TP.HCM thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

TP.HCM sẽ thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đối với 9 loại khoáng sản, theo Nghị quyết số 11/2024/NQ- HĐND ( Nghị quyết 11) của HĐND Thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện Nghị quyết số 11/2024/NQ- HĐND ( Nghị quyết 11) của HĐND Thành phố về Quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng trên địa bàn thành phố.

 Mức phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản tại TP.HCM

Mức phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản tại TP.HCM

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở ngành và đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11, đảm bảo thu đúng, thu đủ các đối tượng khai thác khoáng sản theo đúng quy định. Đồng thời, phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, tận thu khoáng sản.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo thực hiện theo quy định.

Theo Nghị quyết 11 của HĐND TP.HCM, danh mục khoáng sản chịu phí bảo vệ môi trường, gồm: đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình; sỏi; cát vàng; các loại cát khác; đá làm vật liệu xây dựng thông thường; đất sét, đất làm gạch, ngói; sét chịu lửa; than khác (trừ các loại than antraxit hầm lò, than antraxit lộ thiên, than nâu, than mỡ); cao lanh.

Phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản sẽ được tính trên khối lượng khai thác nguyên khai: thấp nhất là 2.000 đồng/tấn/m3, cao nhất là 10.000 đồng/tấn/m3. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản bằng 60% mức thu phí của loại khoáng sản tương ứng.

Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; đồng thời, người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản bao gồm: tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản; tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp phí thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp phí.

Toàn bộ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản sẽ được nộp vào ngân sách thành phố, được quản lý và sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, không trích tỉ lệ để lại cho tổ chức thu phí.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tp-ho-chi-minh-thu-phi-bao-ve-moi-truong-doi-voi-khai-thac-khoang-san-92581.html