TP.HCM tiếp cận nguồn lực 'vàng' để phát triển hạ tầng
TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và khát vọng phát triển thành phố là rất lớn. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế thì việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách, trong đó có kiều hối. Nếu có những cách làm và chính sách phù hợp, đây sẽ là nguồn lực rất quan trọng để TP.HCM có thể phát triển KT – XH.
Kiều hối lớn hơn nguồn vốn FDI
TP.HCM là địa phương có liên hệ với khoảng 50% trong tổng số khoảng 5,8 triệu kiều bào sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 80% kiều bào đang sống ở các nước có nền kinh tế, khoa học, công nghệ và giáo dục phát triển.
Hàng năm, lượng kiều hối đổ về TP.HCM chiếm từ 38%-53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam. Đây là dòng tiền chuyển đơn phương theo hướng một chiều về Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, với mức tăng trung bình 3%-7%/năm.
Quý 1 năm nay, kiều hối về TP tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá: “Hiện nay có nguồn lực rất lớn, rất ý nghĩa, nhiều năm qua về TP.HCM rất đều đặn, bền bỉ, dồi dào là kiều hối. Năm 2023 đã đạt 9,46 tỷ USD, gấp gần 3 lần FDI. Điều đáng trân trọng là trong quá trình gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM nhiều người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ mong muốn được đầu tư nhiều hơn nữa cho quê hương”.
Theo nhiều chuyên gia, kiều hối là số tiền ngoại tệ của kiều bào, của người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển về. Nguồn tiền này thường được sử dụng với các mục đích chủ yếu là tiêu dùng, chi tiêu cá nhân, đầu tư kinh doanh hoặc đưa trực tiếp vào sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nguồn kiều hối chủ yếu hấp thụ một cách đơn lẻ, chưa phát huy hết giá trị.
TS. Trần Du Lịch đánh giá, lượng kiều hối có tác động rất lớn với nền kinh tế. Ngoài việc cải thiện đời sống người dân còn giúp cho quốc gia cân đối nguồn ngoại tệ…
Hiện TP.HCM đang muốn thu hút mạnh hơn kiều hối, “nắn” dòng tiền này vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhưng TS Trần Du Lịch cho rằng, muốn như thế, đầu tiên TP.HCM phải khơi thông tốt các mô hình, các hình thức đầu tư, đặc biệt là phải có những quỹ đầu tư.
Theo TS Trần Du Lịch, người nhận nguồn kiều hối sẽ luôn định hướng để sử dụng hiệu quả nhất. Do đó, TP.HCM cần tạo ra các “vùng trũng” để dòng tiền này có thể chạy vào vừa đáp ứng nhu cầu phát triển vừa đảm bảo khả năng sinh lời hấp dẫn. TP.HCM có một công cụ rất lớn, quan trọng mà không đâu có được là Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC). Đơn vị này có thể sáng lập ra các quỹ thu hút nguồn kiều hối đổ vào, quản trị và đầu tư các dự án cụ thể. Hoặc TP có thể phát hành trái phiếu riêng cho các dự án lớn như metro, tận dụng hình thức TOD để thu hút kiều hối.
Tuy nhiên trái phiếu kiều hối liên quan đến ngoại tệ, phải xin Trung ương, Chính phủ chấp thuận cho phép để phát hành. Hoặc nếu như có trái phiếu tốt, người Việt Nam ở nước ngoài có thể đưa cho gia đình mua trái phiếu bằng VNĐ.
TS Trần Du Lịch lưu ý, để thu hút nguồn này phải tạo một cơ chế về pháp lý để làm sao tạo an toàn tốt nhất cho nhà đầu tư; tạo góc độ sinh lời, bền vững để người ta có thể tính toán: “Tôi hy vọng rằng trong thời gian sắp tới này khi triển khai Nghị quyết 98 thì có một loạt những vấn đề mang tính thể chế và đang hoàn thiện, trong đó vấn đề quy hoạch, đưa ra các dự án, công trình để thu hút đầu tư thì trong quá trình đó chúng ta phải lựa chọn một số dự án và hướng tới dòng vốn của cái kiều hối vào các dự án đó. Nếu được từ 2025 có thể thu hút được dòng này cho đầu tư”.
Phát hành trái phiếu, xây dựng quỹ đầu tư
Đồng quan điểm là TP.HCM cần sớm phát hành trái phiếu, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính – Bất động sản Toàn Cầu cho rằng cần nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, khó khăn là thị trường trái phiếu tại Việt Nam khá trầm lắng, niềm tin của nhà đầu tư chưa trở lại sau vụ việc xảy ra tại các tập đoàn lớn. Ông Hiếu nhận định, phát hành trái phiếu giai đoạn này có thể thành công 70% nếu đáp ứng các điều kiện kèm theo. Đặc biệt là phải minh bạch thông tin, khi phát hành cần phải nói rõ là tài trợ cho dự án phát triển giao thông hay hạ tầng xã hội cụ thể, không nói chung chung. Phải thuyết phục được kiều bào nguồn trả nợ, thẩm định rủi ro, có các nguồn tài sản bảo đảm, bảo lãnh.
“Đặc biệt vấn đề minh bạch thông tin về tài chính của TP, xác định rõ nguồn trả nợ; TP có cơ quan đơn vị thẩm định, qua tiến trình báo cáo lại các nhà đầu tư về tiến độ thực hiện các công trình. Tôi nghĩ nếu làm được các điều đó thì kiều bào rất tin tưởng và bỏ tiền cho chúng ta đầu tư” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành, trong bối cảnh khan vốn đầu tư hiện nay, TP.HCM cần phải có nhiều giải pháp thu hút ngay nguồn kiều hối này. Thời gian qua, nhiều chương trình dự án hợp tác công – tư triển khai chậm nên cần phải xem lại việc thực hiện cam kết với nhà đầu tư đang vướng cái gì để có giải pháp tháo gỡ; đặc biệt là phải có tính kế thừa của luật pháp để thực hiện tất cả các cam kết với nhà đầu tư. Qua đó sẽ tạo ra niềm tin để thu hút nhà đầu tư trở lại.
TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, TP.HCM nên tiếp cận theo hướng là phát hành trái phiếu công trình, có những công trình cụ thể chứ không phải là trái phiếu kiều hối.
TP.HCM phải có các quỹ kiều hối chuyên về các lĩnh vực cụ thể, phát hành trái phiếu ở các lĩnh vực, ngành nghề, minh bạch thông tin. Khi đó, kiều bào nước ngoài có thể tìm hiểu và gửi tiền để đầu tư.
“Người lao động ra nước ngoài làm muốn gửi tiền về nước, muốn đầu tư người ta đâu có thời gian. Thì phải thông qua cái quỹ đầu tư. Quỹ này sẽ nghiên cứu và dùng tiền đúng mục đích, quỹ này chỉ nghiên cứu các công trình, dự án, ngành nghề lĩnh vực này. Đầu tư thông qua quỹ mới làm được chứ nếu phát hành riêng lẻ, tôi có 20 – 30.000 USD cũng không biết đường đầu tư” - TS. Huỳnh Thanh Điền nêu ý kiến.
Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, TP.HCM cần kinh phí khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án. Và trong bối cảnh khan hiếm vốn như hiện nay, nếu TP.HCM có những chính sách để dòng tiền này được tập trung, được “nắn” vào các hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư thì hiệu quả sẽ lớn hơn và mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Lý do bởi dòng tiền này rất ổn định, tăng đều qua từng năm, không chịu nhiều quy định, không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vốn ngoại tệ khác.