TP.HCM: Tiếng là được 'giải cứu', nhưng nhiều dự án vẫn... bất động
Từ năm 2020, TP.HCM thông báo nhiều dự án bất động sản đã được 'giải cứu', thế nhưng, tới nay các dự án này chưa thể tái khởi động bởi vẫn chưa thể thông pháp lý.
Công bố “giải cứu” từ lâu
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tính đến năm 2019, toàn Thành phố có 156 dự án bất động sản đang gặp khó khăn về pháp lý cần được tháo gỡ. Cũng trong năm 2019, UBND TP.HCM liên tục tổ chức các cuội họp để bàn phương án giải cứu các dự án đang vướng về pháp lý.
Tới tháng 4/2021, TP.HCM lập Tổ công tác để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn. Tổ công tác do Phó chủ tịch UBND Thành phố làm Tổ trưởng, các thành viên gồm Sở Tài nguyên Môi trường, cơ quan thuế, ngân hàng… cùng ngồi lại với nhau để hệ thống lại tất cả những dự án gặp khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách đất đai. Từ đó, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo từng nhóm. Thủ tục nào thuộc thẩm quyền của Trung ương thì sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Đến tháng 3/2023, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, đã làm việc với chủ đầu tư của 7 dự án bất động sản để xem xét, tháo gỡ vướng mắc. Theo đó, 4/7 dự án có kết luận và chỉ đạo giải quyết. Được biết, 7 dự án này dù đã được cấp phép từ lâu, nhưng qua thời gian bị vướng thủ tục pháp lý nên dừng triển khai. Trong số này, có 6 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của TP.HCM và 1 dự án thuộc thẩm quyền của Trung ương.
Tại thời điểm này, TP.HCM vẫn còn hàng trăm Dự án bất động sản đã kiểm tra pháp lý và được xử lý qua nhiều thời kỳ, nhưng chưa được tháo gỡ bởi các quy định pháp luật không thống nhất. Trong đó, những Dự án do Nhà nước quản lý theo chủ trương sắp xếp, xử lý tài sản công, di dời nhà xưởng ô nhiễm hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định.
Bên cạnh đó, một số dự án gặp vướng mắc do bị kiểm tra về tiền sử dụng đất nên phải tạm dừng triển khai. Nhiều dự án cũng gặp rắc rối bởi việc điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 nhằm thực hiện chủ trương ưu đãi và chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA
Các dự án được công bố “giải cứu” gồm Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đường Bến Nghé, Tân Thuận Đông, quận 7 (tên thương mại là Shizen Home), với quy mô hơn 10.000 m2, đã hoàn thành phần móng, hầm và tầng 1, đang xây các tầng tiếp theo.
Tuy nhiên, năm 2022, dự án này lại bị yêu cầu dừng triển khai để Sở Xây dựng rà soát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất thực hiện dự án từ Công ty cổ phần Cảng Rau Quả (VGP) cho Công ty TNHH Gotec Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án thứ hai được công bố là Khu đô thị Celadon City (phường Tân Thắng, Sơn Kỳ, quận Tân Phú) do Gamuda Land làm chủ đầu tư. Dự án trước đây thuộc sở hữu của Công ty Sacomreal (nay đổi tên thành TTC Land), có diện tích hơn 90,08 ha.
Vướng mắc lớn nhất của dự án hiện nay là việc UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư mới là Gamuda Land đóng phần thuế hơn 400 tỷ đồng do doanh nghiệp không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, mà chỉ mua lại cổ phần nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án...
Do không đồng ý đóng thuế nên dự án bị đình trệ lâu nay. Gamuda Land bị liệt vào danh sách nợ thuế hơn 541 tỷ đồng, gồm cả tiền gốc và lãi. Hiện dự án chưa được cấp sổ hồng cho cư dân dù đã bàn giao nhà được 5 năm.
Ngoài ra, Dự án 30,2 ha phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức, do Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư và đã chuyển nhượng cho Tập đoàn Novaland với tên thương mại là The Water Bay, quy mô hơn 4.000 căn hộ. Dự án đang bị tạm ngưng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Hiện dự án đã xây xong một phần hầm móng.
Cũng trong danh sách được “giải cứu” là dự án mang tên Chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1), do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư.
Trong danh sách còn có chung cư De La Sol, còn gọi là Cửu Long, ở số 1 - đường Tôn Thất Thuyết (phường 1, quận 4). Ngày 13/2/2017, UBND TP.HCM ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án với quy mô 14.000 m2. Theo quy hoạch, dự án do Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất kinh doanh Sài Gòn Cửu Long làm chủ đầu tư, có 870 căn hộ. Sau đó, dự án được chuyển nhượng lại cho CapitaLand và đổi tên thành De La Sol. Hiện dự án đang được cơ quan chức năng rà soát để xác định vướng mắc (nếu có) liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp trước đây và giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện phát triển dự án cho nhà đầu tư.
Hay như Dự án tại phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, do Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ An Thiên Lý làm chủ đầu tư, có quy mô 17,4 ha, bao gồm khu nhà ở liền kề, biệt thự vườn, biệt thự liên lập, trung tâm thương mại, nhà trẻ mẫu giáo và khu chung cư 15 tầng. Dự án có quyết định giao đất từ tháng 6/2007, quy hoạch chi tiết 1/500 hồi tháng 8/2009, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xong.
Cũng vào cuối tháng 3/2023, hai dự án nữa được UBND TP.HCM công bố gỡ vướng gồm dự án The Artemis II do Công ty cổ phần Đầu tư HML (tên cũ là Công ty cổ phần ACC Thăng Long) đầu tư, tọa lạc tại địa chỉ 448 - Nguyễn Tất Thành (quận 4). Công ty cổ phần Đầu tư HML chính là thành viên của Tập đoàn IMG với tỷ lệ sở hữu lên đến 80%. The Artemis II có diện tích đất hơn 3.600 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 54.000 m2. Đây sẽ là tổ hợp thương mại - dịch vụ - văn phòng - căn hộ.
Dự án thứ 2 được công bố gỡ vướng trong tháng 3/2023 là Diamond Lotus Lakeview (96 - Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) do Công ty TNHH Bất động sản Ngôi nhà xanh (thành viên của Phúc Khang Corporation) làm chủ đầu tư. Diamond Lotus Lakeview có diện tích 11.458 m2, gồm 3 tháp 21 tầng, với khoảng 1.000 căn hộ.
Vào tháng 4/2024, UBND TP. Thủ Đức có Quyết định số 4498/QĐ-UBND chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án khu chung cư và thương mại Metro Star (số 360 - Võ Nguyên Giáp, phường Phước Long A). Dự án do Công ty Metro Star mua lại từ Công ty cổ phần Công trình giao thông công chánh, được rao bán công khai năm 2015.
Cũng trong tháng 4/2024, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ phê duyệt tổng mặt bằng (quy hoạch chi tiết rút gọn). Tuy nhiên, do TP.HCM đang bị vướng mắc về quản lý xây dựng không gian ngầm đô thị nên phải chờ UBNND TP.HCM tháo gỡ để làm cơ sở phê duyệt dự án đầu tư có phần ngầm trên địa bàn.
Theo chủ đầu tư, Dự án Metro Star có quy mô 1.468 căn hộ và có 76 căn shophouse, hiện đã làm phần móng và đang chờ điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Nhưng vẫn bất động
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, dù được công bố “giải cứu”, song hiện nay, nhiều dự án vẫn chưa thể tái khởi động vì còn vướng pháp lý.
Trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Novaland, doanh nghiệp này cho biết, năm 2023, Novaland có 2 dự án trong danh sách công bố được gỡ vướng của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, mới có Dự án Chung cư Cô Giang được giải cứu thành công và đã xây dựng, còn Dự án The Water Bay vẫn chưa xong.
“Với Dự án The Water Bay, Novaland đã đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và lãi chậm thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật toàn dự án, hoàn tất xây dựng 1 lô nhà ở, hoàn tất xây dựng móng cọc 8 lô nhà ở, còn 1 lô nhà ở, 3 lô thương mại và các công trình tiện ích chưa xây dựng. Nhưng hiện nay, dự án này đang dừng triển khai và chờ TP.HCM đưa ra hướng hỗ trợ giải cứu cụ thể”, đại diện Novaland chia sẻ.
Công ty TNHH Gotec Việt Nam - chủ dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết, hiện dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng và bán hàng bởi vẫn vướng pháp lý bên Sở Xây dựng, dù UBND TP.HCM đã có thông báo giải cứu thành công cho dự án này.
Tới tháng 5/2024, vì dự án chậm được giải cứu, doanh nghiệp này lâm vào cảnh khó khăn, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, phải cắt giảm tới 70% nhân sự, số còn lại chỉ làm việc 3 buổi/tuần.
Tương tự, dự án khu chung cư và thương mại Metro Star dù được công bố giải cứu, nhưng tới nay vẫn bất động. Hầu hết dự án được nhắc tên trong danh sách giải cứu, các chủ đầu tư đều cho biết vẫn chưa thông pháp lý để triển khai trở lại.
Ngày 14/9/2024, UBND TP.HCM vừa ban hành hai quyết định gỡ vướng cho việc cấp phép xây tầng hầm của các dự án, gồm Quyết định 3803/QĐ- UBND về bổ sung nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm vào quy định quản lý đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu Trung tâm Thành phố hiện hữu 930 ha đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định 67/08/QĐ-UBND ngày 29/12/2012 và Quyết định 3804/QĐ-UBND bổ sung quy định quản lý theo đồ án về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/500, 1/2.000, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt trên địa bàn Thành phố. Các quyết định này là cơ sở để phê duyệt tổng mặt bằng, tiến đến hoàn thành cập nhật giấy phép xây dựng điều chỉnh cho các dự án bất động sản trên địa bàn...