TP HCM thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Lãnh đạo TP HCM khẳng định thành phố là nơi có nhiều cơ hội, nhiều đơn đặt hàng cho các nhà nghiên cứu, khởi nghiệp
Ngày 28-3, UBND TP HCM tổ chức Chương trình gặp gỡ cộng đồng đổi mới sáng tạo (ĐMST).
3/4 kỳ lân công nghệ Việt nằm ở TP HCM
Tại cuộc gặp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay thành phố đang tập trung xây dựng để trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST trên nền trung tâm khoa học - công nghệ tầm ASEAN và hướng đến tầm châu lục vào năm 2030. "TP HCM có nhiều dư địa, cơ hội, nhiều đơn đặt hàng để khởi nghiệp" - Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố được đánh giá là năng động nhất cả nước, chiếm 50% số lượng start-up, 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, 44% lượng vốn đầu tư, 60% số thương vụ của cả nước.
TP HCM cũng là địa phương đầu tiên có chính sách đặc thù về khởi nghiệp ĐMST. Trong giai đoạn 2016-2022, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đạt khoảng 2 tỉ USD. Trong đó, hơn 60% DN gọi vốn thành công là của TP HCM. Việt Nam hiện có 4 kỳ lân công nghệ là VNG, VNPay, MoMo, Sky Mavis thì 3/4 là của TP HCM.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều câu chuyện khởi nghiệp cũng như các kiến giải đã được chuyên gia, nhà khởi nghiệp chia sẻ, trao đổi. TS Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, nhìn nhận tất cả DN, dù mới thành lập hay có bề dày hàng chục năm hoặc hàng trăm năm, nếu muốn duy trì sức sống thì phải luôn ĐMST. Để ĐMST, vai trò thuộc về nhà nước, nhà trường, nhà đầu tư, cộng đồng và tự thân DN, trong đó vai trò tự thân là quan trọng nhất và bền vững nhất. "DN ĐMST cần xác định sứ mệnh và phải thông qua sản phẩm, dịch vụ tốt của mình để phụng sự xã hội" - TS Trung nêu quan điểm.
Nói về "giấc mơ Việt", TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành Selex Motor - DN khởi nghiệp sản xuất xe điện, kiến nghị TP HCM chuyển đổi khoảng 1 triệu xe máy xăng sang xe điện cùng với xây dựng 1.000 trạm sạc trên địa bàn. Mục tiêu là ứng dụng công nghệ Việt vào chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông. Ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc tài chính và vận hành DatBike, cho rằng cần có chính sách về thuế, phí để thu hút người dân, DN chuyển sang xe điện.
Một số nhà khởi nghiệp góp ý TP HCM hình thành mạng lưới của cộng đồng khởi nghiệp do lãnh đạo thành phố đứng đầu để DN có thể thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Các DN khởi nghiệp cũng cho biết ngoài cần nhà đầu tư, nguồn vốn thì rất cần thành phố hỗ trợ về đầu ra.
Quy hoạch những khu đặc biệt
Lắng nghe và ghi nhận ý kiến của cộng đồng ĐMST, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội với nhiều cơ chế, chính sách liên quan phát triển khoa học - công nghệ và dẫn dắt khởi nghiệp ĐMST. TP HCM cũng đang khẩn trương hoàn thiện để đề xuất một chính sách về phát triển xanh và có thể trình tại kỳ họp HĐND sắp tới.
Song song đó, thành phố rất quan tâm đến chính sách tác động vào người sản xuất, người tiêu dùng trên các lĩnh vực như hạ tầng năng lượng xanh, chuyển đổi giao thông xanh hoặc phát triển năng lượng áp mái... Về kiến nghị chuyển đổi 1 triệu xe máy hay chuyển đổi một số hành vi tiêu dùng theo hướng xanh, TP HCM đang nghiên cứu và mong các chuyên gia, nhà khởi nghiệp tiếp tục góp ý, hiến kế.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho hay đây là lần đầu dự cuộc gặp gỡ có cơ cấu, thành phần đa dạng và mang lại nhiều cảm xúc. Bí thư Thành ủy bày tỏ tâm đắc với ý kiến của TS Giản Tư Trung về việc xác định những giá trị nền tảng, cốt lõi khi khởi nghiệp, giống như la bàn định hướng. "Mỗi người phải định vị, có chiến lược cho bản thân mình, phải quản trị, kiểm soát, có kỷ cương, kỷ luật và làm chủ bản thân" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói thêm.
Bí thư Thành ủy TP HCM lưu ý việc tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến DN khởi nghiệp là tốt nhưng chưa đủ, mà cần phải giải quyết, phải có kế hoạch xử lý những vấn đề tồn tại. Trong đó, chính quyền phải quy hoạch, chuẩn bị hệ thống hạ tầng và cần có những khu đặc biệt như khu công nghệ cao. "Khởi nghiệp phải có vườn ươm, điều này chính quyền phải lo. Ngoài ra, phải có chính sách hỗ trợ về tài chính, vốn cụ thể. Cùng với đó, phải có chính sách khuyến khích, thu hút vượt trội, không thể giống những nơi khác (...) để tương xứng với tiềm năng, vị trí vai trò đầu tàu của TP HCM" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, lành mạnh. Đồng thời, tạo cơ chế hợp tác, phối hợp, tạo mối quan hệ gắn bó giữa "các nhà": DN, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà nước... "Đây phải là mối quan hệ trong sáng, lành mạnh" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
TP HCM sắp có Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng cho hay trong giai đoạn 2021-2025, thành phố triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, sẽ xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP HCM là nơi tập hợp, kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của thành phố và ngoài nước. Trung tâm được xây dựng với mục tiêu hình thành mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại TP HCM.
Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP HCM sẽ là nơi giúp lan tỏa các chính sách hỗ trợ của nhà nước về ĐMST và khởi nghiệp cho cộng đồng, cung cấp các dịch vụ về khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-thuc-day-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-196240328222203116.htm