh, TP HCM), du khách lần đầu trải nghiệm tuyến buýt đường sông này, nhận xét. Anh Ngọc Anh cho biết dịp lễ này, gia đình anh chọn du lịch tại "sân nhà", khám phá nhiều điểm đến khác ở TP HCM.

Gia đình anh Nguyễn Đình Minh (tỉnh Bình Phước) tham quan Di tích Lịch sử Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất, quận 1, TP HCM)Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Gia đình anh Nguyễn Đình Minh (tỉnh Bình Phước) tham quan Di tích Lịch sử Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất, quận 1, TP HCM)Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Tín hiệu khả quan

Theo số liệu của Sở Du lịch TP HCM, 8 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch thành phố đón hơn 23,3 triệu lượt khách nội địa và 3,44 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 123.000 tỉ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Kim Toản cho rằng những sản phẩm du lịch đặc trưng của TP HCM như buýt đường sông cùng hạ tầng giao thông đồng bộ khi tuyến metro số 1 được đưa vào khai thác sẽ góp phần tạo thuận lợi cho du khách tới đây. "Để du lịch TP HCM ngày càng hấp dẫn, không chỉ ngành du lịch mà mỗi người dân, mỗi hướng dẫn viên hay mỗi người tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ đều cần trở thành một "đại sứ" du lịch" - ông Toản bày tỏ.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhìn nhận dịp lễ 2-9 là cơ hội để thành phố giới thiệu tour, tuyến mới - nhất là tour nội đô, tour đường thủy - tới du khách trong nước và quốc tế. Thông tin từ các công ty du lịch cũng cho thấy tín hiệu khả quan về lượng khách quan tâm, đặt tour tới TP HCM trong kỳ nghỉ lễ này.

Nhận định khách du lịch tấp nập đến vào dịp lễ 2-9 sẽ góp phần tạo đà cho ngành du lịch thành phố bứt phá vào mùa lễ hội cuối năm, lãnh đạo TP HCM cho hay để đạt mục tiêu đón du khách, ngành du lịch thành phố đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Chẳng hạn, nhằm thu hút thêm khách đoàn tới TP HCM tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm kết hợp tham quan du lịch (MICE), Sở Du lịch đang xây dựng chính sách ưu đãi với đối tượng khách này cũng như với các đơn vị tổ chức, cung cấp dịch vụ. Mục tiêu là khuyến khích doanh nghiệp đưa khách MICE tới thành phố, gia tăng sức hấp dẫn của điểm đến để thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao.

Đáng chú ý, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP HCM (ITE HCMC 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến 7-9 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (quận 7) với chuỗi hoạt động, sự kiện quy mô lớn, góp phần nâng tầm du lịch thành phố. Phó Giám đốc Sở Du lịch Lê Trương Hiền Hòa nhận xét với chủ đề "Du lịch bền vững - Kiến tạo tương lai", ITE HCMC 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, phản ánh tầm nhìn chiến lược của ngành du lịch thành phố.

"ITE HCMC 2024 hướng tới việc thúc đẩy những giải pháp thực tiễn và chính sách hỗ trợ cho du lịch bền vững, đồng thời tạo cơ hội hợp tác để các quốc gia cùng phát triển. Đây là sự kiện du lịch quốc tế duy nhất tại Việt Nam có chương trình người mua quốc tế (buyer), mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch quốc tế mở rộng thị trường, đưa du khách tới Việt Nam; hỗ trợ tìm kiếm đối tác du lịch tại Việt Nam và khu vực hạ nguồn sông Mê Kông" - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM nhận định.

Rất đông du khách tới TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế dịp lễ 2-9 Ảnh: QUANG NHẬT

Nhiều sự kiện văn hóa hấp dẫn

Theo Sở Du lịch TP Hà Nội, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, thành phố tổ chức khoảng 20 sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí hấp dẫn, nhờ đó đón lượng lớn khách du lịch. Nhiều điểm đến tại thủ đô đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, trải nghiệm như Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố cổ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích nhà tù Hỏa Lò... Bà Nguyễn Minh Thu, Trưởng Phòng Hướng dẫn - Thuyết minh Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, cho biết trong dịp lễ 2-9, lượng khách tham quan điểm đến này đạt hơn 5.000 lượt/ngày.

Dịp này, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Tuần Văn hóa, du lịch Mộc Châu với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn của đồng bào dân tộc Mông. TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức lễ hội khinh khí cầu vào ngày 1 và 2-9, nhờ đó nhiều khách sạn, homestay của tại đây đã kín phòng. Thị xã Sa Pa, tỉnh Sa Pa tổ chức Lễ hội mùa thu 2024 với chủ đề "Sa Pa mùa vàng" - một trong 5 lễ hội thường niên và là sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng mang bản sắc, thương hiệu riêng của địa phương.

Tại trung tâm TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sáng sớm 2-9, xe cộ ken kín nối nhau di chuyển tới các điểm đến. Tại các điểm di tích mở cửa miễn phí cho người Việt Nam như Đại nội, lăng Tự Đức, lăng Khải Định..., lượng khách đến tham quan khá đông. Riêng ngày 2-9, theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, các điểm di tích đón khoảng 66.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2.184 lượt.

Du lịch biển nhộn nhịp

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng du khách đến vẫn khá đông. Theo thống kê của Sở Du lịch, trong ngày 2-9, ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ, số lượng du khách đạt khoảng 207.000 lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 3 ngày lễ, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đón khoảng 236.000 lượt khách đến tắm biển.

Theo Ban Quản lý Bến tàu du lịch Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), 3 ngày lễ vừa qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt khách tham quan vịnh Nha Trang. Riêng ngày 1-9, Nha Trang ghi nhận hơn 6.000 lượt khách, tăng 50% so với ngày thường. Bảo tàng Hải Dương học, khu di tích Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, khu tắm bùn Trăm Trứng... là những điểm đến thu hút khá đông du khách.

Một thành phố biển khác là Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng đón nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng dịp này, dù có mưa kéo dài và biển động mạnh. Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh du lịch tăng cường vệ sinh môi trường; bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; thiết kế các chương trình tour đa dạng, đặc sắc...

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-tat-bat-don-khach-du-lich-19624090220521308.htm