TP.HCM tham vấn Bộ Giao thông vận tải về dự án cầu Thủ Thiêm 4
Trong văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải tham vấn ý kiến, TP.HCM đã đề xuất phương án làm cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn sẽ có độ tĩnh không là 15 m, thay vì 10 m hay 45 m có nhịp giữa có thể nâng/hạ thông thuyền như trước đây...
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 và quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức) với quận 7, TP.HCM từng được đề xuất theo các phương án về độ tĩnh không thông thuyền 10 m, 15 m và 45 m, tương ứng với các mức đầu tư 4.360 tỷ đồng, 4.840 tỷ đồng và gần 6.000 tỷ đồng.
Trong văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải mới đây, Ủy ban nhân dân TP.HCM nêu rõ dự án cầu Thủ Thiêm 4 được tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2,16 km với phần cầu chính khoảng 1.635 m, quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe gồm 4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Có 2 hai phương án tĩnh không thông thuyền với mức đầu tư cũng khác nhau. Theo đó, phương án 1 có độ tĩnh không thông thuyền là 10 m, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.365 tỷ đồng; phương án 2 có tĩnh không thông thuyền là 15 m, tổng mức đầu tư khoảng 4.840 tỷ đồng.
Theo nhận định của lãnh đạo TP.HCM, phương án 1 với độ thông thuyền 10 m tương ứng với tĩnh không những cầu đã xây dựng trên đoạn sông này như cầu Thủ Thiêm và Thủ Thiêm 2 (tức cầu Ba Son), phù hợp với không gian chung trong tổn thể các cầu qua sông Sài Gòn và có chi phí xây dựng thấp. Tuy nhiên, do có độ tĩnh không thấp nên sẽ hạn chế tàu thuyền lưu thông, nhất là những tàu lớn hay tàu nhà hàng du lịch đưa khách tham quan trên sông. Ngược lại, phương án 2 sẽ giải quyết được những hạn chế của phương án 1, nhưng chi phí đầu tư cao hơn, dự ước vào khoảng 4.840 tỷ đồng, tức cao hơn khoảng 10% so với phương án 1. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng cho rằng phương án 2 thêm ưu điểm là các yếu tố về quy hoạch, giải phóng mặt bằng tương đương phương án 1, nghĩa là không phát sinh thêm chi phí đền bù giải tỏa.
Trên cơ sở phân tích như trên, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết dự kiến sẽ chọn phương án 2, với nhịp cố định có độ thông thuyền 15 m. Phương án nhịp chính có tĩnh không 45 m, có thể nâng lên, hạ xuống cho tàu bè qua lại không được đề cập ở văn bản đề xuất này. Lãnh đạo Thành phố đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho ý kiến với đề xuất xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương án 2 mà Thành phố dự kiến lựa chọn để các ơ quan hữu quan có cơ sở hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cầu Thủ Thiêm là một trong 11 dự án hạ tầng quan trọng của TP.HCM đã được ngành giao thông thành phố trình kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố vào tháng 7/2023; theo đó dự án dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025 và hoàn thành sau 3 năm thi công với thời gian thu phí hoàn vốn là 18 năm 8 tháng. Công trình có chiều dài 2,1 km gồm 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn thô sơ); trong đó phần cầu chính dài 1,6 km. Vận tốc thiết kế 60 km/h.
Dự án có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh (1), đi dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, rẽ trái tại ngã tư Huỳnh Tấn Phát (2) nối vào đường Lưu Trọng Lư (Quận 7, nay là thành phố Thủ Đức). Sau đó công trình tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối khu đô thị mới Thủ Thiêm tại giao lộ đường Nguyễn Cơ Thạch - Bùi Thiện Ngộ. Tại các nút giao (1) và (2) sẽ xây các cầu vượt.
Dự án công trình cầu Thủ Thiêm 4 thuộc dự án nhóm A, do Hội đồng nhân dân TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư và người quyết định đầu tư dự án là chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM. Theo quy hoạch, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được xây dựng từ đường Nguyễn Cơ Thạch (Thủ Đức) bắc qua sông Sài Gòn, nối vào đường Lưu Trọng Lư, quận 7. Hiện nay, cac xe lớn buộc phải vòng đi quốc lộ 1 hoặc đường Võ Chí Công qua cầu Phú Mỹ để đi hướng quận 7, Nhà Bè,… Dự án sau khi hoàn thành giúp hạn chế xe vào nội thành, giảm kẹt xe khu vực phía Nam Sài Gòn, đồng thời tăng sự kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngoài ra, thời gian đi từ quận 7, huyện Nhà Bè qua hướng khu đô thị Thủ Thiêm cũng được rút ngắn đáng khi có cầu Thủ Thiêm 4.
TP.HCM cũng xác định dự án cầu Thủ Thiêm 4 là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để dđồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho đến nay, khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ kết nối giao thông với khu trung tâm hiện hữu tại địa bàn quận 1 và quận Bình Thạnh, chưa kết nối được với quận 4, quận 7 và khu đô thị Nam Sài Gòn.
Việc sớm xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho các trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - đường Lưu Trọng Lư - đường Bến Nghé, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Tân Thuận,...
Ngoài ra, dự án còn nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thúc đẩy và phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Nam Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội của TP.HCM.