TP.HCM thống kê các dự án nhà ở xã hội không đầy đủ, thiếu thống nhất và không chính xác
Vấn đề được đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2025.
Ngày 8/12, tiếp tục ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa X, HĐND Thành phố đã tiến hành việc giám sát chuyên đề về thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Chỉ có thể tính 1 dự án hoàn thành toàn bộ
Theo báo cáo của UBND Thành phố, trong giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố có 91 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 210,4 ha; quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ với 6.678.730 m2 sàn xây dựng, trong đó có 79 dự án chuyển tiếp, 12 dự án mới.
Trong 91 dự án này, 50/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư; 62/91 dự án đã được thẩm định, phê duyệt quy hoạch; 50/91 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 13/91 dự án đã được cấp phép xây dựng, quyết định phê duyệt dự án.
Kết quả, đến quý III/2023, Thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 18.459,6 m2, diện tích sàn xây dựng 59.893 m2, quy mô 623 căn hộ, đạt 2,39% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 là 2.500.000 m2 sàn).
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cho biết, qua rà soát danh mục dự án nhà ở xã hội tại Phụ lục 2 kèm báo cáo của UBND Thành phố, trong 91 dự án có 3/91 dự án hoàn thành, chiếm tỷ lệ 3,3%; 13/91 dự án đang triển khai, chiếm tỷ lệ 14,29%; 75/91 dự án chưa triển khai, chiếm tỷ lệ 82,41%.
Theo đó, đối với 3 dự án hoàn thành, trong đó chỉ có dự án nhà ở xã hội Bình Trưng Đông của Tập đoàn Hoàng Quân hoàn thành toàn bộ năm 2022 là và 2 dự án khác là khu dân cư phường Tân phú và khu nhà ở Nguyên Sơn - giai đoạn 2 chỉ mới hoàn thành một phần chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020.
Như vậy, Đoàn giám sát cho rằng chỉ có thể tính 1 dự án hoàn thành toàn bộ vào chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm của giai đoạn 2021 – 2025, còn dự án hoàn thành một phần chuyển tiếp qua giai đoạn này sẽ không được tính bởi chưa phát sinh tăng thêm diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội.
“Việc UBND Thành phố tính diện tích sàn nhà ở xã hội của dự án hoàn thành một phần chuyển tiếp vào giai đoạn 2021 - 2025 là chưa phù hợp”, Đoàn giám sát lưu ý đồng thời đánh giá điều này cho thấy việc rà soát, thống kê dữ liệu trong giai đoạn 2021 - 2025 của UBND Thành phố là chưa chính xác.
Số liệu không đồng nhất, TP.HCM khó hoàn thành mục tiêu
Cũng theo Đoàn giám sát, xét ở việc thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, giai đoạn 2021 - 2025 có 1 dự án hoàn thành được đưa vào sử dụng với diện tích sàn xây dựng 59.893 m2, đạt 1,31% so với chỉ tiêu đề ra.
Như vậy, dự kiến trong thời gian còn lại, Thành phố cần phát triển thêm 2.467.332 m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội.
“Qua giám sát, có thể nhận thấy khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dụng, tương đương khoảng 35.000 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025 là rất thấp, khó khả thi”, báo cáo giám sát của HĐND TP.HCM nhận định.
UBND Thành phố cũng đã nêu lý do hiện nay thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, song Thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng để đưa vào đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội tương ứng 2,5 triệu m2 sàn.
Trong đó, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 12.000 căn với tổng mức đầu tư khoảng 11.500 tỷ đồng, tương đương 1,15 triệu m2 sàn, tức là chỉ đạt tỷ lệ 46% so với chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2021 - 2025.
Trong khi đó, báo cáo UBND Thành phố cho thấy hiện chỉ có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ với tổng diện tích sàn là 383.258 m2 là chưa đảm bảo hoàn thành con số mà UBND Thành phố đã dự kiến giảm là 1,15 triệu m2 sàn.
Đó là chưa kể, đối với các dự án còn lại, theo Báo cáo số 262/BC-UBND(báo cáo gửi đoàn giám sát) và Công văn số 5802/UBND-ĐT (báo cáo bổ sung gửi HĐND Thành phố), thì lần lượt thể hiện là 82 và 88 dự án thì UBND Thành phố cũng chưa xác định được dự án nào khả thi, có khả năng thực hiện để tập trung chỉ đạo, điều hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện.
Do đó, việc hoàn thành chỉ tiêu 1,15 triệu m2 sàn là cũng khó khả thi để hoàn thành theo dự kiến của UBND Thành phố.
Mặt khác, theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dụng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Thành phố được giao chỉ tiêu hoàn thành 26.200 căn trong giai đoạn 2021 - 20251 và hoàn thành 43.500 căn trong giai đoạn 2026 - 2030.
Như vậy, việc UBND Thành phố xác định khả năng chỉ có thể hoàn thành khoảng 12.000 căn tương đương 1,15 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2021 - 2025 là chưa đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, UBND Thành phố cũng chưa xác định được chỉ tiêu còn lại chưa thực hiện được của giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian nào và các dự án chưa thực hiện có được chuyển tiếp qua giai đoạn 2026 - 2030 dễ tiếp tục thực hiện hay không.
Qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy số liệu thống kê về các dự án nhà ở xã hội không đầy đủ, thiếu thống nhất và không chính xác.
Bởi, cùng một nội dung báo cáo và cùng một giai đoạn chốt số liệu nhưng tại mỗi thời điểm được yêu cầu giám sát thì UBND Thành phố, Sở Xây dựng và các Sở ngành có liên quan đều cung cấp số liệu khác nhau. Các số liệu này khác nhau trong cùng một cơ quan thực hiện báo cáo và khác nhau giữa các cơ quan khi báo cáo về cùng một nội dung.
Mặc dù UBND Thành phố báo cáo đã phân công Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND Thành phố.
Tuy nhiên, UBND Thành phố chưa xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của cơ quan đầu mối trong tham mưu giúp UBND Thành phố về công tác quản lý, theo dõi, rà soát, thống kê, tổng hợp đối với toàn bộ quá trình triển khai, xây dựng đến khi hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng và cấp giấy chứng nhận tại các dự án nhà xã hội trên địa bàn Thành phố.
Do đó, Thành phố chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác và thống nhất về các dự án nhà ở xã hội, dẫn đến công tác quản lý nhà nước đối với các dự án nhà ở xã hội còn rời rạc, thiếu tính hệ thống, chưa chặt chẽ và chưa hiệu quả.