TP HCM: Tiếp tục làm rõ những bất thường trong vụ Tòa án quận 7 giải quyết vụ án 'khu dân cư Hòa Lân'
Không chỉ nhanh chóng thụ lý đơn kiện theo kiểu thần tốc, Tòa án quận 7 TP HCM còn liên tục thụ lý đơn khởi kiện bổ sung của nguyên đơn để giải quyết những yêu cầu vượt thẩm quyền. Kết quả xét xử chưa có nhưng hệ quả của việc thụ lý đơn thì đã rõ, hơn 1.500 tỷ đồng của doanh nghiệp bị kẹt cứng.
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin trước đó, việc TAND quận 7 TP HCM thụ lý đơn khởi kiện của Công ty TNHH Thiên Phú yêu cầu hủy hợp đồng bán đấu giá và hủy kết quả bán đấu giá có nhiều dấu hiệu bất thường.
Việc thụ lý giải quyết vụ việc có thể không mang đến kết quả là một bản án như mong muốn của nguyên đơn, song đó không phải là mục đích chính mà việc lấy vụ án làm cái cớ để biến dự án khu dân cư Hòa Lân thành dự án “chết” mới là mục đích thực sự của bên người kiện và những người thiết kế vụ án này.
Trở lại nội dung vụ việc và những bất thường trong vụ án, đầu tiên là các chi tiết về thủ tục tố tụng nhanh một cách bất thường của TAND quận 7. Theo hồ sơ thể hiện, ngày 21/2/2019, Tòa nhận được đơn khởi kiện và ngày 27/2/2019, Tòa đã có thông báo thụ lý vụ án.
Bình luận về nội dung này, Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh sáng Công lý, ĐLS TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, tòa án phải thông báo nhận được đơn; trong 3 ngày làm việc, tòa phải phân công thẩm phán xem xét đơn và trong 5 ngày làm việc, thẩm phán xem xét đơn phải có quyết định thụ lý hoặc trả lại đơn. Đó là quy định của pháp luật như trong thực tế việc thụ lý vụ án rất chậm chạp, mất nhiều tháng.
“Do đó, việc có quyết định thụ lý trong thời gian 6 ngày kể từ ngày nhận được đơn là một trường hợp hiếm thấy”, Luật sư Lê Văn Kiên cho biết.
Không những vậy, ngày 13/3/2019, Tòa án Quận 7 nhận được đơn khởi kiện bổ sung Công ty Thiên Phú, thực chất là một vụ kiện hoàn toàn khác với đơn kiện trước đó. Ngay lập tức trong cùng ngày 13/3/2019, TAND quận 7 đã ra quyết định thụ lý “bổ sung” đơn kiện này.
Điều rất bất thường ở đây không chỉ là việc tòa vừa nhận được đơn kiện đã thụ lý ngay, không cần xem xét mà còn ở nội dung khởi kiện. Trong đơn khởi kiện này, Công ty Thiên Phú không bổ sung các nội dung khởi kiện đối với bị đơn là Công ty cổ phần dịch vụ Đấu giá tài sản Nam Sài Gòn mà kiện một bị đơn khác là Ngân hàng NN & PTNT Việt Nam. Theo đó, Công ty Thiên Phú khởi kiện Ngân hàng yêu cầu hủy hợp đồng tín dụng có dư nợ hơn 1 nghìn tỷ đồng và đòi hủy cả biên bản thỏa thuận xử lý tài sản thế chấp.
Do đó, theo Luật sư Trần Văn Toàn, ĐLS Hà Nội thì đây không phải là “khởi kiện bổ sung” mà là một vụ kiện mới do quan hệ pháp luật tranh chấp không liên quan đến vụ kiện cũ và bị đơn cũng là tổ chức, cá nhân khác.
Vậy tại sao TAND quận 7 lại không cần xem xét đến nội dung đơn kiện này mà lại tiến hành thụ lý ngay lập tức?
Trong đơn “khởi kiện bổ sung”, Công ty Thiên Phú cho rằng có tranh chấp hợp đồng tín dụng và yêu cầu TAND quận 7 giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng; đồng thời yêu cầu Tòa án hủy biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản để thu hồi nợ.
Với đơn khởi kiện này, Công ty Thiên Phú đã “vẽ” ra tranh chấp với Ngân hàng và qua đó thể hiện một mong muốn rất rõ ràng là muốn hủy bỏ việc xử lý tài sản thế chấp (dự án khu dân cư Hòa Lân) để trả nợ cho ngân hàng.
Nếu như TAND quận 7 chấp nhận yêu cầu này của Công ty Thiên Phú, đồng nghĩa với việc phải hủy kết quả đấu giá, trả lại tiền cho bên trúng đấu giá và trả lại tài sản cho Công ty Thiên Phú. Vậy còn khoản hơn hơn 1.353 tỷ đồng mà Công ty Thiên Phú nợ Ngân hàng NN &PTNT lấy gì ra trả. Rõ ràng yêu cầu bất hợp lý này khó có thể được chấp nhận. Song, đây có lẽ cũng không phải là mục đích của bên nguyên đơn mà có thể mục đích cuối cùng là dùng vụ kiệm để “om” dự án của Công ty Kim Oanh TP HMC.
Mục đích này còn được thể hiện rất rõ ở quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời mà TAND quận 7 ban hành 2 ngày sau khi thụ lý đơn khởi kiện bổ sung của Công ty Thiên Phú.
Theo đó, ngày 15/3/2018, TAND quận 7 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01, với lý do giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã cấm dịch chuyển đối với tài sản đang tranh chấp. Tòa liệt kê đầy đủ 85 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích hơn 490.765m2 dự án mà Công ty Kim Oanh TP HCM đang thực hiện. Đây là “đòn đánh” thẳng vào Công ty Kim Oanh TP HCM vì hơn ai hết, bên khởi kiện hiểu rõ việc giam hơn 1.500 tỷ đồng tại dự án này sẽ để lại hậu quả tai hại như thế nào.
Việc thụ lý nhanh một cách bất thường và ra quyết định ngăn chặn dự án theo yêu cầu của nguyên đơn đã nói lên “góc khuất” của vụ án. Bên cạnh đó, dư luận đặt một câu hỏi mà không chỉ TAND quận 7 mà cả những lãnh đạo có trách nhiệm của ngành Tòa cũng phải trả lời là tại sao TAND quận 7 lại thụ lý một đơn khởi kiện “bổ sung” mà thực chất TAND quận 7 không có thẩm quyền?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ làm rõ vấn đề này trong kỳ báo tiếp theo./.